Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đổi mới vì dân, dựa vào dân

Hà Trang| 10/01/2011 07:40

(HNM) - Đánh giá về thành tựu sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Jordan Ryan đã không tiếc lời khen ngợi:

Ngay sau khi thực hiện công cuộc đổi mới, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này đã được bày bán rộng rãi, đáp ứng nhu cầu của nhân dân (Ảnh internet - chụp năm 1991).


Chỉ có thể là Đảng Cộng sản Việt Nam
Đó chỉ là một trong rất nhiều đánh giá tốt đẹp của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam khi nói về những thành tựu của đổi mới. Còn nhớ, trong một chuyến công tác tại Mỹ, khi nói chuyện với chúng tôi về nguyên nhân thất bại của cải tổ ở Liên Xô, những người bạn Mỹ luôn yêu mến và quan tâm dõi theo những bước tiến của Việt Nam cũng đã bày tỏ sự thán phục và khẳng định: Ở giai đoạn đó, để tránh tan vỡ, đưa Việt Nam thoát ra khỏi khủng hoảng chính trị, kinh tế, chỉ có thể là Đảng Cộng sản Việt Nam. Liên Xô cũng tiến hành cải tổ, nhưng Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc sai lầm rất nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức, đó là đường lối hữu khuynh, cơ hội và xét lại, thể hiện trước hết ở những người lãnh đạo cao nhất. Những tuyên bố ban đầu: "Cải tổ để có nhiều dân chủ hơn, nhiều CNXH hơn", "Chúng ta sẽ đi tới CNXH tốt đẹp hơn chứ không đi ra ngoài nó", "Chúng ta tìm trong khuôn khổ của CNXH chứ không phải ở ngoài giới hạn của nó những câu trả lời cho các vấn đề do cuộc sống đặt ra"... rốt cuộc, tất cả chỉ là những tuyên bố suông, ngụy trang cho ý đồ phản bội. Những người lãnh đạo cải tổ lùi dần từng bước, từng bước, thậm chí ngày càng công khai tuyên bố từ bỏ những mục tiêu XHCN mà họ từng hứa hẹn, từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bằng những phát "đại bác bắn vào quá khứ" được bao bọc bởi những thứ "công khai", "dân chủ", "không vùng cấm", cải tổ đã nhanh chóng tạo ra làn sóng phê phán, công kích, bôi đen tất cả những gì gắn với lịch sử 70 năm xây dựng CNXH, phủ định sạch trơn mọi thành tựu của CNXH, gây hoang mang, dao động đến cực độ trong tư tưởng xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với những giá trị của CNXH, do đó sự sụp đổ nhanh chóng là tất yếu.

Nhắc lại chuyện cũ để thêm một lần nữa rút ra kinh nghiệm xương máu, để không vấp phải trong tương lai và thấy rõ hơn giá trị những thành tựu, những chặng đường gian khó mà dân tộc ta đã vượt qua. Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và đang đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, bước đầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng lãnh đạo được củng cố và tăng cường; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao... Những thành tựu to lớn đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Điều rất quan trọng là sau hơn 20 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta ngày càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn.

Xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì Hòa bình
Vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của thành phố, sau 20 năm, từ 1986 đến 2006, trải qua nhiều biến động chính trị thế giới, vượt qua những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch và những khó khăn trong quá trình phát triển, "Đảng bộ và chính quyền Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, đúng định hướng, tạo sự chuyển biến cơ bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước" - Kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về Thủ đô Hà Nội. Chính trị - xã hội Thủ đô luôn ổn định, niềm tin của nhân dân với Đảng, với sự nghiệp đổi mới được củng cố. Từ một nền kinh tế tập trung, bao cấp, ở trong tình trạng khủng hoảng, chậm phát triển, kinh tế Thủ đô đã nhanh chóng phát triển, chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN năng động, tăng trưởng liên tục ở mức cao, phát triển nhanh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu tích cực theo hướng hiện đại hóa; không chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân mà còn tích lũy để đầu tư phát triển.

Là Thủ đô, trái tim của cả nước, trong sự nghiệp đổi mới, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương; sự ủng hộ, hợp tác tích cực của các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế. Phát huy những thành tựu của 20 năm đổi mới, trong nhiệm kỳ qua (2006-2010), Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 15 của Quốc hội (Khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Trong từng thời kỳ cụ thể, Đảng bộ Hà Nội đã biết lựa chọn đúng và chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có chất lượng những vấn đề lớn, mang tính đột phá của thành phố, đặc biệt đã tập trung lãnh đạo thực hiện 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy. Lựa chọn đúng và kiên trì chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá lớn của thành phố là cải cách thủ tục hành chính và công tác cán bộ, góp phần quan trọng tạo nên những biến chuyển tiến bộ, toàn diện trong đời sống xã hội Thủ đô 5 năm qua. Đặc biệt, năm 2010 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã hưởng ứng và tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, để lại ấn tượng sâu sắc trong nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; uy tín và vị thế của Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì Hòa bình.

Tự tin vững bước tới tương lai
Từ ngày 12 đến ngày 19-1-2011, tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Mục tiêu chiến lược phát triển đến năm 2020 được Đảng ta xác định là: "Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau". Đảng ta nhận định, trong giai đoạn tới, sẽ có không ít khó khăn, thử thách, nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh  công cuộc đổi mới và đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng ta tự tin vững bước tới tương lai bởi hơn 20 năm qua, cùng với việc giữ vững ổn định chính trị, không ngừng tăng trưởng kinh tế, đời sống xã hội được cải thiện, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm vô cùng quý báu trong quá trình đổi mới. Đó là phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp; phải bảo đảm sự gắn kết, đồng bộ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn nhạy bén với cái mới. Phát huy cao độ nội lực, đồng thời khai thác ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Đảng phải thực sự tiêu biểu cho danh dự, lương tâm, trí tuệ của dân tộc; đủ năng lực đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời để định hướng cho hoạt động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nói chung...

Sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chắc chắn sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của dân tộc, tạo ra những động lực mới mạnh mẽ hơn để chúng ta thực hiện khát vọng đổi mới, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đổi mới vì dân, dựa vào dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.