Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể áp dụng đại trà

Hồ Bách| 04/09/2015 06:07

(HNM) - Đang là thời điểm tòa án các cấp sơ kết, rút kinh nghiệm công tác xét xử những tháng đầu năm. Trong đó, không ít đơn vị đã báo cáo những thành tích tốt trong việc tăng cường, nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án.



Việc làm này rất đáng hoan nghênh vì mỗi phiên tòa mở công khai thì không chỉ gia đình bị cáo mà rất đông người cùng theo dõi được. Qua nghe thông tin về diễn biến vụ án, các quy định của pháp luật liên quan và quyết định của hội đồng xét xử, mỗi người có điều kiện tự rút ra cho mình bài học về kỹ năng sống, nâng cao nhận thức pháp luật và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc xét xử lưu động vụ án nào thì cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ.

Gần đây nhất, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử lưu động vụ án giết người cướp tài sản đối với bị cáo Vũ Anh Tú (sinh năm 2000, trú Thôn 3, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Hàng trăm người dân địa phương và không ít học sinh đến theo dõi phiên tòa. Xét thấy khi phạm tội bị cáo chưa đủ tuổi vị thành niên (mới 14 tuổi 9 tháng), hành vi giết người man rợ, HĐXX đã tuyên phạt mức hình phạt cao nhất cho trẻ vị thành niên về 2 tội giết người, cướp tài sản là 12 năm tù giam, bồi thường cho gia đình bị hại tổng số tiền gần một trăm triệu đồng.

Việc mở phiên tòa lưu động trên có thể phần nào giảm bức xúc trong dư luận xã hội trước hành vi quá dã man của Vũ Anh Tú. Nhưng nhìn vấn đề này ở khía cạnh pháp lý, giáo dục là chưa phù hợp. Theo Điều 40 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em ngày 20-11-1989 quy định, cách thức đối xử đối với mọi trẻ em bị công nhận đã vi phạm pháp luật hình sự phải tính đến lứa tuổi của trẻ em và làm sao giúp các em không bị cú sốc tâm lý, bớt mặc cảm khi tái hòa nhập xã hội trong tương lai. Lẽ ra, trong trường hợp trên, khi xét xử, thay vì yêu cầu bị cáo phải mô tả chi tiết hành vi vi phạm pháp luật, tòa án, chính quyền đoàn thể phải là cầu nối pháp lý giải thích cho trẻ phạm tội hiểu biết về pháp luật, qua đó giúp trẻ hoàn thiện nhận thức về quyền và nghĩa vụ với gia đình và xã hội.

Được biết, xuất phát từ chính sách hình sự nhân đạo, nước ta đang nghiên cứu thành lập môi trường tố tụng thân thiện với người chưa thành niên, gọi là tòa án gia đình và người chưa thành niên. Hy vọng với mô hình này, chúng ta sẽ có đội ngũ xét xử hiểu về tâm lý trẻ em, các quyền của trẻ em hơn, góp phần tích cực vào việc giáo dục, giúp đỡ trẻ vị thành niên phạm pháp sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể áp dụng đại trà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.