Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng nghề độc nhất vô nhị

Minh Phú| 27/09/2015 07:39

(HNM) - Kiêu Kỵ là làng duy nhất ở Việt Nam có nghề chế biến vàng thật, bạc thật thành bột vàng, bạc (gọi là quỳ). Chủ nhiệm HTX Quỳ vàng Kiêu Kỵ Nguyễn Bá Quy dẫn chúng tôi đi thăm một vòng qua các xưởng sản xuất trong làng.


Vừa đi, ông vừa say sưa kể: "Người Kiêu Kỵ có tài dập 1 chỉ vàng, dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích xấp xỉ 1 mét vuông điều mà cả ngành Công nghiệp dát vàng của Nhật Bản cũng không làm được. Nghề có ở làng đến nay đã 300-400 năm, nuôi sống bao thế hệ người dân trong làng. Người dân rất tự hào về nghề ông cha để lại".

Ông Lê Bá Chung và Nguyễn Thiên Hùng dát vàng cho linh vật gà trống.



Nghề công phu

Truyền rằng, tổ nghề của làng là cụ Nguyễn Quý Tỵ, đỗ tiến sĩ thời Cảnh Hưng năm 1740-1786. Một lần đi sứ Trung Quốc, cụ học được nghề và truyền dạy cho dân làng. Kể từ đó đến nay, người làng Kiêu Kỵ giữ nghề như một thứ báu vật. Việc giữ bí quyết nghề là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt đối với người thợ. Người dân trong làng ai muốn học làm nghề thì đều phải đến nhà thờ để khấn tổ nghề. Có lẽ bởi vậy mà Kiêu Kỵ đến nay vẫn là làng nghề duy nhất trong cả nước có nghề dát vàng, bạc.

Nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ hết sức công phu. Để làm ra một lá quỳ nguyên liệu bằng vàng thật, bạc thật, người thợ phải trải qua 20 công đoạn mà công đoạn nào cũng cần kỹ thuật và thao tác tinh xảo. Miếng vàng nhỏ được gói trong các lá quỳ, đặt lên chiếc đe bằng đá, được các trai tráng khỏe mạnh đập liên tục sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ. Muốn có 1 quỳ vàng, người thợ phải đập liên tục trong 1 giờ với khoảng 1.400 nhát búa. Lá quỳ sẽ được người thợ dùng chiếc bay rất mỏng để rát lên các sản phẩm.

Đến thăm Tổ hợp tác sản xuất vàng quỳ Tân Hưng Phát, thôn Kiêu Kỵ, Chủ nhiệm HTX Vàng quỳ Kiêu Kỵ Nguyễn Bá Quy giới thiệu: Ở Kiêu Kỵ, cứ 3 đến 5 hộ gia đình tự nguyện tập hợp nhau thành 1 tổ hợp tác sản xuất, cả thôn có 16 tổ sản xuất. Anh Nguyễn Thiên Hùng (còn gọi là Tân), một thành viên trong tổ đang cần mẫn dát vàng cho linh vật gà trống bằng gỗ mỹ nghệ. Anh cho biết, chú gà trống tuy nhỏ nhưng có giá khoảng 3 triệu đồng. Gia đình anh đã dùng hơn 1 chỉ vàng 9999 tán mỏng để dát lên đó. Sau 10 ngày cần mẫn, linh vật đã hoàn thành. Anh Hùng cho biết sản phẩm sẽ được tham dự tại Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu do TP Hà Nội tổ chức tới đây.

Giàu từ nghề truyền thống

Trong những năm gần đây, nhiều làng nghề suy thoái song nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ vẫn giữ được tốc độ phát triển nhanh. Bí thư Chi bộ thôn Kiêu Kỵ Nguyễn Xuân Dũng cho biết: Thôn có khoảng 800 hộ dân trong đó có 80 hộ chuyên nghề dát vàng, bạc quỳ. Ngoài sản xuất tại địa phương, các hộ còn mang nghề đi nhiều nơi như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên. "Trước đây, số hộ làm nghề không nhiều nhưng nay thì đông lắm. Vàng bạc được dát cung cấp cho các làng nghề sản xuất, chế tác đồ thờ hoành phi, câu đối, tượng phật… đặc biệt là ở Sơn Đồng (Hoài Đức). Mấy năm gần đây, làng nghề còn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Tuy chưa nhiều, nhưng đã tiếp thêm sức cho làng nghề ngày càng vững mạnh. "Đến nay, các tổ hợp tác trong làng đều được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Liên minh HTX thành phố với số vốn vay khoảng 300 triệu đồng/tổ. Kể từ khi được vay vốn ưu đãi, nhiều tổ hợp tác đã làm thêm sản xuất đồ thờ kết hợp sơn son, thếp vàng.

Nhờ nghề tổ ông cha để lại, kết hợp với nhanh nhạy trong làm ăn, nhiều hộ gia đình ở Kiêu Kỵ đã làm giàu được từ nghề truyền thống. Anh Nguyễn Thiên Hùng cho biết, gia đình có 3 lao động, mỗi năm trừ chi phí cũng để ra được 200 triệu đồng. Đó là một nguồn thu nhập không nhỏ so với mặt bằng thu nhập ở khu vực nông thôn hiện nay. Nghề dát vàng, bạc ở Kiệu Kỵ không những tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho thanh niên, ngay với những người lớn tuổi cũng có những việc làm phù hợp để có thêm thu nhập. Bà Đào Thị Nhương, 72 tuổi đang cần mẫn xếp từng lá vàng nhỏ đóng vào hộp cho biết: "Tuy đã về nghỉ hưu, hằng tháng có lương nhưng tôi vẫn ra đây làm thuê. Công việc cũng nhẹ nhàng mà lại vui và có thêm thu nhập phụ giúp con cháu".

Xã Kiêu Kỵ mới đây đã được tổ công tác đánh giá, chấm điểm nông thôn mới của thành phố về thẩm định các tiêu chí nông thôn mới. Kết quả đánh giá cho thấy xã đã đạt đủ điều kiện để đề nghị thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với 97/100 điểm. Nhờ duy trì và phát triển nghề truyền thống, làng quê Kiêu Kỵ ngày một trù phú, đời sống người dân được nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề độc nhất vô nhị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.