Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng "chất" lao động khu vực nông thôn

Kim Nhuệ| 31/07/2015 06:25

(HNM) - Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Dù nỗ lực nhưng để hóa giải


Là huyện thuần nông, nguồn thu nhập của người dân Mỹ Đức chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, nhu cầu đào tạo ngành nghề mới cho nông dân khá lớn. Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2014, huyện Mỹ Đức đã tổ chức cho 1.225 nông dân học các nghề: May công nghiệp, mây tre giang đan, chế biến món ăn, chăn nuôi thú y, trồng rau hữu cơ, nuôi cá thương phẩm...

Sau đào tạo, 175 lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc, 593 người tự tạo việc làm và có mức thu nhập cao hơn trước khi học nghề, bình quân 2-2,5 triệu đồng/người/tháng... Có được kết quả chuyển dịch cơ cấu lao động như trên do huyện đã làm tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và dự báo thị trường việc làm; giám sát việc thực hiện cam kết tạo việc làm giữa doanh nghiệp, người học nghề và đơn vị đào tạo… đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người học nghề tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thành lập tổ sản xuất, tự tạo việc làm...

Ông Đặng Văn Cùng, thôn Đồng Chiêm, xã An Phú cho biết, trước đây người dân trong thôn nghèo nhất huyện Mỹ Đức, với 240/512 hộ nghèo. Nguyên nhân do nông dân thiếu việc làm, thu nhập phụ thuộc vào trồng lúa, nhưng đất canh tác ít, trung bình khoảng 3 sào/hộ. Từ khi học nghề mây tre giang đan xuất khẩu, cuộc sống của người dân đã đổi thay, số hộ nghèo hiện chỉ còn khoảng 30 hộ… Chị Trần Thị Mỵ, thôn Viêm Khê, xã Hợp Tiến cho biết, trước kia, khi được giới thiệu học nghề may công nghiệp còn ngần ngại vì sợ mất thời gian mà không mang lại hiệu quả. Nhưng sau đó các đoàn thể thuyết phục, chị trở thành học viên giỏi của lớp và được Công ty cổ phần May An Phát tiếp nhận vào làm việc, thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Nhờ có thêm việc làm, cuộc sống của gia đình chị cũng bớt vất vả.

Trên đây là hai ví dụ điển hình của huyện Mỹ Đức về đào tạo nghề theo chủ trương "mang nghề về làng", "ly nông bất ly hương"… Tuy nhiên, theo thống kê, trong số 5.627 lao động được học nghề, giai đoạn 2010-2014, có tới 2.974 lao động tự tạo việc làm cho thấy, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề chưa đạt hiệu quả như mong muốn, tính bền vững không cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hậu, doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay vừa ít về số lượng lại nhỏ về quy mô, chủ yếu sử dụng lao động phổ thông nên chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết việc làm cho nông dân sau học nghề. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo lao động nông thôn 3 tháng là quá ngắn, chỉ đủ thời gian học viên biết việc chứ không thể giỏi nghề; còn việc tự túc kinh phí học nâng cao tay nghề rất ít người thực hiện. Bên cạnh đó, Mỹ Đức hiện vẫn thiếu đội ngũ giáo viên, chưa có trung tâm dạy nghề nên việc dạy nghề cho nông dân đều do các doanh nghiệp, trường ngoài địa bàn huyện tổ chức dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh, bố trí địa điểm học, giám sát chất lượng dạy và học…

Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề cho nông dân, thời gian tới, huyện Mỹ Đức tiếp tục mời gọi doanh nghiệp về địa phương để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tổ chức đào tạo, tuyển dụng lao động… Đồng thời, khảo sát nhu cầu học, đào tạo nghề nông nghiệp phù hợp trình độ và yêu cầu của nông dân ở những xã phát triển mạnh về chăn nuôi, trồng trọt tập trung, chất lượng cao. Huyện Mỹ Đức cũng kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh mức hỗ trợ học nghề, đặc biệt là đối với những người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa có kinh tế khó khăn; gắn đào tạo nghề với hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; gắn việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn với chủ trương xây dựng nông thôn mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng "chất" lao động khu vực nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.