Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trộm cước viễn thông quốc tế: Nhà mạng cũng có trách nhiệm?

Việt Nga| 09/12/2016 07:22

(HNM) - Giữa tháng 11 vừa qua, các cơ quan chức năng đã triệt phá một vụ trộm cước viễn thông quy mô lớn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa an ninh, an toàn thông tin quốc gia. Một câu hỏi đặt ra qua vụ việc này là

Thiết bị thu phát sóng viễn thông trái phép bị cơ quan chức năng thu giữ.


Thủ đoạn lập mạng ảo

Ngày 17-11, ngay sau khi Thanh tra Bộ TT-TT thanh tra đột xuất, cơ quan công an đã bắt 4 đối tượng trực tiếp tham gia vận hành mạng viễn thông trái phép. Khám xét đồng loạt tại 7 địa điểm thuộc Hà Nội, Quảng Ninh, cơ quan chức năng đã phát hiện 8 hệ thống viễn thông chuyên dụng đang hoạt động, chuyển bất hợp pháp các cuộc gọi điện thoại quốc tế về Việt Nam. Đồng thời, thu giữ 12 thiết bị VOIP GSM Gateway loại Dinstar DWG2000-32G (32 kênh/thiết bị), tương đương với một hệ thống 384 kênh liên lạc quốc tế và nhiều tài liệu, tang vật có liên quan.

Theo đại diện của Cục A87 (thuộc Tổng cục An ninh), kết quả bước đầu xác định, các đối tượng trong nước móc nối với đối tượng nước ngoài, đặt các hệ thống thu phát sóng di động kích thước nhỏ (VOIP GSM Gateway) kết nối với máy chủ điều khiển hệ thống đặt tại Hồng Kông - Trung Quốc (SIM Server), máy chủ lưu dữ liệu SIM ảo (SIMBANK Server) đặt tại Trung Quốc và các hệ thống máy chủ Voice Over IP (SIP Server) tại Mỹ, Hàn Quốc... Đối tượng cầm đầu, lắp đặt, vận hành hệ thống này tại các địa điểm trong nước là Phạm Ngọc Anh (tức Phạm Công Toàn), trú tại Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), đã thu gom sim trả trước tại Việt Nam mang sang Trung Quốc, dùng phần mềm tự kích hoạt, tạo sim ảo, imei giả…

Máy chủ được đặt tại Hồng Kông, một đầu mối viễn thông toàn cầu, để giảm chi phí thuê đường truyền. Sim trả trước từ Việt Nam sau khi kích hoạt được nạp vào máy chủ lưu sim (SIMBANK) và từ đây đẩy dữ liệu (data) sang máy chủ điều khiển mạng (SIM Server). Để tránh sự phát hiện của cơ quan công an, nhóm tội phạm thường xuyên thay đổi sim ảo và hướng kết nối với các hệ thống thu phát sóng ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam, gây khó khăn cho việc tìm kiếm vị trí lắp đặt hệ thống trái phép này.

Nguyên nhân: Quản lý sim trả trước lỏng lẻo

Cũng theo đại diện của Cục A87, việc sử dụng mạng viễn thông trái phép này có thể chuyển hàng nghìn cuộc gọi quốc tế về Việt Nam. Ước tính, các nhà mạng trong nước bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Với thủ đoạn tinh vi, cơ quan điều tra phải mất gần 1 năm mới dò ra vị trí thiết lập mạng trái phép. Đáng chú ý, do việc phát hành và quản lý sim di động trả trước lỏng lẻo, nên các đối tượng đã thu gom nhiều sim đã kích hoạt sẵn (có tài khoản khuyến mãi) đem ra nước ngoài sử dụng. Do dùng sim ảo, nên sau khi sử dụng xong, chúng lại quay vòng đem về Việt Nam bán lại. Được biết, hầu hết các đối tượng bị bắt giữ từng là đại lý bán sim điện thoại của các nhà mạng, có người còn làm tại các đơn vị viễn thông.

Tại một cuộc họp giao ban quản lý nhà nước, lãnh đạo một nhà mạng đã cho biết, trong điều kiện giao thương quốc tế phát triển, lẽ ra lưu lượng cuộc gọi phải tăng, nhưng không hiểu sao lại sụt giảm, dù thừa nhận có sự tác động của công nghệ mới... Qua vụ việc trộm cước trên, có thể thấy, trộm cước viễn thông có thể là một nguyên nhân khiến các nhà mạng bị thất thu.

Sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học công nghệ đã mang lại nhiều hữu ích phục vụ cho cuộc sống. Với lĩnh vực viễn thông, sự phát triển của công nghệ, internet giúp thực hiện thành công cuộc gọi mà không nhất thiết phải đi qua hệ thống mạng lưới của nhà mạng. Vụ việc kể trên là ví dụ, song, cũng từ đó đặt ra cho các nhà mạng, cơ quan quản lý nhiều thách thức. Trong đó, việc quản lý sim di động trả trước chưa tốt là căn nguyên của nhiều vấn đề bức xúc dư luận và đe dọa đến an toàn, an ninh thông tin và an ninh quốc gia.

Từ đầu tháng 11-2016 đến nay, Bộ TT-TT cùng với các nhà mạng đã quyết liệt thực hiện các biện pháp quản lý, thu hồi hàng triệu sim kích hoạt sẵn trên hệ thống, song việc này cần phải được duy trì liên tục. Thêm nữa, từ vụ việc này cũng đặt ra yêu cầu giám sát, kiểm tra của nhà mạng với các đại lý sim điện thoại của mình, khi mà việc vận chuyển sim ra nước ngoài sử dụng, rồi lại mang về thị trường trong nước tiếp tục bán khá dễ dàng. Rõ ràng, việc siết chặt quản lý thông tin thuê bao trả trước là việc cấp thiết, nhằm ngăn chặn phiền toái, nguy cơ cho người dân và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trộm cước viễn thông quốc tế: Nhà mạng cũng có trách nhiệm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.