Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vật liệu “xanh” sẽ là xu hướng mới trong ngành công nghiệp ô tô

Hoàng Linh| 24/04/2017 14:31

(HNMO) - Trong bối cảnh gần 100 triệu chiếc ô tô được xuất xưởng trên toàn cầu mỗi năm và liên tục tăng dần trong những năm qua, việc bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Thực tế, xu hướng sử dụng triệt để hơn các loại vật liệu với khả năng tái chế cao (như nhôm là điển hình) hay vật liệu tổng hợp đã dần trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp ô tô vài năm gần đây. Tuy nhiên, mới đây một phát kiến mới khá độc đáo từ Ford lại khiến nhiều người phải ngỡ ngàng, khi lần đầu đưa tre vào danh mục vật liệu chế tạo ô tô. Là một trong những loại vật liệu tự nhiên vững chắc nhất trên thế giới, tre không còn xa lạ trong đời sống con người, xuất hiện trong các vật dụng, kĩ thuật xây dựng, hoặc thậm chí là các món ăn măng tre, nhưng đây là lần đầu tiên tre được ứng dụng trong ngành công nghiệp ô tô.


Tre là vật liệu tự nhiên mới nhất được ngành công nghiệp ô tô triển khai.


Janet Yin, Chuyên viên Giám định Vật liệu tại Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Nam Kinh (Trung Quốc) của Ford cho biết: “Tre thực sự rất tuyệt vời, là vật liệu có khả năng tái sinh, cứng, dẻo dai và có rất nhiều ở Trung Quốc nói riêng và ở Châu Á nói chung.

Những công dụng mà tre đem lại đã được công nhận qua hơn một thế kỷ nay - Thomas Edison thậm chí còn sử dụng tre để làm thí nghiệm trong lần chế tạo bóng đèn đầu tiên. Trong xây dựng, xét về độ bền, cứng của các vật liệu (tức là khả năng chống chịu, độ kéo dãn của nó), tre vượt trội hơn hẳn so với các vật liệu khác, kể cả kim loại. Hơn nữa, chu kỳ tăng trưởng của tre chỉ trong vòng từ 2 đến 5 năm - nhanh hơn rất nhiều so với những loại cây khác có thể mất đến hàng thập kỉ mới có thể mọc và sinh trưởng thì tre lại có khả năng tái sinh dễ dàng.

Trong những năm qua, Janet và nhóm nghiên cứu của bà đã hợp tác với các nhà cung ứng, đánh giá tính khả thi trong việc sử dụng tre để thiết kế nội thất xe và sản xuất các bộ phận đòi hỏi độ cứng cao bằng cách kết hợp tre với nhựa. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, công dụng của tre tốt hơn hẳn so với các sợi tổng hợp và sợi tự nhiên, thông qua các thử nghiệm và đo kiểm vật liệu khắt khe từ độ bền cho đến tính chịu lực, khả năng chịu nhiệt cao đến hơn 100 độ C mà không bị biến dạng.

Trong thời gian thử nghiệm các sản phẩm với nguyên liệu được làm từ tre, Ford đã tận dụng triệt để các vật liệu tái chế bền bỉ, linh hoạt để đưa vào sản xuất các dòng xe của công ty tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, điển hình là sợi nylon cao cấp từ xưởng sản xuất thảm và hàng may mặc. Nhóm nghiên cứu sử dụng nó để làm quạt tản nhiệt bên trong dòng Ford Focus và Ford Escort. Với lượng sợi nylon cung cấp từ các nhà cung ứng mà chiếm 1-3% tổng số sợi được sử dụng trong một số nhà máy, Ford ước tính sẽ hạn chế được hơn 700.000 km sợi thải ra mỗi năm tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương - tương đương hai lần quãng đường từ trái đất lên mặt trăng.

Bà Janet Yin (giữa) giới thiệu một số nguyên liệu tái chế được sử dụng trên ô tô.


Một ví dụ khác là vải ghế bằng sợi Repreve trong các dòng xe Mondeo, Escort và Edge của Ford, được làm từ vật liệu tái chế 100%, trong đó bao gồm cả vật liệu được tái chế từ chai nhựa. Tính đến nay, việc sử dụng vải ghế Repreve của Ford đã giải quyết được khoảng 25 triệu chai nước bằng nhựa ở các khu rác thải.


Ngoài những vật liệu nêu trên, trong những năm gần đây, nhiều hãng xe cũng đã tăng cường việc sử dụng các vật liệu sinh học và vật liệu phi kim loại tái chế. Bản thân Ford cũng đã chế tạo các bộ phận cấu tạo bảng điều khiển với gia cố bằng sợi xenlulozơ; vỏ chụp điện bọc bằng vỏ trấu; vật liệu composite từ dừa; sợi composite từ cây dâm bụt (dùng để làm tấm bọc cửa bên trong); hay bọt đệm ghế và gối tựa đầu từ đậu nành…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vật liệu “xanh” sẽ là xu hướng mới trong ngành công nghiệp ô tô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.