Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấy gì qua việc Bảo Kim bị “tố” cạnh tranh không lành mạnh?

H.A| 20/09/2010 15:41

(HNMO) - Thời gian gần đây, dư luận và cộng đồng mạng đang xôn xao về việc Bảo Kim, dịch vụ ví điện tử ra đời chỉ mới được 3 tháng (vào tháng 6/2010) đã có những đặc điểm giống hệt với ví điện tử được yêu thích nhất năm 2009, nganluong.vn phiên bản 1.0 của Công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm Hòa Bình.


Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp Phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft), mặc dù đi sau NganLuong.vn đến 2 năm nhưng Bảo Kim lại có những đặc điểm giống với Ngân Lượng từ khái niệm sản phẩm, mô hình dịch vụ, cấu trúc chức năng cho đến mẫu hợp đồng, lời lẽ giải thích trên website… Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn khi Ngân Lượng được nâng cấp lên bản 2.0 vào tháng 7/2010, Bảo Kim lại tiếp tục thay đổi giao diện mô phỏng theo hình thức của Ngân Lượng. 


Sự giống nhau đến ngạc nhiên của Bảo Kim và Ngân Lượng

Hơn nữa, Bảo Kim còn bị PeaceSoft tố có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi lôi kéo nhân viên để thu thập và sử dụng thông tin, tài liệu, nguồn dữ liệu khách hàng… của NganLuong.vn sau đó tiến hành tiếp xúc với một số khách hàng đang sử dụng NganLuong.vn và thuyết phục họ chuyển sang dùng Bảo Kim, mặc dù giữa 2 công ty đã có những cam kết không tuyển dụng nhân sự của nhau.

Nghiêm trọng hơn, Bảo Kim còn có những hành vi so sánh trực tiếp 2 sản phẩm một cách sai sự thật nhằm làm khách hàng hiểu lầm và gây rối hoạt động kinh doanh của Ngân Lượng. Theo ông Bình, việc làm này đã vi phạm Luật cạnh tranh của Việt Nam. 


Nội dung Bảo Kim so sánh thông tin sai sự thật với Ngân Lượng

Ông Bình cũng cho biết thêm: “nganluong.vn đã đăng ký và được luật pháp bảo hộ, các tài liệu, mẫu hợp đồng, mô hình hoạt động, phương thức kinh doanh,… của Nganluong.vn cũng là tài sản trí tuệ hợp pháp của chúng tôi”. Do đó, Công ty đã có công văn yêu cầu Bảo Kim nên chấm dứt các hành động cạnh tranh thiếu lành mạnh kể trên, đồng thời có biện pháp khắc phục hậu quả như dừng ngay các hoạt động sao chép sản phẩm, đăng tải thông tin cải chính và gửi lời xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng và cộng đồng khách hàng…”.

Ông Bình cũng khẳng định: “Công ty rất sẵn sàng hợp tác cũng như cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực vì cạnh tranh là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên với sự sao chép trắng trợn, Bảo Kim đã ăn cắp công sức, sự sáng tạo của cả tập thể chúng tôi trong suốt thời gian qua, làm rối loạn hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi muốn đòi lại công bằng!”

Trước những lời cáo buộc trên, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty Vật Giá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bảo Kim đính chính, Bảo Kim không phải là sản phẩm của Công ty Cổ Phần Vật Giá mà là sản phẩm của Công ty Cổ phần điện tử thương mại Bảo Kim do ông Nguyễn Trung Đức làm Giám đốc điều hành. Ông Điệp chỉ giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Bảo Kim còn điều hành là do ông Đức chịu trách nhiệm.

Còn liên quan đến vấn đề phá vỡ cam kết không tuyển dụng nhân sự, ông Nguyễn Ngọc Điệp cũng tuyên bố rút lại cam kết không tuyển dụng nhân sự với lãnh đạo của Peacesoft.

Trong thông cáo báo chi ra ngày 13/9/2010 của mình Bảo Kim đã phủ nhận việc sao chép này và giải thích những hình ảnh do 2 bên sử dụng trong việc giới thiệu về dịch vụ đều được tải miễn phí từ Internet. Tuy nhiên, những lời giải thích này vẫn không làm thỏa mãn những người quan tâm đến vụ việc trên, vì trên mạng có hàng nghìn hình ảnh tại sao Bảo Kim lại chọn đúng hình ảnh mà Ngân Lượng đã sử dụng. Liệu đây có phải sự tình cờ?

Thực tế cho thấy, trên thị trường Việt Nam hiện nay có khoảng hơn chục ví điện tử đang hoạt động nhưng không có một phiên bản nào nào giống Ngân Lượng đến vậy.

Theo ý kiến của một số chuyên gia về công nghệ thông tin hiếm có sản phẩm nào lại giống nhau đến từng chi tiết từ ngôn từ, cách bố trí, thiết kế… trừ khi có hiện tượng sao chép.

Ngoài ra, dư luận cũng đặt nhiều câu hỏi tại sao trong hàng triệu tấm ảnh trên Internet, Bảo Kim lại “vô tình” chọn những tấm ảnh và từ ngữ giống Ngân Lượng? Đồng thời câu hỏi tại sao Bảo Kim từ chối trả lời về việc đưa thông tin sai sự thật về Ngân Lượng cho khách hàng cũng được ông Điệp từ chối trả lời và không nhắc đến trong thông cáo báo chí.

PeaceSoft cho biết đã thu thập đủ chứng cứ, lập hồ sơ và sẽ chờ phản hồi từ Bảo Kim. Nếu Bảo Kim không dừng ngay các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, Peacesoft sẽ đâm đơn khởi kiện.

Theo Luật sư Trần Hồng Phong, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Ecolaw Law Firm: "Nếu công ty khác làm ra website tương tự về giao diện là có dấu hiệu vi phạm quyền tác giả và quyền chủ sở hữu. Phương thức kinh doanh, danh sách khách hàng, ý tưởng kinh doanh là tài sản vô hình của doanh nghiệp rất khó định giá, người nào cung cấp ra ngoài là có dấu hiệu ăn cắp và có thể xử lý hình sự.

Hiện nay, tình trạng sao chép mô hình hoạt động, giao diện, cấu trúc của các trang web diễn ra tràn lan. Tình trạng này phải bị lên án mạnh, không thể chấp nhận kiểu kinh doanh “tầm gửi”. Theo quy định của pháp luật, trang web cũng là một sản phẩm phần mềm nghĩa là cũng là sản phẩm trí tuệ và có tác giả và chủ sở hữu. Tác giả có thể là một nhóm và chủ sở hữu có thể là doanh nghiệp và có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại nếu có, có quyền khởi kiện ra tòa. Chính phủ nên ban hành nghị định cụ thể về các hành vi này để dễ nhận diện và xử lý. Đối với các doanh nghiệp, trong bản cam kết bảo mật thông tin ký kết khi tuyển dụng nhân viên nên tăng nghĩa vụ dân sự để phòng ngừa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấy gì qua việc Bảo Kim bị “tố” cạnh tranh không lành mạnh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.