Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dùng internet cần nêu cao cảnh giác

Tư Đô| 05/05/2015 06:14

(HNM) - Thời gian gần đây, trên mạng internet, mạng xã hội liên tục xuất hiện các vụ việc, hiện tượng tiêu cực, vi phạm, thậm chí phạm pháp, đe dọa TTATXH, xâm hại đến quyền lợi, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Tháng 3 vừa qua, trên mạng xã hội facebook lan truyền các đường dẫn, các cửa sổ thông tin thông báo thất thiệt về việc 2 ca sĩ có tiếng qua đời. Những thông báo này nhanh chóng được nhiều người quan tâm, chia sẻ và gây nên những "cơn sóng" dư luận. Nhưng những "cơn sóng" này chưa nguy hiểm bằng việc ngày 9-4 vừa qua, cũng trên mạng internet xuất hiện thông tin một sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội bị cưỡng hiếp, sát hại và chỉ được phát hiện sau nhiều ngày. Ngay sau đó, cơ quan CA đã xác minh và khẳng định đây là những thông tin thất thiệt và đã triệu tập đối tượng liên quan để làm rõ… Những thông tin kiểu giật gân, lôi kéo người xem, người bình luận như trên đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều.

Lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao - CATP Hà Nội thẩm vấn nhóm đối tượng lập trang web “đen”.


Nguy hại hơn, ngày 31-3, Phòng CSĐT tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội đã có thông báo về phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo trên mạng internet sau khi khám phá một số vụ đối tượng giả mạo facebook của các cửa hàng kinh doanh trực tuyến có uy tín trên mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng này đã lập địa chỉ Facebook giả các địa chỉ bán hàng trực tuyến uy tín, kết bạn với các khách hàng thường xuyên của cửa hàng thật, hướng dẫn thực hiện giao dịch, lừa bán hàng cho khách hàng, yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt mua hàng để chiếm đoạt... Đặc biệt nghiêm trọng là thủ đoạn thông qua hình thức kinh doanh tài chính trên mạng. Các đối tượng lừa đảo đưa ra lợi nhuận rất cao khi đầu tư vào lĩnh vực tài chính, lập sàn vàng, lôi kéo hàng nghìn người tham gia kinh doanh, đầu tư. Có nhiều vụ án, quy mô lừa đảo liên tỉnh, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của các nạn nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình TTATXH ở một số tỉnh, thành phố... Ngoài ra, tội phạm công nghệ cao còn phạm tội ở nhiều lĩnh vực như trộm cước viễn thông, đột nhập cơ sở dữ liệu sau đó bán lại tên, địa chỉ các hộp thư điện tử, trang web cho các doanh nghiệp làm quảng cáo; sử dụng mạng internet để tải, phát tán phim, ảnh đồi trụy; sử dụng điện thoại để nhắn tin quấy rối và đe dọa…

Trong bối cảnh như trên thì pháp luật về tội phạm sử dụng công nghệ cao còn thiếu. Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, các điều luật điều chỉnh những hành vi vi phạm trong lĩnh vực tội phạm công nghệ cao còn ít, chưa đủ sức răn đe. Một số văn bản pháp lý khác quy định việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan đến mạng internet, mạng xã hội cũng còn khá nhẹ. Bên cạnh đó, việc điều tra, truy xét tội phạm sử dụng công nghệ cao không dễ bởi loại tội phạm này luôn tìm cách che giấu hành vi thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng từ nước ngoài…

Để đối phó với các loại tội phạm này trên địa bàn Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP đề nghị các đơn vị CA trong lực lượng chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng; chủ động nắm tình hình, dự báo hoạt động của các loại tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao để có đối sách xử lý phù hợp. CA các quận, huyện, thị xã cũng cần chủ động nắm chắc mọi diễn biến tình hình hoạt động của các loại tội phạm và những thông tin liên quan đến ANTT trên mạng internet...

Cơ quan CA khuyến cáo người sử dụng mạng internet, mạng xã hội nâng cao cảnh giác hơn nữa, tránh chia sẻ thông tin cá nhân, chia sẻ những nội dung thông tin chưa được kiểm chứng. Trong giao dịch qua internet, người sử dụng internet cần song song áp dụng các biện pháp giao dịch khác để đối chiếu, khẳng định sự tin cậy từ đối tác…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dùng internet cần nêu cao cảnh giác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.