Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế

Hà Trang| 07/01/2011 06:52

(HNM) - Thủ đô Hà Nội là đầu não, là trái tim của cả nước, vì thế rất nhạy cảm trước mỗi "rung động" của quá trình đổi mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Trung ương Đảng quyết định tiếp tục đột phá vào khâu phân phối, lưu thông để từng bước khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo đà đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước.

Hội nghị lần thứ hai BCH TƯ Đảng Khóa VI đã thông qua NQ 02 về "Giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông". Hà Nội tổ chức triển khai NQ 02 trong chồng chất khó khăn với một quyết tâm rất cao, nhưng cũng hết sức thận trọng.

Nói đến thời bao cấp, tôi lại nhớ đến đoạn hồi tưởng của một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam: "Làm sao khỏi ứa nước mắt, khi nghĩ tới những sáng kiến hồi đó. Nuôi các "thủ trưởng" lợn ngay trong các căn hộ 20m2 của các chung cư. Lộn cổ áo sơ mi và "tích kê" những chỗ ống quần dễ rách. Nhặt mảnh phim về kết thành làn. Thu góp từng cái ruột bút bi viết hết để mang về bơm lại. Lộn trái phong bì để sử dụng thêm lần nữa… Nhiều chuyện lắm và có những chuyện bây giờ phải diễn giải ngọn ngành mới hiểu nổi". Người dân Hà Nội hẳn chưa quên, sau Tết Nguyên đán năm 1986, các kho gạo mậu dịch trên địa bàn TP gần như "cháy" hàng, chất đốt cung cấp một cách phập phù, hàng tiêu dùng khan hiếm kinh khủng, đời sống công nhân viên chức, lực lượng vũ trang giảm sút tới mức báo động, tiền mặt bội chi lớn...

Thời bao cấp, gần như mọi thứ hàng hóa phục vụ sinh hoạt đều mua bằng tem phiếu. Ảnh: Tư liệu

Trước tình hình đó, chiều 13-5-1987, Thường trực Hội đồng Bộ trưởng đã làm việc với Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội và lãnh đạo một số bộ, ngành để thống nhất một số chủ trương trước mắt về giá, lương, tiền. Sau khi nghe lãnh đạo TP Hà Nội báo cáo những khó khăn, Thường trực Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định: Trợ cấp khó khăn trong tháng 5-1987 cho công nhân viên chức, sỹ quan trên địa bàn Hà Nội, bằng một tháng lương. Chấn chỉnh lại tổ chức cung ứng vật tư, xóa bỏ những đơn vị trung gian không cần thiết, bảo đảm cung ứng vật tư đúng thời gian, địa điểm, đúng giá; nghiêm cấm găm hàng hưởng chênh lệch giá, thành lập các công ty liên doanh lương thực, chuẩn bị để chuyển mua bán lương thực sang kinh doanh...

Được sự chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng và sự hỗ trợ của các bộ, ngành TƯ, thành phố đã tổ chức huy động tiền mặt, kể cả của cán bộ, công nhân viên để thu mua, vận chuyển trên 10 nghìn tấn gạo từ miền Nam ra. Từ tháng 5-1987, thành phố đã thực hiện bù giá các mặt hàng muối, đậu phụ, nhưng đến giữa năm 1987 tình hình chuyển biến chậm, không mấy khả quan. Hà Nội đã gồng mình lên, làm hết cách, nhưng hàng hóa, lương thực thực phẩm vẫn khan hiếm, cung không đủ cầu, giá cả thị trường vẫn tăng nhanh (tháng 6 năm 1987 giá cả tăng gần gấp 2 lần tháng 12 năm 1986). CBCNV tuy được trợ cấp thêm 1 tháng lương, nhưng tiền lương thực tế vẫn tiếp tục giảm sút, chỉ bằng 40% mức lương tại thời điểm cải cách giá - lương - tiền (tháng 5-1985). Thu chi ngân sách của thành phố mất cân đối lớn, thu không đủ chi, bội chi ngân sách 6 tháng đầu năm 1987 gấp 1,2 lần so với cả năm 1986.

Ngày 28 và 29-6-1987, Thành ủy họp Hội nghị lần thứ 5 bàn về những vấn đề cấp bách trước mắt để thực hiện NQ TƯ 2. Hội nghị nhấn mạnh: "Xóa bỏ quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán kinh doanh XHCN là một vấn đề phức tạp, không thể làm một cách tùy tiện, nóng vội, nhưng cũng không thể chần chừ, chờ đợi - Phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế cũ, phải đổi mới cách nghĩ, cách làm trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đó là yêu cầu của cuộc sống phù hợp với quy luật khách quan".

Dù chủ trương đổi mới đã được bàn kỹ trong các kỳ họp và nhất là được TƯ "bật đèn xanh", nhưng theo một số đồng chí nguyên là lãnh đạo TP thời kỳ đó cho biết, trong buổi đầu chuyển đổi cơ chế, cái cũ còn phổ biến và kìm hãm nặng nề, cái mới manh nha chưa đủ điều kiện thực hiện. Tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung vẫn lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong 9 tháng đầu năm 1987, ở Hà Nội, giá cả thị trường tự do tăng 360% so với cùng kỳ năm 1986, trong đó tăng khủng khiếp nhất là lương thực với mức tăng 544%. Việc bù giá 1 tháng lương và phụ cấp không còn ý nghĩa cải thiện đời sống; hàng hóa TƯ điều về Hà Nội chỉ đạt 60% kế hoạch; đến tháng 9-1987, thành phố còn nợ cung cấp theo định lượng 60 nghìn tấn gạo...

Về chuyện thiếu gạo, tôi có một kỷ niệm "xương máu". Ngày đó, mỗi gia đình có hộ khẩu được cấp một sổ mua gạo. Là con cả trong gia đình, được phân công đi xếp hàng mua gạo, tôi dậy từ 2 giờ sáng, kiếm cái nón rách, thêm một viên gạch rõ to để "xí chỗ" trước. Vì đến sớm, gạch và nón của tôi ở chỗ đầu tiên. Tôi ung dung tựa bên tường cửa hàng gạo, tiếp tục gà gật, vừa mơ về bao gạo trắng nõn vừa để trông chỗ. Nhưng trẻ con, tuổi ăn ngủ, chỉ khi tiếng cãi nhau tranh chỗ ầm ầm bên tai, tôi mới tỉnh, tá hỏa ra vì thấy chiếc nón của tôi bị dẫm bẹp dúm, còn viên gạch bay đi đằng nào. Dù có nói này nọ, nhưng không anh chị, cô bác nào chịu trả chỗ. Cũng có vài ánh mắt thương hại, nhưng gạo có hạn, nhà nào cũng vét cháy cả chum vại, đã vác rá đi vay khắp xóm cả tuần, ai mà nhường cho mình được chứ? Những lần vác bao về không đã khiến tôi nảy ra sáng kiến xin đấm lưng để "đổi công" cho một chú thương binh và nhờ chú mua gạo giúp. Sau này, sáng kiến của tôi bị trẻ con trong khu tập thể phát hiện, tranh nhau làm theo nên mất "thiêng".

Trước khó khăn của Hà Nội, TƯ Đảng và Hội đồng Bộ trưởng đặc biệt quan tâm. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước băn khoăn lo lắng, trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo giải quyết đời sống cho CBCNV và nhân dân Thủ đô. Ngày 21-10-1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp viết thư cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Tấn, chỉ đạo, gợi mở một số việc rất cụ thể:

"1 - Năm nay ngoài Bắc có thể được mùa khoai lang, khoai tây và ngô. Anh nên lựa cán bộ nghiên cứu chế biến để đưa các thứ đó vào bữa ăn thay bột gạo...

2- Tôi có hỏi đồng chí mới được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang hiện học ở ngoài này. Anh này nói hiện Kiên Giang có 4-5 triệu lít nước mắm ngon. Nếu Hà Nội vào mua, anh em bán rẻ.

Nếu các anh thấy thế là tốt, khi nào đi cho tôi biết, tôi viết cho Tỉnh ủy giới thiệu. Tàu vào nên chở hàng vào bán đổi nước mắm. Ngoài nước mắm, có thể mua cá khô vừa rẻ, vừa ngon. Phải chú ý cải tạo bữa ăn vừa rẻ tiền hơn, vừa đủ chất bổ, vừa đỡ căng về gạo. Nên nghĩ mọi cách để trao đổi với trong kia, tự giải quyết việc lưu thông hàng hóa, phát triển nội thương, tự làm thương lái đường dài. Cũng có thể giao thiệp với Thuận Hải hay Quảng Nam. Chỗ nào trao đổi có lợi thì làm.

Hà Nội nên sắm lấy một số xà lan lớn pha sông, pha biển, mua hàng trong kia chạy thẳng về bến Phà Đen, đỡ phải xuống cảng Hải Phòng".

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành thương nghiệp chủ động công tác thu mua, nắm nguồn hàng. Sau khi thực hiện bù giá vào lương, tính lại tiền lương theo hệ số mới, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện những chính sách mới về giá để từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh theo hướng hạch toán kinh doanh XHCN. Cuộc điều chỉnh giá - lương - tiền lần này không ồ ạt như cuối năm 1985, mà được thực hiện từng bước thận trọng, có tính toán, có trao đổi thống nhất giữa TƯ và địa phương, nên kinh tế - xã hội không có những đột biến lớn.

Hà Nội dần bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, đã hé lộ những hướng đi mới, tư duy và cách làm mới, xuất hiện những nhân tố mới, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển nhanh, mạnh, vững chắc những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.