Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đau đáu nghề dệt the

Đức Duy| 02/08/2015 08:01

(HNM) - Làng La Khê, Hà Đông (Hà Nội) vốn nức tiếng với nghề dệt the lụa cổ truyền. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại và hưng thịnh, nay làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền khiến nhiều người dân không khỏi chạnh lòng, xót xa.


Các cụ cao tuổi kể lại, La Khê là một làng cổ có nghề dệt hàng nghìn năm trước và phát triển hưng thịnh từ thế kỷ XVII đến XX. Nhờ sự nổi tiếng mà sản phẩm dệt the của La Khê được coi là một trong "Tứ quý danh hương" thời bấy giờ và được dân gian truyền tụng bằng câu thơ: "The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên".

Bà Bạch Hồng Ân ở La Khê cho biết, làng nghề hưng thịnh là vậy, nhưng càng về sau này xã hội càng phát triển, sản phẩm dệt may rất đa dạng, nhu cầu may trang phục của người dân thay đổi, từ đó nghề dệt the La Khê bị mai một. Số người nắm giữ bí quyết nghề dệt the cổ cũng ít đi.

Nghề dệt the ở La Khê. Ảnh: Thái Hiền


Đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền thì năm 2002, Ban Chủ nhiệm HTX dịch vụ La Khê và Hội Người cao tuổi đã thành lập Tổ phục dựng nghề dệt the truyền thống. Các cụ Nguyễn Công Toàn, Nguyễn Học Biểu lúc đó đã ở cái tuổi "thất thập" nhưng hằng ngày vẫn rất tâm huyết ra truyền nghề cho lớp con cháu. Đồng thời, Tổ phục dựng vận động các ban, ngành, đoàn thể và con cháu trong làng ủng hộ được gần 200 triệu đồng để phục dựng 10 bộ khung dệt. "Thời gian đầu, chúng tôi vận động được 30 người vào tổ thợ và chỉ vài tháng sau họ đã khôi phục được 20 mẫu dệt cổ; trong đó có nhiều mẫu cầu kỳ, với họa tiết, hoa văn cách điệu bằng những hình tượng văn hóa dân gian như: "Tứ linh" (long, ly, quy, phượng); "Tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai)..." - bà Ân cho biết.

Niềm vui chẳng tày gang, đến năm 2007 thành viên trong tổ thợ bỏ nghề, một lần nữa, nghề truyền thống lại đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhà xưởng, khung dệt mới phục dựng được vài năm đã phải tháo rời lưu kho, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm bị phá dỡ để nhường đất xây nhà văn hóa, sân vận động. Ông Nguyễn Huy Tuyển, Chủ nhiệm HTX dịch vụ La Khê cho biết, sản phẩm the, sa, vân, xuyến của làng nghề sản xuất bằng phương pháp thủ công nên không cạnh tranh được với các mặt hàng khác trên thị trường.

Từ 30 thợ dệt trẻ được các nghệ nhân truyền nghề, nay ở La Khê chỉ còn duy nhất anh Lê Đăng Toản là còn tâm huyết giữ nghề dệt the. Hiện, hằng ngày anh vẫn một mình cặm cụi bên khung dệt vừa quản lý, vận hành tất cả các công đoạn, từ se tơ, guồng tơ, mắc móc... đến dệt. Bình quân mỗi ngày anh sản xuất được 4 mét vải, giá bán khoảng 400 nghìn đồng, trừ mọi chi phí, tiền công chỉ được hơn 100 nghìn đồng/ngày. Anh Toản tâm sự: "Tuy thu nhập chẳng đáng là bao nhưng được các cụ tin tưởng truyền nghề nên tìm mọi cách để giữ nghề". Với cái cách giữ nghề này của anh Lê Đăng Toản e rằng chỉ vài năm nữa nghề dệt the La Khê sẽ thất truyền. Việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống cần có sự chung tay của cả cộng đồng, có như vậy mới lưu giữ được những giá trị truyền thống của nghề dệt the La Khê cho con cháu mai sau...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đau đáu nghề dệt the

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.