Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với tội phạm mạo danh để lừa đảo

Tư Đô| 01/04/2017 07:31

(HNM) - Tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dưới hình thức mạo danh đã và đang có những diễn biến phức tạp, gây hậu quả không chỉ cho bị hại mà còn làm xáo động dư luận xã hội.

Đặc thù của loại tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” này là kẻ gian thường mạo danh cán bộ công quyền, người nhà lãnh đạo, khoe khoang có nhiều mối quan hệ thân thiết với những người có chức, có quyền. Sau màn “tự giới thiệu” là việc gợi ý có thể lo giải quyết những việc khó, chủ yếu trong các lĩnh vực như xin việc, “chạy” chức, “chạy” dự án, “chạy” án... Ví dụ như vụ việc xảy ra ngày 22-3 tại TP Hồ Chí Minh, Công an huyện Hóc Môn phát hiện Đặng Thanh Thiện (SN 1986) có hành vi mạo danh phóng viên để “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” một phụ nữ vừa bị tòa án xử thua kiện trong vụ tranh chấp đất đai. Thiện xưng là phóng viên, có thể “tác động” đến tòa án để xử lại vụ án theo hướng có lợi cho nạn nhân. Người phụ nữ phải đưa cho Thiện 50 triệu đồng chi phí.

Tương tự, với màn giới thiệu công phu và “hoành tráng” hơn, đối tượng Trịnh Phi Long (SN 1982, trú tại quận Nam Từ Liêm) in danh thiếp, xưng học vị tiến sĩ, chức vụ “Trợ lý Thủ tướng Chính phủ, Cục trưởng Cục Quản lý tài vụ và ngân sách Chính phủ, Trưởng ban dự án Chính phủ”. Câu kết với đối tượng Nguyễn Thị Kim Cúc (SN 1958, quê Nghệ An), Long lừa các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, xin việc làm, có khiếu kiện về đất đai…, chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng. Cuối tháng 3 vừa qua, cả hai đối tượng này đã bị xét xử với mức án 14 năm tù cho Long và 4 năm tù cho Cúc…

Cơ quan công an cho biết, để phát hiện các vụ án kể trên, lực lượng điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Thông thường, Công an không thể phát hiện tội phạm vì trong quá trình giao dịch, cả đối tượng lẫn nạn nhân đều chủ động che giấu. Phía tội phạm đương nhiên không muốn nhiều người biết, thậm chí còn chủ động dùng thủ đoạn khiến nạn nhân thấy việc “chạy” là kín đáo, là ưu tiên riêng. Nạn nhân cũng không muốn nhiều người biết về việc bỏ tiền ra để “chạy”, sợ mang tiếng, hỏng việc. Khi tiền đã mất mà không được việc, nạn nhân mới đến trình báo công an. Lúc này, hoặc là tội phạm đã “cao chạy xa bay” hoặc tài sản đã bị tẩu tán, tiêu dùng cá nhân, khó thu hồi được.

Một điều đáng nói nữa là nạn nhân trong các vụ lừa đảo có tính chất mạo danh cũng rất đa dạng. Không chỉ người có trình độ hiểu biết thấp mới bị lừa. Nhiều cá nhân là cán bộ nhà nước, là chủ doanh nghiệp cũng dễ dàng rơi vào “bẫy”. Như vụ án Nguyễn Thị Hằng mạo danh nữ tiến sĩ, giảng viên một trường đại học, cũng vừa bị xét xử trong tháng 3. Chỉ bằng cách tự quảng cáo như trên, Hằng đã lừa được một cán bộ nhà nước muốn “chạy” việc, “chạy” học, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng…

Sở dĩ vẫn có tình trạng như trên là do còn tồn tại tâm lý “chạy” ở một bộ phận không nhỏ người dân. Những người này tiếp nhận thông tin thất thiệt về những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy công quyền nhưng không tỉnh táo, nên khi bị kẻ gian hứa hẹn “chạy” được là tin ngay, không thẩm tra, xác minh.

Do đặc thù trên của các vụ lừa đảo mạo danh, cơ quan công an hầu như không thể tổ chức chuyên đề phát hiện sớm, phòng ngừa, ngăn chặn bằng nghiệp vụ. Việc hạn chế loại tội phạm này phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân. Vì vậy, để nâng cao nhận thức cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết, việc tuyên truyền thủ đoạn của loại tội phạm này phải làm thường xuyên hơn, thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng. Hơn nữa, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch hóa hoạt động để không tạo cơ hội cho tội phạm lừa đảo những người “nhẹ dạ, cả tin”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với tội phạm mạo danh để lừa đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.