Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vừa làm giàu vừa lo

Nguyễn Mai| 28/06/2015 07:04

(HNM) - Không chỉ được biết đến là nơi có nghề đóng giày, nhiều năm nay, người dân thôn Thượng Yên, xã Phú Yên (Phú Xuyên) còn phát triển nghề ấp trứng gia cầm, thủy cầm.

Từ khi có nghề này, đời sống của hàng trăm hộ gia đình trong thôn đã bước sang trang mới. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, lại thực hiện việc ấp nở ngay trong nhà nên nghề cũng đem đến không ít phiền phức cho đời sống người dân...

Xuất bán con giống ở Thượng Yên - Phú Yên.


Đến thôn Thượng Yên khi trời đã về trưa, chiếc xe ô tô tải của một lái buôn người Vĩnh Phúc vẫn kiên nhẫn chờ đợi để gom cho đủ xe hàng con giống gà, vịt ngan ngỗng… mang đi tiêu thụ. Chốc chốc, những chiếc xe máy chở đầy những lồng vịt, ngan vừa mới nở lại đỗ xịch tại đây. Người mua, kẻ bán nhanh chóng kiểm hàng, rồi chất luôn lên xe tải. Công việc diễn ra rất chóng vánh.

Anh Đỗ Thanh Tùng, quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc 7 năm qua là khách hàng thường xuyên của làng nghề ấp trứng Thượng Yên cho biết: "Mỗi ngày, tôi nhập một xe khoảng 5.000-6.000 con giống mang về Vĩnh Phúc tiêu thụ. Con giống của làng Thượng Yên có chất lượng tốt, mặc dù vừa bóc trứng, lại di chuyển đường xa nhưng mang về tới Vĩnh Phúc vẫn khỏe mạnh, tỷ lệ hỏng không đáng kể". Hiện nay, anh Tùng đang thu mua con giống của 20-30 hộ dân Thượng Yên với giá ngan 10.000 đồng/con và vịt là 7.000 đồng/con.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Phi, chủ một lò ấp quy mô lớn ở xã, anh cho biết gia đình có 13 máy ấp, mỗi tháng xuất ra 7 vạn con giống gia cầm. Làm nghề ấp trứng đầu tư không nhiều, mỗi máy ấp chừng 13-15 triệu đồng nhưng sử dụng được trong thời gian rất dài. Nếu làm ăn thuận lợi, mỗi tháng, mỗi máy có thể thu lãi khoảng 1,5-2 triệu đồng. Trưởng thôn Thượng Yên Nguyễn Văn Dũng cho biết, cả thôn có trên 500 hộ dân, trong đó chừng 100 hộ có nghề ấp trứng. Trung bình mỗi tháng, Thượng Yên cung cấp ra thị trường hàng chục vạn con giống và được ví như thủ phủ sản xuất gia cầm giống lớn nhất miền Bắc cung cấp giống cho các tỉnh: Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc...

Theo các hộ làm nghề ấp trứng, tùy từng loại trứng mà thời gian ấp khác nhau: Trứng ngan là 34 ngày, vịt là 28 ngày, gà là 21 ngày. Thông thường, các hộ làm theo hai dạng: Ấp thuê cho các chủ trại chăn nuôi và tự ấp. Ấp thuê thì họ mang trứng đến, người có máy ấp theo đúng quy trình đến khi nở thành con thì nhận được 600 đồng tiền công/con, tuy lãi ít nhưng chắc chắn.

Còn đối với các hộ mua trứng giống về tự ấp nở và xuất bán con giống thì thu nhập bấp bênh hơn. Để hạn chế rủi ro, các chủ lò phải tính toán được thời điểm nào con giống được giá để ấp nhiều, thời điểm nào phải tạm thời ngưng sản xuất. Ví dụ, nếu giá trứng nhập vào 8.000 đồng/quả sau khi ấp nở xuất bán được 12.000 đến 13.000 đồng/con là lãi. Thông thường, từ mùa xuân đến tháng 4 hằng năm là chạy hàng.

Những dịp này, ở làng có hộ kiếm cả trăm triệu đồng tiền lãi chỉ trong một tháng không phải là hiếm. Tuy vậy, cũng có thời điểm giá con giống xuống rất thấp, đặc biệt là trong những ngày mùa đông nhiệt độ thấp, các hộ ngừng nhập vào con giống nên giá sụt giảm. Thời điểm hiện nay, giá trứng nhập vào 8.000 đồng/quả, ấp nở ra chỉ bán được 9.000 đồng thì không có lãi. Thậm chí, có lúc hàng ế, phải giảm giá lỗ cũng phải bán.

Mặt khác, nghề ấp trứng diễn ra ngay trong khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh trên gia cầm, thủy cầm có thể dễ dàng phát tán, lây lan sang môi trường nếu công tác kiểm dịch không tốt. Thực tế, ở thôn Thượng Yên, đi qua hoặc đến gần các gia đình có lò ấp con giống mới nở sẽ thấy lông tơ của vịt con bay lơ lửng, quẩn quanh trong bầu không khí kèm theo mùi tanh nồng rất khó chịu. Chưa kể một lượng lớn vỏ trứng sau ấp nở không được thu gom, xử lý mà đổ tràn ra các bờ mương, bờ ruộng… gây mất vệ sinh môi trường, vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để được. Để làng nghề phát triển bền vững, xem ra chính quyền xã Phú Yên còn rất nhiều việc phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vừa làm giàu vừa lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.