Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó khăn trong xử lý tội phạm người nước ngoài

Thanh Tàu| 14/07/2017 06:58

(HNM) - Thời gian qua, nhiều vụ lừa đảo, lợi dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản do người nước ngoài thực hiện làm các cơ quan điều tra, tố tụng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là rào cản do ngôn ngữ bất đồng.


Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong 3 năm (2014-2016) đã thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra tổng cộng 108 vụ án và 146 bị can của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ về các tội như: Mua bán trái phép chất ma túy; giết người; lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Trong số đó, có nhiều vụ án do các tổ chức tội phạm ở nước ngoài điều hành, sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua mạng, qua điện thoại để chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn.

Các đối tượng lừa đảo thường dùng thủ đoạn mạo danh cán bộ công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... gọi điện thoại cho người bị hại, đe dọa tài sản mà họ đang có là liên quan đến hoạt động rửa tiền, mua bán ma túy, buôn lậu và yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ATM do đối tượng chỉ định để cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra... Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản, các đối tượng này rút hết tiền hoặc chuyển ngay qua một tài khoản khác để đối tượng chủ mưu, cầm đầu rút tiền tại nước ngoài.

Phát hiện đã khó, xử lý các loại tội phạm có liên quan yếu tố nước ngoài còn gian nan hơn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Đại tá Phạm Ngọc Tiến (Quyền Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết: Với những trường hợp bắt quả tang quy định tại Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự, đối tượng bị bắt thường được giải ngay đến cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản trước khi giải đến cơ quan điều tra. Tuy nhiên, với các đối tượng người nước ngoài, do bất đồng ngôn ngữ nên công an xã, phường phải mời người phiên dịch. Mà làm điều này, chẳng khác gì “đánh đố” vì công an cấp xã, phường không phải là cơ quan tiến hành tố tụng để có thể trưng cầu người phiên dịch hợp pháp.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Phó Trưởng phòng 2, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh) cho hay: Ở giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài cũng "khổ sở" về rào cản ngôn ngữ. Nhiều vụ án, cơ quan tố tụng đã rất vất vả khi phải mời người phiên dịch. Điển hình là vụ cướp giật tài sản do Fiyoj Merhraban (quốc tịch Iran) thực hiện. Do không tìm được người phiên dịch, cơ quan tố tụng đã phải trưng cầu phiên dịch từ Đại sứ quán Iran từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để phiên dịch buổi làm việc với bị can, dịch thuật kết luận điều tra, cáo trạng cũng như làm phiên dịch tại phiên tòa...

Để khắc phục khó khăn trên, ông Đoàn Tạ Cửu Long (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh) đề xuất, cần hoàn thiện các chế định liên quan đến người phiên dịch. Trong đó, nghiên cứu, có kế hoạch thành lập trung tâm đào tạo, bổ nhiệm phiên dịch viên pháp lý để bảo đảm nguồn phiên dịch có chất lượng, hiệu quả cho các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ trong lĩnh vực hình sự mà cả các lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong xử lý tội phạm người nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.