Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phụ nữ Việt vạch trần trai ngoại lừa tình, tiền qua Facebook

Theo Hoàng Lam/Zing| 25/06/2016 07:37

Sau 3 tháng làm quen, bạn trai ngoại quốc nói đã gửi 1,5 triệu USD cho chị Ngân nhưng bị sân bay giữ lại. Để lấy được số tiền trên ra, cô phải nộp phí hơn 4 tỷ đồng.

Mỗi tháng, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an Hà Nội) tiếp nhận từ 3 đến 5 đơn trình báo của bị hại người Việt, tố người nước ngoài lừa đảo hàng trăm triệu đồng qua mạng xã hội Facebook.

“Nữ nạn nhân bị lừa nhiều nhất là hơn 4 tỷ đồng, một số bị hại khác khoảng vài trăm triệu”, lãnh đạo PC50 nói.

Trả 4 tỷ đồng thật để lấy 1,5 triệu USD ảo

Ngày 10/6, chị Ngân (41 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong tâm trạng hoảng loạn, đến trụ sở PC50 trình báo bị lừa hơn 4 tỷ đồng.

Theo người phụ nữ đang làm kinh doanh, 3 tháng trước chị quen một người tự xưng là Yan mang quốc tịch Mỹ qua mạng Facebook. Đang độc thân, chị Ngân nhanh chóng kết thân và thường xuyên trò chuyện trên mạng với người này.

Qua những dòng chat, nữ doanh nhân được Yan giới thiệu, anh ta từng đi lính ở chiến trường Trung Đông. Sau khi xuất ngũ và có trong tay gần 1,5 triệu USD, người này không thể mang tiền về Mỹ do vướng pháp lý nên anh ta phải sang Singapore sinh sống.

Một tài khoản Facebook bị tố lừa đảo. Ảnh chụp màn hình.


Mong có bạn gái, Yan ngỏ ý muốn có quan hệ lâu dài với Ngân. Nếu chị đồng ý, anh ta sẽ sang Việt Nam định cư.

Truy cập trang cá nhân của Yan, người phụ nữ thấy anh ta thường đi du lịch ở những nơi xa xỉ, chụp ảnh cùng xe ôtô đắt tiền và ở khách sạn hạng sang. Không chút nghi ngờ, chỉ sau hơn 1 tháng trò chuyện, chị Ngân đồng ý bay sang Singapore để gặp bạn trai.

Trở về Việt Nam, nữ doanh nhân mang theo lời hứa hẹn của Yan, rằng anh ta sẽ chuyển toàn bộ số tiền gần 1,5 triệu USD cho chị để mua nhà, mua xe trước khi Yan bay sang.

Đầu tháng 6, chị Ngân được bạn trai quen qua mạng thông báo đã chuyển tiền mặt về đến sân bay trong nước. Để làm tin, một người đàn ông nói tiếng Việt tự xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh đã liên hệ với chị Ngân.

Theo người này, số ngoại tệ tương đương hơn 30 tỷ đồng đang bị cơ quan chức năng ở sân bay giữ do chưa qua thủ tục khai báo. Để nhận được tiền, chị Ngân phải nộp khoản phí hơn 4 tỷ đồng. Sau đó, người này đưa cho Ngân một tài khoản ngân hàng Việt.

Tin lời người bạn trai đã từng gặp mặt, người phụ nữ đồng ý chuyển khoản để nhận được 1,5 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi gửi tiền, chị Ngân không thấy nhân viên công ty chuyển phát hồi âm. Liên hệ với Yan, cả số điện thoại và Facebook đều khóa.

Nhận diện thủ đoạn lừa đảo

Thúy (33 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) được cho là người may mắn hơn nữ doanh nhân tên Ngân. Chia sẻ với phóng viên, nữ nhân viên văn phòng cho hay, 2 tuần trước cô được bạn giới thiệu cho một người đàn ông xưng tên Smith. Anh ta giới thiệu quốc tịch Dubai, đang làm trong ngành dầu khí.

Những món đồ có giá trị mà Thúy được bạn trai ngoại quốc nói đã mua để tặng cô. Ảnh: NVCC.


Thấy bạn gái có nhan sắc và độc thân nên chỉ sau 2 ngày làm quen, Smith đề nghị muốn qua Việt Nam sinh sống và cưới Thúy làm vợ.

“Anh ta hứa hẹn sẽ gửi tiền để mình mua nhà, mua xe trước khi anh ta bay sang Việt Nam dù cả hai chưa gặp mặt trực tiếp”, cô gái kể.

Vài ngày sau, Smith báo đã gửi 1 lô quà tặng gồm dây chuyền ngọc trai, kim cương và máy tính Macbook (tổng trị giá 11.000 USD) về Việt Nam cho Thúy.

Để bạn gái tin tưởng, người này gửi kèm cả ảnh chụp hóa đơn mua hàng và hình ảnh từng món đồ. Lúc sau, Thúy bất ngờ nhận được thư điện tử. Người gửi thư xưng là nhân viên công ty chuyển phát quốc tế.

Theo nội dung thư, lô hàng gửi cho Thúy đang bị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) giữ lại do chưa khai báo. Để “chuộc” hàng hóa, Thúy phải trả phí 800 USD.

“Mình tìm hiểu cũng biết được một vài vụ lừa đảo tương tự, cho nên đã từ chối chuyển tiền và nhắn tin lại cho người bạn trai đó”, nữ nhân viên văn phòng chia sẻ. Cô cho biết thêm, sau khi nhận tin nhắn, người đàn ông bất ngờ chặn Facebook của cô.

Vận đơn hàng không mà Thúy nhận được, trong đó có ghi giá trị lô quà tặng 11.000 USD. Ảnh: NVCC.


Thiếu tá Vũ Đức Thành - Phó đội trưởng Đội 3 (PC50) cho biết, có nhiều thủ đoạn để những người nước ngoài dễ dàng lừa tiền.

Theo sĩ quan này, những kẻ lừa đảo thường giả lập, mạo danh các trang Facebook (fanpage) của các hãng thời trang nổi tiếng hoặc trang bán hàng qua mạng để có được danh sách thành viên. Ngoài ra, nhóm lừa đảo cũng có thể tìm “con mồi” qua các fanpage của cộng đồng người Việt ở trong nước.

Khi tìm cách làm quen với một phụ nữ bất kỳ, kẻ lừa đảo tự giới thiệu là người giàu có, muốn tìm vợ hoặc bạn gái. Sau thời gian trò chuyện, với thủ đoạn thông báo gửi quà hoặc tiền mặt về nước nhưng bị cơ quan chức năng giữ ở sân bay, kẻ lừa đảo thúc nạn nhân nộp phí bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của công ty chuyển phát để “chuộc” hàng hóa. Đây là tài khoản thẻ Visa của một ngân hàng Việt mà chúng mở sẵn.

Theo thiếu tá Thành, sau khi lừa đảo trót lọt, các nhóm tội phạm thường rút tiền ở một nước thứ ba, bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên quá trình điều tra gặp khó khăn.

Viên cảnh sát từng phá nhiều vụ án lừa đảo qua mạng xã hội cho biết, để tránh bị lừa đảo qua mạng, người dùng cần tỉnh táo trong các mối quan hệ, nhất là với người nước ngoài.

“Trong quá trình tìm hiểu, cần phải biết rõ đối tác ở đâu, làm gì và phải gặp mặt nhau cả ở hai nước. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân nên báo cảnh sát để phối hợp ngăn chặn”, thiếu tá Thành khuyến cáo.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo PC50 cho hay, việc mở thẻ ngân hàng một cách dễ dàng (chỉ cần có chứng minh thư) và nạn buôn bán thẻ ngân hàng công khai qua mạng, tạo kẽ hở cho tội phạm công nghệ cao hoạt động.

“Tội phạm nước ngoài dễ dàng thuê người Việt mang chứng minh thư đến ngân hàng để mở thẻ Visa. Khi đã có thẻ, chúng thay đổi mật khẩu để mang ra nước ngoài rút tiền”, lãnh đạo này cho hay.


* Tên bị hại đã thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ Việt vạch trần trai ngoại lừa tình, tiền qua Facebook

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.