Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý việc hối lộ bằng tình dục và các hình thức khác

Hà Phong| 31/10/2014 06:32

(HNM) - Trả lời báo chí bên lề Quốc hội ngày 30-10, Phó Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh khẳng định, Ban Nội chính TƯ đang phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét sửa Bộ luật Hình sự nhằm mục đích chống tham nhũng hiệu quả.

Phó Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh. Nguồn: Internet


- Trong hội thảo mới đây, lần đầu tiên việc “hối lộ bằng tình dục" được ông nhắc đến khiến dư luận khá bất ngờ. Ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?

- Từ trước đến nay ta vẫn quan niệm, tài sản đưa hối lộ là tài sản vật chất thôi. Song bây giờ khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế cho rằng cần phải được mở rộng quan niệm về hối lộ. Cụ thể, hối lộ không chỉ dừng ở tài sản vật chất mà bao gồm cả lợi ích về tinh thần. Trong đó, cố tình khen thưởng ai đó cũng là hình thức hối lộ. Cung cấp dịch vụ tình dục cũng là hối lộ. Đây là hướng để chúng ta nghiên cứu mở rộng thêm khái niệm về tài sản hối lộ phù hợp với tình hình thực tiễn.

- Ban Nội chính TƯ đã nhận được những phản ánh nào về hình thức hối lộ mới này chưa, thưa ông?

- Chưa! Việt Nam chưa từng bắt được vụ nào liên quan đến hối lộ tình dục, nhưng vấn đề ở đây là chúng ta phải có dự báo tình hình phát triển tội phạm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Trong trường hợp phát hiện bằng chứng hối lộ, bất kể hình thức nào, kể cả tình dục, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng phải xử lý.

- Có ý kiến cho rằng để phòng chống tham nhũng hiệu quả, quan trọng là phải sửa đổi Bộ luật Hình sự một cách toàn diện. Ban Nội chính TƯ có quan điểm thế nào?

- Sửa Bộ luật Hình sự là nội dung mà trong cuộc hội thảo về "Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật Hình sự" mới được tổ chức, và các chuyên gia của Anh đã có khuyến cáo. Các khuyến cáo của chuyên gia cũng nằm trong khuyến cáo của Liên hợp quốc. Đây cũng là nội dung chúng tôi đang nghiên cứu, phải làm thế nào để sửa luật tiệm cận được với luật pháp quốc tế. Tất nhiên không phải cái gì mình cũng phải có mà tùy thuộc vào tình hình cụ thể của đất nước. Song với những điều mà thế giới đã trải qua, đã có kinh nghiệm thì mình cũng phải nghiên cứu, áp dụng.

- Thưa ông, liệu có nghiên cứu trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ bằng tinh thần không?

- Đã có ý kiến phát biểu là đối với người đưa hối lộ thì quy định trong một số trường hợp có thể sẽ không được coi là tội phạm. Nhưng tôi thấy là giữa mặt quy định về luật pháp với chính sách xử lý là hai việc khác nhau của vấn đề xây dựng pháp luật. Khi đưa hối lộ và nhận hối lộ xong thì đương nhiên việc nhận hối lộ đã hoàn thành. Không phải vì việc xử lý mà ta coi hành vi đưa hối lộ là không phạm tội. Nhưng với những người chủ động đến với các cơ quan tư pháp, cung cấp thông tin, chủ động khai báo, giúp các cơ quan điều tra đưa người phạm tội ra pháp luật để xử lý thì mình sẽ có các biện pháp để xem xét, thậm chí có thể miễn toàn bộ tội hình sự. Tuy nhiên, tôi nhắc lại, chúng ta không vì thế mà xóa nhòa ranh giới giữa hành vi vi phạm pháp luật với xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

- Việc ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính TƯ đi chữa bệnh có ảnh hưởng đến việc điều hành của Ban, đặc biệt là với công tác phòng chống vi phạm pháp luật không, thưa ông?

- Công việc của Ban được giao cho các đồng chí phó trưởng ban đảm nhiệm các lĩnh vực khác nhau, cho nên không ảnh hưởng nhiều. Chỉ có những gì bất thường, những việc lớn mới chủ động xin ý kiến Trưởng ban (ông Nguyễn Bá Thanh - PV), còn lại tiến hành bình thường. Trưởng ban vẫn liên lạc qua điện thoại thường xuyên.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý việc hối lộ bằng tình dục và các hình thức khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.