Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác sâu bệnh hại lúa mùa

Đào Huyền| 26/08/2015 06:51

(HNM) - Trà lúa mùa sớm đang làm đòng, trà trung đang kỳ đẻ nhánh, phân hóa đòng, còn trà muộn đang đẻ nhánh. Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo các địa phương cần tăng cường giám sát tình hình sâu bệnh để phòng ngừa kịp thời.


Theo Sở NN&PTNT, bệnh hại chủ yếu lúa mùa gồm các đối tượng: Chuột và ốc bươu vàng; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn; sâu cuốn lá nhỏ gây hại thời kỳ làm đòng đến trỗ... Để hạn chế đến mức tối đa các đối tượng sâu bệnh gây hại, bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của thời tiết và thông báo của nhân viên bảo vệ thực vật tại địa phương để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Một số biện pháp chính phòng trừ chuột và ốc bươu vàng như sau:

* Đối với chuột, các địa phương và bà con nông dân nên ưu tiên sử dụng các biện pháp thủ công và phát động phong trào ra quân đồng loạt diệt trừ. Chú ý phát quang bờ, bụi rậm, gò đống làm mất nơi cư trú của chuột. Sử dụng các loại bẫy cặp, bẫy lồng, bẫy dính và chọn các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá... đặt bẫy ở nơi chuột thường qua lại, nơi chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, trong kho để đánh bắt chuột.

* Phòng ngừa ốc bươu vàng: Ốc ăn phiến lá và lá nõn lúa, ốc hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối, ốc có thể cắn trụi tới tận gốc lúa, cây khó có khả năng phục hồi. Biện pháp phòng trừ: Những ruộng thường xuyên có ốc bươu vàng, nên khơi rãnh xung quanh ruộng hoặc làm rãnh trên ruộng, khi tháo nước ốc bươu vàng tập trung xuống rãnh thu bắt dễ dàng. Những khu ruộng liền kề ao, hồ, suối, mương... có nhiều ốc, ở đầu dòng chảy nên dùng lưới chắn 3 lớp để ngăn ốc xâm nhập vào ruộng gây hại. Cắm cọc để thu hồi trứng, làm dập nát trứng, làm cho trứng chìm trong nước.

Làm bẫy dẫn dụ thức ăn (các loại rong, lá khoai lang, lá khoai môn, khoai sọ…) bó thành từng bó, thả xuống mặt nước dọc theo bờ ruộng để dẫn dụ ốc bươu vàng đến ăn và thu gom… Biện pháp hóa học: Khi mật độ ốc bươu vàng trên 2 con/m2 thì phải dùng thuốc hóa học để diệt trừ. Sử dụng các loại thuốc ít độc với cá và động vật thủy sinh như: Hoạt chất Niclosamide (Dioto 250Ec, Pazol 700 WP...) và hoạt chất Saponin (Asanin, Super Fatox, Sapo…). Pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác sâu bệnh hại lúa mùa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.