Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân cấy nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn

Minh Phú| 25/09/2015 07:42

(HNM) - Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 287 làng nghề được công nhận theo tiêu chí. Từ lâu, làng nghề đã là một


Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội) đã làm tốt công tác khuyến công: Dạy nghề, nhân cấy nghề cho nhiều vùng nông thôn, mang đến đổi thay cho nhiều vùng quê.

Từ hơn một tháng nay, lớp dạy nghề thêu ở xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội mở ra thu hút 35 chị em tham gia. Người già có, người trẻ có, họ đi học nghề thêu với nhiều lý do.

Bà Nguyễn Thị Thúy (thôn Xuân Trạch) phấn khởi cùng nhiều chị em trẻ đi học nghề. Bà nói: "Nhà có nghề làm may. Nghe thông tin về mở lớp dạy nghề thêu cho bà con, tôi làm đơn xin theo học. Mong rằng, biết thêm nghề thêu, tôi sẽ ứng dụng vào hàng may thời trang kèm thêu mỹ thuật để nâng cao giá trị của sản phẩm may mặc".

Giáo viên của lớp thêu này là anh Lê Văn Nguyên, vừa là nghệ nhân vừa là chủ doanh nghiệp kiêm Chủ tịch Hội Thêu huyện Thường Tín cho biết: Nghề thêu đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, óc sáng tạo. Tuy là một nghề hoàn toàn mới ở Xuân Canh nhưng được chị em đón nhận nhiệt tình. Lớp học 35 học viên thường xuyên đông đủ. Anh Nguyên cho biết thêm, đây là lớp thêu đầu tiên ở xã, sau học nghề, doanh nghiệp của anh sẽ giúp học viên tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2015, theo kế hoạch được phê duyệt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội sẽ mở 100 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề với tổng kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng. Đến nay, đã có 98/100 lớp học được mở ra cho khoảng 3.500 học viên học nghề. Trưởng phòng Khuyến công - Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, các nghề chính được nhân cấy là: May dân dụng, mộc dân dụng, mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt len, lụa, đan bèo tây, da giày, gốm sứ,... trải đều khắp các xã ngoại thành Hà Nội. Việc dạy nghề tập trung vào các làng thuần nông; vùng sâu, vùng xa; truyền nghề vào các làng du lịch… Đây thực sự là nền móng vững chắc để nghề "ăn sâu, bám rễ" vào đời sống, giúp những hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Mặc dù công tác truyền nghề, nhân cấy nghề đã đạt được những kết quả đáng mừng nhưng vẫn còn một số khó khăn. Nguồn kinh phí khuyến công vẫn còn hạn hẹp, hiện trung bình mỗi lớp học kéo dài trong 3 tháng, kinh phí khoảng 50 triệu đồng, chỉ đủ trả lương cho giáo viên và mua nguyên vật liệu để học viên thực hành nghề trong khóa học. Không có kinh phí hỗ trợ cho học viên nên người dân không mặn mà, có nơi học viên còn bỏ học. Ở một số ngành đào tạo, việc thuê giáo viên không đủ kinh phí chi trả nên các doanh nghiệp vẫn phải bù thêm chi phí. Một số địa phương sau khi truyền nghề, học viên không duy trì được việc làm do sản phẩm chưa tìm được đầu ra ổn định. Sau truyền nghề, tay nghề người lao động còn thấp nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, dẫn đến thu nhập của người lao động thấp khiến người học nghề không nhiệt tình với nghề hoặc bỏ nghề sau khi học.

Một số làng chưa đáp ứng được cơ sở vật chất cho việc cấy nghề tiểu thủ công nghiệp và duy trì sản xuất sau khi cấy nghề như cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất, nguyên vật liệu, cung cấp điện nước… còn hạn chế. Công tác cấy nghề tiểu thủ công nghiệp mới chỉ tập trung vào việc truyền dạy nghề, chưa quan tâm đến mặt bằng sản xuất, máy móc, thiết bị hỗ trợ cho việc tổ chức sản xuất sau khi cấy nghề. Công tác tuyên truyền, phối hợp chỉ đạo tại một số địa phương còn hạn chế, một số địa phương cấp xã, thôn chưa thực sự vào cuộc khi triển khai thực hiện cấy nghề và duy trì hoạt động sau cấy nghề…

Tại xã Xuân Canh, ông Lê Văn Nguyên cho biết, để học viên học nghề xong không bỏ nghề thì họ phải có thu nhập cao. Muốn có thu nhập cao thì tay nghề phải chắc. Nghề thêu đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, phải làm nghề 3 đến 5 năm, thậm chí hàng chục năm mới đạt độ tinh xảo. Chính vì vậy, sau học nghề họ rất cần được tham gia các lớp củng cố, nâng cao tay nghề hằng năm.

Từng bước tháo gỡ khó khăn, hiện các lớp nghề theo chương trình khuyến công đều được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội phối hợp với các cơ sở sản xuất để truyền nghề theo phương thức dạy thực hành là chính. Sau học nghề, lao động được nhận vào làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc mang hàng về nhà làm, sau đó doanh nghiệp tiêu thụ theo hình thức khoán sản phẩm. Theo đánh giá, mức thu nhập bước đầu ổn định so với thu nhập tại địa phương, góp phần nâng cao kinh tế gia đình và ổn định an ninh chính trị tại địa phương. Nhiều nghề, bà con có thể làm tranh thủ thời gian trong những tháng nông nhàn nên rất phù hợp với các hộ nông dân làm thêm để có thêm thu nhập.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết: Khóa học diễn ra trong 3 tháng, học viên được các giảng viên là những nghệ nhân, thợ giỏi, thợ có tay nghề cao giảng dạy. Kết thúc khóa học, những người đủ điều kiện sẽ được trung tâm cấp chứng nhận sơ cấp nghề. Việc đào tạo nghề theo địa chỉ sẽ giúp cho lao động nông thôn có thêm nghề mới, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân cấy nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.