Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thừa phát lại… gặp khó

Bách Sen| 21/11/2014 06:28

(HNM) - Đã 7 tháng trôi qua kể từ khi Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên của Hà Nội chính thức đi vào hoạt động.



TPL đang được người dân Hà Nội biết đến ngày càng nhiều và coi đây như một công cụ đắc lực giảm tải cho cơ quan nhà nước, hỗ trợ người dân trong công tác xét xử, thi hành án. Nhờ có TPL, việc lập văn bản (vi bằng) ghi nhận tình trạng nhà khi xây dựng, cho thuê, thế chấp; tài sản trước, trong và sau hôn nhân; hành vi gây ô nhiễm, tiếng ồn; hàng giả, kém chất lượng... theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân được tiến hành nhanh hơn. Quan trọng hơn, sự hiện diện của các văn phòng TPL (tổ chức tư) hoạt động song song với cơ quan thi hành án của Nhà nước (tổ chức công) còn tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu tống đạt văn bản, thi hành án dân sự; tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự.

Song dù được UBND TP Hà Nội tạo điều kiện về nhiều mặt, Sở Tư pháp là đơn vị trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thí điểm chế định TPL luôn theo sát hoạt động của các văn phòng để có hướng dẫn kịp thời, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Đại diện Văn phòng TPL Ba Đình cho biết, quá nhiều "điểm nghẽn" khiến TPL khó hoạt động hết công suất, công việc bị đình trệ. Đã không ít trường hợp, UBND phường, công an phường từ chối yêu cầu xác minh thông tin của TPL hoặc "làm khó" TPL bằng cách hẹn nay, hẹn mai, cả tháng trời mà vẫn chưa cung cấp kết quả chính thức… Trong khi đó, yêu cầu xác minh của TPL những trường hợp cụ thể này không quá phức tạp. Với Văn phòng TPL Hoàn Kiếm, dù tống đạt được nhiều văn bản nhất (với hơn 1.000 văn bản) so với 7 văn phòng TPL còn lại nhưng cũng gặp không ít trở ngại khi chỉ nhận được sự phối hợp "cầm chừng" của một số cơ quan chức năng.

Ngoài cơ chế phối hợp, chính các văn bản cơ quan thi hành án, tòa án chuyển giao cho TPL tống đạt tới đương sự nhiều khi cũng gây khó khăn đối với TPL. Đơn cử, một giấy tờ mà thiếu đi chỉ một trong các thông tin cá nhân như ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân, họ tên bố, mẹ… là TPL đã rất khó tìm. Trường hợp tống đạt gián tiếp, đương sự từ chối nhận văn bản, thư ký nghiệp vụ phải xin xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc cảnh sát khu vực, sau đó lên UBND phường hoặc công an phường để chứng thực chữ ký của tổ trưởng tổ dân phố hay cảnh sát khu vực đó. Đến bước này, việc thực hiện cũng khó khăn vì cơ chế phối hợp giữa TPL với chính quyền, công an, tổ trưởng dân phố lại chưa cụ thể. Không chỉ người dân mà cả nhiều cán bộ trong cơ quan nhà nước còn không hiểu đúng, hiểu đủ về TPL nên không chịu hợp tác.

Trước bất cập trên, có lẽ không còn con đường nào khác là Sở Tư pháp Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền để cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân các quận, huyện biết, phối hợp và sử dụng dịch vụ của TPL. Bộ Tư pháp nên chỉnh sửa, bổ sung những điểm còn thiếu trong công tác phối hợp. Ngược lại, chính các văn phòng TPL cũng cần chủ động phản ánh khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng mới có cơ sở, biện pháp xử lý dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa phát lại… gặp khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.