Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can

Theo Bảo Hà| 30/03/2015 21:30

Để chống bức cung, nhục hình, VKSND Tối cao đề xuất trong quá trình điều tra bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can.

Ngày 30/3, tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cho biết, Bộ Luật Tố tụng hình sự (2003) sau hơn 10 năm thi hành đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Đặc biệt, một số quyền quan trọng đảm bảo cho người bị bắt, tạm giữ, bị cáo còn thiếu nên cần ban hành Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi.

Theo ông Thể, Dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi có 483 điều với 9 phần 38 chương. So với bộ luật hiện hành, dự thảo tăng thêm 137 điều, trong đó bổ sung 166, sửa đổi 290, giữ nguyên 27 và bãi bỏ 19 điều.

Một trong những quy định của dự thảo nhận được nhiều ý kiến tranh luận nhất tại phiên thẩm tra, là đề xuất bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình trong khi hỏi cung bị can. Tài liệu này có thể được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết (Điều 174). Theo cơ quan soạn thảo, đây là quy định thiết thực nhằm chống bức cung, nhục hình, mớm cung, giảm oan sai trong hoạt động tố tụng.

Ảnh minh họa từ internet


Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đa số ý kiến của nhóm nghiên cứu cho rằng quy định này áp dụng trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi. Nên chỉ cần làm trong trường hợp cần thiết như bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can tố cáo bị bức cung, nhục hình hoặc bị can bị điều tra về tội có hình phạt chung thân hoặc tử hình.

Liên quan đến đề xuất, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhìn nhận các vụ oan sai không chiếm tỷ lệ lớn, song hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo ông Chung, quy trình hỏi cung có bản tường trình; người hỏi cung, ghi lời khai đều yêu cầu bị can đọc lại, công nhận là đúng; có luật sư ngồi bên cạnh và toàn bộ quá trình điều tra đều được VKS giám sát chặt chẽ. "Đó là những chế tài đảm bảo tính minh bạch và nghiêm túc", ông Chung đánh giá.

Người đứng đầu Công an TP Hà Nội cũng cho rằng, hiện các nhà tạm giam, tạm giữ đều có lắp camera theo dõi. Dù không yêu cầu nhưng điều tra viên vẫn ghi âm và ghi hình, đặc biệt là những vụ án phạm tội có tổ chức hoặc có dấu hiệu thay đổi, phản cung liên tục. "Thậm chí các điều tra viên đều ghi vào biên bản hỏi cung là hôm nay có ghi âm, ghi hình. Sau khi ghi âm xong còn cho bị can nghe, hỏi lại có đúng không. Các tài liệu này được niêm phong lại để sau này công khai nếu cần thiết", ông Chung nói.

Trong khi đó Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương lại cho rằng đây là một xu hướng hiện đại, tiến bộ, cần triển khai. Nhưng nếu đã quy định thì nên kết hợp cả ghi âm và ghi hình. Tuy nhiên, ông quan ngại, trước mắt khó có thể làm được đồng bộ vì đầu tư phương tiện kỹ thuật cho hàng trăm cơ sở tạm giam, tạm giữ là rất khó khăn.

Đồng quan điểm, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn kiến nghị nên trang bị cho tất cả các cơ quan tố tụng có thiết bị ghi âm ghi hình để đảm bảo sự minh bạch.

Về căn cứ và thời hạn tạm giam (Điều 93 và 169), VKSND Tối cao đề xuất chỉ áp dụng tạm giam khi có căn cứ xác định nghi can đó cản trở điều tra, truy tố, xét xử; tiếp tục phạm tội; bỏ trốn hoặc không có nơi cư trú rõ ràng nhằm khắc phục việc lạm dụng tạm giam.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng cho rằng cần giảm thời hạn tạm giam đối với tội nghiêm trọng và tột rất nghiêm trọng, chỉ cho phép gia hạn một lần thay vì hai lần như hiện nay. Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, Viện đề xuất quy định chỉ cho phép gia hạn hai lần, thay vì ba lần như hiện nay.

Nêu quan điểm, đa số các đại biểu cho rằng, căn cứ tạm giam như trên là không phù hợp vì thực tiễn chỉ vướng mắc đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng.

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, hiện nhiều trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng cũng bị bắt tạm giam là bởi "tâm lý chung" của cơ quan điều tra, VKS, tòa án đều sợ những người sống lang thang, từ tỉnh lẻ tới không có nơi ở ổn định, khi cần triệu tập thì không thể tìm. “Tôi đồng tình với việc không bắt tạm giam đối tượng phạm tội ít nghiêm trọng, song cũng phải lường trước những khó khăn mà các cơ quan tố tụng sẽ gặp phải”, ông Sơn nói.

Về vấn đề này, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tán thành với người phạm tội lần đầu, tội phạm ít nghiêm trọng, chứng cứ, tội phạm đã rõ, khắc phục được hậu quả... thì nên áp dụng biện pháp chế tài như đặt tiền.

“Còn với tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức mà sau này chắc chắn lĩnh án giam mà lại bảo ra hạn tạm giam chỉ có hai lần. Điều tra đến lần thứ ba chẳng lẽ lại thả tội phạm ra à?”, ông Chung băn khoăn.

Một số đề xuất khác như quyền của người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình, hoặc buộc phải nhận có tội; về mở rộng trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa… cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trong đó, đề xuất quy định mở rộng trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa cho người phạm tội có mức án từ 12 năm tù trở lên, thay cho mức án chung thân hay cao nhất, vấp phải quan ngại bởi lực lượng luật sư hiện hành không thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Ngày mai, Ủy ban Tư pháp tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo Bộ Luật này sau đó sẽ nghe trình về Dự thảo Bộ Luật Hình sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.