Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rào cản chính từ nhận thức

Sơn Tùng| 24/08/2015 07:06

(HNM) - Manh nha từ cuối những năm 1990, đến nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là rau hữu cơ (RHC) tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn có kết quả khá khiêm tốn do gặp không ít khó khăn.


Hiện toàn thành phố mới có khoảng 17ha RHC, chiếm phần rất nhỏ trong tổng số gần 5.000ha rau an toàn (RAT) đã được thành phố phê duyệt.

Trở ngại đầu tiên chính là nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Một số người chưa hiểu được lợi ích của nông nghiệp hữu cơ và cho rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kém năng suất. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng hóa chất khi sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua đã khiến một bộ phận người dân không đủ kiên định để bỏ thói quen đó và hướng tới nền nông nghiệp an toàn.

Các chuyên gia và chủ các trang trại, nông dân sản xuất RHC cho rằng: Nhà nước cần hỗ trợ hơn nữa về mặt truyền thông và kỹ thuật để tạo hiệu ứng lan rộng trong người dân, giúp họ thay đổi về tư duy, thói quen. Từ đó giúp người dân lựa chọn sản phẩm hữu cơ như một lựa chọn tất yếu vì sức khỏe cộng đồng và của bản thân mình, thay vì mua theo phong trào, hoặc hiệu ứng đám đông. Còn đối với người nông dân cần cải cách về mặt kỹ thuật để bảo đảm kỹ thuật canh tác, nguyên liệu đầu vào, phân bón đúng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

Việc mở rộng diện tích canh tác rau hữu cơ còn nhiều khó khăn.


Bà Nguyễn Thị Phương Liên, chủ trang trại Tuệ Viên - Long Biên cho rằng: Hạn chế lớn nhất để mở rộng và phát triển sản xuất, tiêu thụ RHC chính là nhận thức của người dân về sản phẩm này chưa đúng với giá trị mà nó đem lại. Nếu như trên thị trường ồ ạt xuất hiện các thông tin về rau bẩn, rau nhiễm hóa chất, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng các sản phẩm hữu cơ nhưng khi truyền thông "im ắng" thì cũng là lúc người tiêu dùng lại quen với các lựa chọn cũ - mua rau trôi nổi trên thị trường.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, để có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ, thời gian tới, nhà nông cần sử dụng kỹ thuật sản xuất tin cậy. Về thị trường phân phối sản phẩm, cần có nguồn cung cấp thường xuyên, tin cậy cùng giá cả hợp lý. Bên cạnh đó là một hệ thống chứng nhận độc lập; phương thức vận chuyển bảo đảm chất lượng; hệ thống thông tin về các phương pháp canh tác và sản phẩm rõ ràng để tạo niềm tin. Khách hàng cần được biết những thông tin về lợi ích của thực phẩm hữu cơ và nơi mua sản phẩm, đồng thời hiểu rõ về sự khác biệt giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm hữu cơ.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 17ha sản xuất RHC. Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đang tiếp tục xây dựng mới một vùng sản xuất RAT theo hướng hữu cơ quy mô 10ha tại xã Yên Bình - Thạch Thất và duy trì một vùng sản xuất RHC quy mô 5ha tại xã Thanh Xuân - huyện Sóc Sơn… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng thử nghiệm mô hình sản xuất RHC theo công nghệ Nhật Bản (quy mô 1.000m2). Tuy nhiên, sản xuất RHC nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, số lượng hộ nông dân lớn nên gặp khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất. Mạng lưới kinh doanh RHC phát triển chưa tương xứng với sản xuất, sản lượng tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng còn thấp. Trên địa bàn, dù đã hình thành mối liên kết giữa sản xuất và kinh doanh RHC nhưng chưa bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không hào hứng tham gia đầu tư vào lĩnh vực này bởi tính rủi ro cao, lợi nhuận thấp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rào cản chính từ nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.