Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm lại người lặng lẽ ở Sa Pa

TUANDIEP| 02/10/2008 07:32

Ông Lê Văn Sử gặp lại người bạn dân tộc Mông.(HNM) - LTS: Thế hệ học sinh từ thập kỷ bảy của thế kỷ trước đều đã học qua đoạn trích của tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Nhân vật “anh thanh niên” trong truyện là điển hình của lứa thanh niên sôi nổi, trong sáng, yêu nước, hết lòng vì công việc mà không đòi hỏi sự đãi ngộ.

Người như anh, trách nhiệm cao hơn quyền lợi và “vô tình” khắc tên “vô danh” vào lòng người, để lại tấm gương lao động, tính hướng thiện cho những thế hệ tiếp bước một cách sinh động và long lanh hơn tất thảy lý thuyết…

Hànộimới xin gửi đến độc giả chân dung và cuộc sống thực của “anh thanh niên” qua bài ghi chép dưới đây.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?Ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình…”Lờica đầy tính triết lý và giai điệu quen thuộc của bài hát “Mộtrừng cây, một đời người ” của nhạc sỹ Trần Long Ân tình cờ vang lên trên chuyến xe khách đang vật vã qua những cung đường hẻo lánh, đang sửa chữa dở dang để tới thị trấn Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Trời càng về trưa càng nóng. Chiếc xe cà tàng cõng vài người khách như bị nung lên bởi nắng hè và gió Lào. Người đẫm mồ hôi, bụi phủ bạc tóc, miệng khô khốc, chúng tôi chỉ mong nhanh tới thị trấn miền núi đó để tìm được “anh thanh niên” trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long.

Người lặng lẽ mà không lặng lẽ

Qua nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi tìm được đến nhà “anh thanh niên” trong truyện ngắn “Lặng lẽ SaPa”. Một căn nhà giản dị nằm dưới bóng cây xoài với cái cửa ghép bằng vài tấm gỗ mộc. Đồ đạc tuềnh toàng. Dụng cụ sửa ti-vi, cát-sét vương mọi nơi. Vài chiếc cát-sét cũ nằm chỏng chơ một góc như chờ được sửa. Bằng khen đề tên Lê Văn Sử treo kín tường, gài cả dưới tấm kính trên bàn uống nước.

“Anh thanh niên” ngày xưa giờ đã ngoài 70 tuổi, cũng chạc tuổi bác cả của tôi. Răng cũng rụng vài cái, nhưng dáng vẻ còn nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng khỏe khoắn và động tác dứt khoát. Tiếp chúng tôi, những vị khách không mời, bác không giấu nổi sự ngạc nhiên, rằng sao còn có người tìm đến mình.

Những lời thăm hỏi dồn dập rồi cũng qua để nhường chỗ cho những chuyện bác kể về thời thanh niên sôi nổi mà lặng lẽ trên đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn ngày nào. Bác kể lại: “Quê ở làng Ngọc Lũ, Bình Lục, nay thuộc tỉnh Hà Nam, nhà có ba anh em trai, ngày nhỏ, được ông bác dạy tiếng Pháp tại nhà. Khi lớn lên, ba anh em bảo nhau sẽ chỉ theo hướng khoa học tự nhiên. Ngày đó, tôi nghĩ rằng tốt nhất không làm nghề gì liên quan đến tiền bạc thì mình mới thoải mái được. Giờ đây nghĩ lại lựa chọn của mình tuy có lúc làm cho cuộc sống của mình bị thiệt thòi nhưng đó là lựa chọn đúng bởi vì tôi được sống thoải mái, được là chính mình”.

Bác kể tiếp: “Nhà văn Nguyễn Thành Long đã tả chân thực tình cảnh của tôi ngày đó. Những người tôi thường gặp nhất là cánh lái xe, giờ còn một người cũng sống ở Than Uyên đây. Đúng là có những lúc buồn quá tôi phải chặt cây chắn ngang đường để được nói chuyện một lúc với mọi người. Ngày đó, cũng như bao cuộc gặp gỡ khác, tôi mừng quýnh lên khi được tiếp chuyện với nhà văn và cô gái. Giờ tôi mới hiểu rằng, khi ấy, nhân vật nữ muốn tặng chiếc khăn tay cho tôi bằng cách cố tình bỏ quên trong cuốn sổ ghi chép của tôi. Khi tôi chạy theo để trả lại chiếc khăn cho cô ấy, cô ấy đỏ mặt nhận lại mà không nói gì”.

“Giờ biết làm thế nào để gặp lại cô gái ngày đó nhỉ?”, bất chợt bác Sử thốt ra mong ước đó trong dòng những kí ức đang chảy về từ quá khứ. Bó hoa “anh thanh niên” tặng cô gái ngày đó là hoa Bách hợp. Bác Sử trầm giọng: “Cách đây mấy năm, tôi có nghe nói là bác Long đã mất ở trong Nam. Thế là không còn dịp gặp lại bác nữa rồi”. Nói đến đây, bác dừng lại, rít một hơi thuốc dài, mắt nhìn xa xăm…

Bác Sử chuyển từ SaPa về Than Uyên từ năm 1999. Mãi sau này, khi cô giáo Liên dạy văn cấp 2 của Trường THCS Than Uyên tình cờ hỏi: “Bác làm trong ngành khí tượng thủy văn ở Tây Bắc có biết ai là anh thanh niên trong Lặng lẽ SaPa không?” Bác mới chỉ vào mình và bảo: “Đấy chính là tôi!”. Ngay cả mấy đứa cháu trong nhà cũng không biết điều này. “Chả bao giờ tôi khoe điều đó với ai. Ngày đó, hoàn cảnh của tôi cũng giống như nhiều người, thậm chí còn không khổ bằng những người khác”, bác trầm ngâm nói.

“Được nấu cơm cho cánh lái xe là sướng lắm rồi! Vừa có người ăn cơm cùng, vừa được nói chuyện, lại được các anh tiếp thức ăn tươi như mớ rau từ Sa Pa, con cá từ hồ Thác Bà…”, bác Sử nhớ lại. “Nhưng khổ nhất là vào mùa đông, có năm trời lạnh tới -5oC, có chặn đường lại thì cánh tài xế cũng chỉ thò cổ ra nói vài câu rồi đi luôn. Lúc đó buồn muốn khóc, đứng tần ngần giây lát rồi cũng phải chạy ngay lên trạm nếu không thì chết cóng giữa đường”.

Thăm lại nơi canh trời

“Anh thanh niên” Lê Văn Sử thăm lại nơi trước kia từng là trạm khí tượng thủy văn trên đỉnh đèo SaPa.

Xe đi Lào Cai chạy qua đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn. Vừa xuống xe, không cần nghỉ, tôi hăm hở đi lên trước và nói tự tin: “Bác để cháu đưa bác lên chỗ ngày xưa bác ở”. Hơi sững lại một chút vì bất ngờ, bác Sử cười tủm tỉm nói: “Ừ, cậu cứ dẫn đường đi”. Tôi xốc lại ba lô đi lên lối mòn đầy dấu chân trâu ngược xuôi - cái lối mòn mà tôi đã mò mẫm lên ngay sau đợt SaPa có băng giá hồi đầu năm. Giờ dâu đất chín đỏ mọng lấp ló quanh những bụi cỏ. Qua con dốc nhỏ, một bãi đất phẳng hiện ra, đây đó vẫn còn dấu vết của gạch, vữa. “Có phải đây không ạ?” - tôi hỏi. Bác Sử cười nói: “Chỗ này là nơi đặt cái lều chứa vật liệu”.

“Giờ thì các bạn theo tôi”, bác Sử nói rồi đi lên trước. Xuống một khoảnh đất thấp hơn một chút, bác chỉ: “Lều của tôi ngày xưa ở đây, nơi tôi tiếp những vị khách hiếm hoi, những anh lái xe, vài người bạn dân tộc, nhà văn Nguyễn Thành Long…”.

Ngồi trên một móng trụ, nơi xưa đặt máy đo nắng, bác Sử chỉ đây là chỗ đặt máy đo mưa, nơi kia đặt máy đo gió… Bác rút thuốc lá, gió thổi vù vù, vất vả lắm mới bật được lửa. Rít một hơi dài, đưa tầm mắt ra xa, bác Sử ngồi trầm ngâm. Trong khi đó, hai cô cậu thanh niên cứ xuýt xoa đám rêu này đẹp, bông hoa kia xinh, quả dâu đất nọ chín quá… Không khí trong ngần, thuần khiết lạ! Sự mát lành đến độ cảm giác như mùi thuốc lá có thể thơm thoảng khắp cả thung lũng phía xa. Bỗng tôi thấy dường như có giọt nước đang ngân ngấn nơi khóe mắt “anh thanh niên” ngày nào.

Dòng ký ức từ hơn 40 năm trước theo nhau đổ về như thác. Bác Sử kể lại: Ngày đó, học xong phổ thông, tôi lên vùng núi Tây Bắc tìm việc và được nhận vào công tác trong ngành khí tượng. May mắn cho tôi vì gặp được bác Nguyễn Tác Nhân - Trưởng trạm Vật lý Địa cầu ở Sa Pa. Bác Nhân đã dìu dắt tôi cũng như anh em trẻ rất nhiều trong cuộc sống và công việc. Chính bác Nhân đã hỏi ý kiến tôi trước khi quyết định đưa tôi lên làm việc tại trạm khí tượng trên đỉnh đèo. Khi chuyển lên trạm, tôi gặp anh Nguyễn Xuân Tỵ, người đã ở trên trạm từ trước. Anh Tỵ còn chịu đựng gian khổ nhiều hơn tôi. Anh Tỵ cũng gặp nhà văn Nguyễn Thành Long nhiều hơn tôi.

Ngày đó còn trẻ nên vừa không biết gì vừa bất chấp khó khăn. Nhưng lúc mới lên trạm buồn muốn khóc. Trên đỉnh đèo cả ngày không một bóng người. Những buổi chiều ngồi nhìn mặt trời lặn, chỉ còn rừng với núi, và cả một không gian tĩnh lặng, nước mắt cứ chảy ra. Thèm được gặp người, thèm nghe tiếng người kinh khủng!

Chỉ khi ở nơi vắng vẻ heo hút như thế mới thấy tình cảm giữa người với người thiêng liêng. Lúc ở chỗ nhiều người thì còn thấy người này kèn cựa người kia… ở trạm, tôi kết bạn với tất cả, từ những anh lái xe đến những người dân tộc. Tôi cũng tiếp nhiều vị lên thăm trạm, từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tác giả viết truyện “Hòn Đất” ấy… Tôi gặp nhà văn Nguyễn Thành Long hai lần đều ở trạm khí tượng này. Thực ra, nhà văn đã lên đây nhiều lắm.

Lần đầu tiên biết có truyện viết về mình là qua nghe “Đọc truyện đêm khuya” trên đài. Lúc đó, đang nằm lim dim thì giật nảy mình khi nhận ra là viết về chính mình. Trong ấy nhà văn viết ở đây cao 2.600 mét so với mặt nước biển nhưng thực ra độ cao chính xác là 2.060 mét. Mà cũng không có chi tiết tặng nhau cả rổ trứng gà. Mấy người bạn Mông cũng tặng gà nhưng nuôi được vài bữa là bị cáo, cầy bắt tiệt. Ngày đó, khó khăn giúp đỡ nhau mớ rau, miếng thịt, vài quả trứng đã là quý lắm rồi.

Vào những ngày dòng xiết (đới gió Tây ở trên cao) xuất hiện trên đỉnh đèo, tốc độ gió lên tới 40 mét/giây, tương đương với gió bão cấp 8. Nếu đang ở trong rừng thì phải chui ngay vào dưới lùm cây rậm rạp mà trú. Nếu ở trạm thì tốt nhất là trú trong nhà. Gió mạnh đến nỗi nằm trong nhà đắp chăn trùm đầu mà vẫn nghe thấy tiếng gió thổi u u, ù ù. Trời khô, độ ẩm chỉ còn dưới 10%. Người nào mà yếu thì máu cam cứ chảy ra miết.

Mùa đông, có hôm băng tuyết phủ khắp núi rừng. Rét không dám ra ngoài. Đun hết củi dự trữ phải lấy cọng màn, giá sách bằng gỗ… để đun nước, nấu cơm mà ăn. Mùa đông tốn gạo lắm! Mỗi tháng phải ăn hết 30 cân, trong khi tiêu chuẩn chỉ là 19 cân. Cũng may có mấy người bạn Mông, cánh lái xe giúp đỡ nên tôi không thiếu thốn lắm. Có những hôm đi rừng về đã thấy cả xâu thịt thú rừng treo ở cửa. Ngày thường thì cứ 2 bữa cơm ăn với măng rừng…

Ngẫm lại giờ mới thấy khi đó khổ thì cũng thật khổ nhưng sướng thì cũng thật sướng. Khi buồn thì buồn cùng cực. Khi vui là vui ngất trời. Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn con đường đã đi qua - bác Sử nói.

SaPa giờ đây không còn lặng lẽ như xưa nữa. Những chuyến tàu, chuyến xe qua lại Tây Bắc giờ đã đông nghẹt người. Nhiều khi để kiếm được tấm vé lên tàu phải tất tả chạy ngược chạy xuôi. Người từ khắp nơi đổ về đây du lịch, làm ăn, kiếm sống. SaPa giờ cũng đã khác trước. Trong cái cuộc sống quá ồn ào, náo nhiệt, vì cuộc mưu sinh này, dường như không còn chỗ cho những người như “anh thanh niên” ngày nào. Bác Sử chuyển về Than Uyên những mong tìm lại cuộc sống đúng là mình hơn...

Mỗi tối, sau chương trình thời sự, tôi đều chăm chú nghe bản tin thời tiết được những nam thanh, nữ tú mặc quần áo đẹp đọc và chỉ dẫn chi tiết. Tôi bỗng băn khoăn, không hiểu họ, những người đang nói và những ngườiđang nghe bản tin đó có biết đến những vất vả, hy sinh thầm lặng của những người làm khí tượng thủy văn? Giờ đây làm khí tượng thủy văn cũng không còn khổ như trước, nhưng ở những nơi xa xôi như Trường Sa, vẫn còn những người ngày đêm làm việc như “anh thanh niên” Sử đã làm cách đây 40 năm.

Ghi chép của Đức Trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm lại người lặng lẽ ở Sa Pa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.