Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất nghề “đơm hoa”

Sơn Tùng| 02/08/2015 08:06

(HNM) - Xã Dân Hòa nằm ngay ven quốc lộ 21B, gắn liền với câu ca dao xưa:


Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Nguyễn Tuệ Sơn tự hào: Xã có 4/5 làng được công nhận làng nghề truyền thống, trong đó làng Canh Hoạch được công nhận là làng chế biến nông lâm sản, làng Vũ Lăng được công nhận là làng nghề sơn, tạc tượng; làng Phú Thọ, Tiên Lữ là làng nghề sản xuất mây tre đan, nón lá xuất khẩu… Thực tế, nghề làm lồng chim ở làng Canh Hoạch có từ lâu đời.

Đi cùng thăng trầm của đất nước, nghề làm lồng chim làng Vác vẫn tồn tại và phát triển cho tới ngày nay theo cách cha truyền con nối. Lồng chim làng Vác đa dạng về kiểu dáng, chủng loại, đủ kích cỡ, to, nhỏ, cao, thấp, vuông, tròn. Với ưu điểm bền, đẹp, lồng chim làng Canh Hoạch được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Thương hiệu của lồng chim làng Canh Hoạch được đón nhận khắp cả nước. Và ngày nay, người làng Canh Hoạch còn làm ra nhiều loại lồng trang trí, được các nhà hàng, khách sạn… khắp nơi về đặt hàng. Nhờ đó mà làng nghề luôn giữ được nhịp độ phát triển.

Nghề làm lồng chim ở làng Canh Hoạch có từ lâu đời


Ông Bùi Văn Quý, Trưởng thôn Trung Hòa, làng Canh Hoạch, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề làm lồng chim, đèn lồng các loại chia sẻ: Để làm ra một chiếc lồng chim đẹp, bền, sang, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách là cả một quá trình. Ngoài việc phải có tay nghề khéo léo, thì người làm nghề còn phải tỉ mỉ trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn tre, ngâm tre, luộc tre, hun tre, phơi tre, vót nan, chạm khắc hoa văn… Trong đó, khó hơn cả là công đoạn chạm đường viền cho các vanh lồng. Với đôi tay tài hoa, khéo léo, người thợ làng Canh Hoạch đã chạm khắc lên vanh lồng những hoa văn tinh xảo, những họa tiết cầu kỳ.

Ông Quý cho biết, ngày trước, ít người nuôi chim cảnh nên ông chủ yếu làm thủ công, nhưng hiện nay đời sống phát triển, rất nhiều người có thú vui tao nhã này nên nhu cầu theo đó mà tăng cao. Nhiều năm gắn bó với nghề, có lẽ ông là một trong số ít người đam mê sáng tạo cũng như chế tác những chiếc lồng chim cầu kỳ. Và giờ đây ở Canh Hoạch, không chỉ nổi tiếng với lồng chim mà nhiều mặt hàng mới đã xuất hiện như lồng đèn đính cườm hoặc đèn lồng vãi… Ông Quý luôn tâm niệm, mỗi lồng chim do mình tạo ra không phải là sản phẩm bình thường mà là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, để khách hàng cảm thấy họ không chỉ chơi chim mà còn chơi cả lồng chim. Nhìn đôi tay ông tỉ mỉ, nhẹ nhàng đục đẽo những chi tiết độc đáo, phức tạp, sinh động cho tác phẩm như: Nụ hoa, đôi mắt rồng, hay những giọt sương long lanh trên lá; thấy những giọt mồ hôi nhễ nhại, thấm ướt áo ông càng thấy trân trọng công sức, tâm huyết cũng như cách ông thổi hồn vào tác phẩm của mình. "Phải đam mê và yêu nghề thì mới mang lại sức sống cho mỗi tác phẩm của mình được", ông Quý chia sẻ.

Ở xã Dân Hòa, các sản phẩm làng nghề từ tạc tượng, đồ thờ đến hàng mây tre, lồng chim, lồng đèn… đều phân rõ cả hai dòng sản phẩm: Hàng chợ và hàng đặt theo yêu cầu của khách. Loại đặt của khách đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao và nguyên liệu được chọn lựa kỹ càng. Giá các mặt hàng này thường cao hơn 1,2 đến 1,5 lần thậm chí là gấp đôi hàng chợ. Nhiều người tiêu dùng cầu kỳ, đều chọn thợ giỏi ở đây để đặt hàng, vì thế nghệ nhân, thợ giỏi ở Dân Hòa sống tốt từ nghề truyền thống, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuệ Sơn cho hay. Việc phát triển làng nghề truyền thống bên cạnh tăng thu nhập cho người dân, còn đóng góp không nhỏ cho kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đời sống của người dân nhờ làm nghề cũng được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, làng nghề đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn ở địa phương. Với những người có tay nghề cao, mỗi tháng có thể thu nhập hàng chục triệu đồng. Đối với lao động phổ thông thì bình quân một tháng cũng được 3 - 4 triệu đồng. Nhờ nghề giỏi mà nhiều hộ gia đình đã xây nhà lầu, mua xe hơi, nuôi con ăn học thành tài. Có thể thấy, đất nghề nơi đây đã "đơm hoa, kết trái".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đất nghề “đơm hoa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.