Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không khoan nhượng với sai phạm nội bộ

Tư Đô| 30/07/2014 05:53

(HNM) - Dù không nhiều nhưng những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật của một số cán bộ trong các ngành tư pháp luôn gây bức xúc đối với người dân.

Bởi họ luôn đặt niềm tin và mong muốn những người đảm đương nhiệm vụ thực thi pháp luật, "cầm cân nảy mực" không được phép vi phạm, không để xảy ra sai phạm.

Để đáp ứng sự tin tưởng của người dân, đòi hỏi các ngành tư pháp phải ngăn ngừa, kiên quyết đấu tranh với sai phạm của cán bộ.

Đối tượng Nguyễn Duy Hiệp, nguyên Chánh án TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam) bị bắt khẩn cấp về hành vi nhận hối lộ.


Sự việc liên quan đến sai phạm trong đội ngũ tư pháp được phát hiện gần đây là hai vụ việc của 2 thẩm phán. Ngày 30-6, ông Nguyễn Duy Hiệp (SN 1975), Chánh án TAND huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) bị Cơ quan điều tra - Viện KSND Tối cao thực hiện lệnh bắt khẩn cấp về hành vi nhận hối lộ. Trước đó, vị thẩm phán này được đánh giá khá cao về trình độ, năng lực. Tiếp đó là thông tin Cơ quan điều tra - Viện KSND Tối cao khởi tố vụ án nhận hối lộ xảy ra tại TAND TP Hải Phòng, khởi tố bị can đối với ông Ngô Văn Anh (SN 1954), nguyên là thẩm phán, Chánh tòa Kinh tế - TAND TP Hải Phòng về tội danh trên. Hai đối tượng trên nguyên là những người đại diện cho cơ quan tư pháp đảm nhận khâu cuối cùng trong quá trình tố tụng, có vai trò quyết định đến tính nghiêm minh của pháp luật, quyết định sinh mệnh chính trị, tài sản vật chất... của nhiều tổ chức, cá nhân nhưng lại không giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.

Thực tế, so với số vụ việc, vụ án mà các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp phải xử lý hằng năm thì những vụ việc sai phạm đến mức bị xử lý hình sự như hai đối tượng trên không nhiều; tuy nhiên hậu quả để lại, nhất là tác động đối với niềm tin của dư luận thì vô cùng nghiêm trọng. Từ những vụ việc đã được phát hiện, những vi phạm khác trong tố tụng, thậm chí cả kết quả điều tra, cáo trạng, bản án bị trả, bị hủy đều bị đặt dưới cái nhìn đầy nghi vấn. Các cơ quan pháp luật đã đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc tình hình. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận, ở một số đơn vị trực thuộc, kỷ cương, kỷ luật công vụ chưa nghiêm, vẫn còn xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, thậm chí vi phạm pháp luật. Lãnh đạo Viện KSND Tối cao cũng thừa nhận, một số đơn vị còn để xảy ra vụ việc cán bộ vi phạm phải xử lý kỷ luật, cá biệt có cán bộ phải xử lý hình sự. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm. Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, cùng với việc phát hiện, điều tra minh oan cho người bị oan sai, Viện đã kiên quyết xử lý những cán bộ để xảy ra oan sai. Cơ quan điều tra - Viện KSND Tối cao đã quyết định khởi tố bị can đối với một số điều tra viên, kiểm sát viên có hành vi vi phạm pháp luật mà điển hình là việc xử lý sai phạm khi để xảy ra oan sai trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn. TAND Tối cao cũng cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã xử lý kỷ luật 30 cán bộ, công chức TAND địa phương và chuyển cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự 4 trường hợp.

Trong bất cứ giai đoạn nào, bảo vệ sự trong sạch, nghiêm minh của quá trình tố tụng là trách nhiệm của các cơ quan tư pháp. Vì vậy, yêu cầu làm trong sạch đội ngũ, phòng ngừa và xử lý nghiêm sai phạm là nội dung trọng tâm của các ngành tư pháp. Lãnh đạo Viện KSND Tối cao cho biết, cùng với việc nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành sẽ chủ động phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội xâm phạm hoạt động tư pháp để khởi tố điều tra. Một giải pháp khác được ngành tòa án đề nghị nhằm góp phần phòng ngừa vi phạm của cán bộ, công chức là nghiên cứu, sửa đổi chế độ tiền lương và các chính sách ưu đãi cho cán bộ, công chức, phù hợp với đặc thù công tác của ngành. Vấn đề cuối cùng là việc tổ chức thực hiện phải nghiêm minh, khắc phục cho được "căn bệnh" e ngại, nể nang, bao che…

Trong buổi làm việc với Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh quan điểm, không được phép nhân nhượng với sai phạm nội bộ, không được coi những đối tượng sai phạm là đồng nghiệp, bạn bè và phải thực sự dũng cảm đấu tranh loại bỏ những cá nhân sai phạm... Có dũng cảm đấu tranh trực diện, không khoan nhượng với những vi phạm, yếu kém nội bộ thì hệ thống tư pháp mới mạnh, mới đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền và yêu cầu của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không khoan nhượng với sai phạm nội bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.