Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công khai, minh bạch là "phương thuốc" hiệu quả

Bài, ảnh: Thiện Mỹ| 20/06/2015 07:11

(HNM) - Trong vai người cần mua đất thổ cư, chúng tôi được nhiều người dân ở thôn Viên Ngoại, xã Viên An, huyện Ứng Hòa chỉ cho những thửa đất nằm ở những khu vực trước đây là đất canh tác, đất công ích… nay đã biến thành đất ở, thậm chí đã được cấp

Dân nói rằng xã "bán" đất…

Năm 2012, thôn Viên Ngoại triển khai công tác dồn điền đổi thửa. Khi thực hiện đến các đối tượng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn chiếm… mới lộ ra nhiều trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp đã được cấp sổ đỏ. Nằm ngay trong khu dân cư là diện tích trước kia là sân kho của Hợp tác xã Nông nghiệp, nay đã được chia lô cho 8 hộ và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.

Đất ở hồ Cửa Đồng được san lấp khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng.


Cách đấy không xa, ngay cổng chào của Xóm 2, thôn Viên Ngoại trước kia là đất canh tác, nay nhà cũng đã mọc lên san sát. Cứ tưởng đây là những trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khi dồn điền đổi thửa phải chịu "chế tài", song những trường hợp đó "tuyên bố" ruộng trồng lúa trước đây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (!?). Ngay cả hồ Cửa Đồng trước kia do UBND xã quản lý, dùng để đấu thầu, nay cũng bị biến tướng, "bán" cho chính người thầu ao là ông Mai Văn Lập. Trong thời gian qua, ông Lập đã chia lô, bán lại cho những người có nhu cầu và hiện một số vị trí cũng đã được đổ đất san lấp. Còn tại khu ruộng Phốc, ông Mai Văn Luyến được sử dụng khoảng vài trăm mét vuông để đào ao và dựng nhà xưởng nuôi lợn… Thậm chí, có trường hợp là Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ cũng xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp…

Mục sở thị những thửa đất mà người dân nghi vấn, chúng tôi nhận thấy trên đó hầu hết đã được người dân xây nhà nhưng cũng còn nhiều thửa vẫn chỉ là đất trồng ngô, rau màu và được xây tường bao.

Bức xúc nhất đối với nhiều người dân địa phương hiện nay là hai công trình của ông Mai Văn Thiện và ông Văn Quốc Việt ở Xóm 2, thôn Viên Ngoại. Theo người dân, hiện cả hai công trình này đều có một phần nằm trên đất công, thuộc hạng mục mương thoát nước thải sinh hoạt của thôn. Khi người dân yêu cầu phải trả lại đất công cho xóm làm mương thoát nước, cả hai người đều khẳng định thửa đất đó đều được cấp sổ đỏ đã vài năm. Thậm chí, khi Xóm 2 yêu cầu giải tỏa phần công trình nằm trên đất mương, ông Việt lại "đòi" UBND xã phải... bồi thường 240m2 đất ở tại vị trí bãi Nhôm (cũng là đất canh tác) - tất nhiên là chuyện vô lý đó không được đáp ứng khi có sự giám sát của dân.

Đây là lý do chính dẫn đến việc đến nay thôn Viên Ngoại mới dồn điền đổi thửa được ở 1 xóm, còn 3 xóm khác hiện vẫn "tồn" lại.

Xã nói rằng "xử lý đúng quy định"

Khác với ý kiến người dân, Bí thư Đảng ủy xã Viên An - ông Lê Xuân Tăng - khẳng định, hầu hết những trường hợp nêu trên đều đã được hợp thức, xử lý theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là NĐ 84); UBND xã không nhận được đơn thư đề nghị, kiến nghị hay tố cáo nào của người dân liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn; quy trình hợp thức các thửa đất vi phạm theo NĐ 84 được làm công khai, minh bạch, khi xét duyệt đều được họp từ các thôn, xóm đến UBND xã; sau đó cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa về thẩm định. Danh sách xét duyệt các trường hợp được xử lý vi phạm theo NĐ 84 đều được niêm yết công khai tại trụ sở hợp tác xã nông nghiệp các thôn. Xã Viên An thực hiện hợp thức cho các trường hợp vi phạm 2 đợt, năm 2009, năm 2012 và 2013. Riêng năm 2012 và 2013 đã hợp thức được hơn 60 trường hợp, thu về ngân sách hơn 7 tỷ đồng. Đối tượng của các vi phạm được xem xét xử lý theo NĐ 84 là những diện tích đất nông nghiệp, đất xen kẹt do người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất bán trái thẩm quyền…, hơn nữa, trên đất phải có nhà, lều lán… Đối với trường hợp đất của ông Mai Văn Thiện đến nay cũng chỉ là đất trồng ngô, xây tường bao nhưng vẫn được cấp "sổ đỏ" thì ông Lê Xuân Tăng cho rằng có thể do được "châm chước" vì trên đất đã có tường bao (!?). Riêng phần đất của sân kho thôn Viên Ngoại được UBND huyện Ứng Hòa tổ chức bán đấu giá từ năm 2007, diện tích mỗi lô đều rộng hơn 100m2. Còn hồ Cửa Đồng không phải được hợp thức theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP mà do khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án kè Sông Đáy, có 8 hộ bị thu hồi đất thổ cư nên UBND xã bố trí bồi thường đất cho họ ở khu hồ Cửa Đồng. Việc một số hộ đổ đất san lấp đã được UBND xã thỏa thuận. Về vấn đề cấp thẩm quyền đã có quyết định về việc bồi thường cho các hộ hay chưa, ông Lê Xuân Tăng cho biết: UBND xã đã lập danh sách các hộ được bồi thường, hiện các phòng chức năng của huyện đang rà soát, chưa có quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thiết nghĩ, nếu quy trình xử lý đất vi phạm theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP được UBND xã Viên An thực hiện công khai thì không đến nỗi nhiều người dân phải nghi ngờ về việc lãnh đạo xã "bán" đất như vậy. Hơn nữa, nếu công khai, minh bạch thì những trường hợp có tường bao liệu có được "châm chước" để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không? Những trường hợp đã được hợp thức nêu trên đã được thực hiện đúng quy định hay chưa, có bao nhiêu trường hợp được "châm chước"? Chỉ một vụ việc nhưng ý kiến người dân và lãnh đạo xã lại khác nhau. Muốn giải quyết vụ việc phức tạp này, rất cần sự công khai hồ sơ của những trường hợp đã được xử lý theo NĐ 84. Sự công khai, minh bạch sẽ là "phương thuốc" giải quyết những phức tạp đang tồn tại ở địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công khai, minh bạch là "phương thuốc" hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.