Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: “Bệ phóng” của doanh nghiệp

Tống Ngọc Thanh| 13/01/2011 06:59

(HNM) - Năm 2010 một lần nữa là minh chứng về trí lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Dù chịu cú sốc lớn về tài chính tiền tệ và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt vẫn có những bước đi bản lĩnh để rồi tiếp tục phát triển, cống hiến và có nhiều đóng góp cho xã hội. Có được thành công ấy, không thể không nhắc tới "bệ phóng" là sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước trong suốt thời gian qua.

Vươn ra "biển lớn"

Có thể nói, quá trình hình thành và phát triển tầng lớp doanh nhân mới ở Việt Nam là kết quả trực tiếp từ những định hướng và đường lối đúng đắn của Đảng. Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, cho phép kinh tế tư nhân phát triển không hạn chế về quy mô và số lượng, đã thực sự tạo điều kiện cho doanh nhân phát triển. Năm 2000, Luật Doanh nghiệp ra đời, tạo khuôn khổ pháp lý, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Vai trò của doanh nhân lần đầu tiên được khẳng định như "một tầng lớp xã hội cùng với các giai cấp khác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc". Tiếp đến ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 990/QĐ-TTg lấy ngày 13-10 hằng năm làm ngày Doanh nhân Việt Nam. Chính điều này đã góp phần khẳng định vị thế của doanh nhân trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước.

Sản xuất hàng nội thất cho tàu thủy tại Công ty Shinec.

Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, dưới tác động của đường lối đổi mới, những năm qua cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn 2000-2005, cả nước có 330.490 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, 4 triệu hộ kinh doanh cá thể. Sau 3 năm (2008), số doanh nghiệp đăng ký hoạt động đã tăng lên 460.000, có 1 triệu hộ đăng ký kinh doanh hoạt động theo mô hình Luật Doanh nghiệp, 133 nghìn hợp tác xã, trang trại. Theo số liệu thống kê mới nhất, đến tháng 12-2010, cả nước có 540 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động, vượt qua con số mục tiêu 500 nghìn doanh nghiệp mà chúng ta đặt ra. Cùng với đó, đội ngũ doanh nhân cũng lớn mạnh với khoảng 2,5 triệu người. Khu vực doanh nghiệp đang đóng góp trên 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước. Số lượng doanh nghiệp tăng bình quân 22% năm đã thu hút một lượng lớn lao động với khoảng 8 triệu người, chiếm 17,3% lực lượng lao động của toàn xã hội. Không chỉ tăng về số lượng, cơ cấu ngành nghề, sản phẩm và quy mô đầu tư của các doanh nghiệp cũng có nhiều thay đổi. Một số ngành nghề trước đây do khu vực kinh tế nhà nước đảm nhận thì nay kinh tế tư nhân cũng tham gia như công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô, đóng tàu...

Doanh nhân không chỉ biết làm giàu

Giới doanh nhân ở Hà Nội chẳng mấy ai không biết đến ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương. Trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang khi bước sang tuổi 23, gần 30 năm gắn bó trong môi trường quân đội, ít ai nghĩ ông lại trở thành một doanh nhân thành công. Chuyện với chúng tôi, ông Quý cười hiền, khiêm tốn: "Chẳng qua vì cái "máu" làm kinh tế nó vận vào thân". Tập đoàn kinh tế của ông lớn mạnh được như ngày hôm nay là nhờ có Đảng chỉ lối đưa đường. Ngay sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI cho phép kinh tế tư nhân phát triển, ông Quý xin xuất ngũ và lao vào làm kinh tế. Nhà cửa có bao vốn liếng, ông dốc sạch túi để thành lập một doanh nghiệp vận tải, chuyên dùng xe téc chở xăng dầu cho các đại lý. Do chưa có kinh nghiệm, thu không đủ bù chi, doanh nghiệp của ông thua lỗ, xe ô tô phải bán đi trả nợ và giải thể.

"Thua keo này, bày keo khác", năm 2000, ông Quý lại lập công ty thứ hai chuyên về xây dựng các công trình. Thương trường không đơn giản như ông nghĩ. Tuy có kinh nghiệm nhưng doanh nghiệp của ông chẳng có tiếng tăm gì, lấy đâu ra đối tác. Qua hai lần đổ vỡ, ông Quý chợt nhận ra thương trường tự do khắc nghiệt hơn môi trường kinh doanh trong quân đội mà ông từng nếm trải.

Thêm một năm ngồi nhà nghiền ngẫm chuyện tiền bạc, đúc rút kinh nghiệm qua hai lần đổ vỡ, tháng 7-2001, ông Quý lại thành lập công ty thứ ba với tên gọi Công ty cổ phần Thái Bình Dương. Với một tiêu chí khác, Thái Bình Dương chấp nhận làm "thứ cấp" cho các doanh nghiệp khác. Kinh doanh đa ngành, mỗi lĩnh vực, công ty của ông kiếm thêm chút đỉnh. "Kiến tha lâu đầy tổ", sau ba năm, Thái Bình Dương vượt lên thành một doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực. Có vốn, tích lũy được kinh nghiệm, ông Quý táo bạo "nhảy" vào mảng tài chính với việc mua lại Ngân hàng Tân Việt và thành lập Công ty Chứng khoán Thái Bình Dương. Đúng vào năm kinh tế thế giới khủng hoảng lan tới Việt Nam (2008), ông quyết định bán luôn ngân hàng và công ty chứng khoán, mau chóng thoát ra khỏi "cơn bão" một cách ngoạn mục. Cầm trong tay khoản tiền lớn, một mặt Phan Văn Quý vẫn duy trì mảng bất động sản, một mặt ông tiếp tục mua cổ phần tại các ngân hàng lớn và đầu tư vào dự án công nghiệp. Thực sự trở thành một doanh nhân lớn, được nhận rất nhiều giải thưởng nhưng ông Quý vẫn luôn tâm niệm: "Quan trọng là doanh nghiệp đóng góp gì cho xã hội".

Cùng quan điểm "vừa làm giàu cho mình, vừa làm đẹp cho xã hội", anh Phạm Hồng Điệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Shinec, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hải Phòng lại có ý tưởng chẳng giống ai. Đó là việc xây dựng nhà máy, các khu công nghiệp không có hành lang bê tông, thay vào đó là hàng rào cây xanh. Anh bảo, tiêu chí để một doanh nghiệp vận hành gồm: "Môi trường, xã hội và lợi nhuận. Như vậy, lợi nhuận doanh nghiệp chỉ đứng hàng thứ ba". Nhờ cái tiêu chí tưởng chừng đơn giản ấy, từ một cậu bé phải mò cua, bắt ốc để lấy tiền mua sách bút, Phạm Hồng Điệp đã trở thành một tổng giám đốc năng động, thành đạt và trở thành quán quân trong các cuộc thi viết về sáng kiến phát triển môi trường bền vững. Năm 2001, đúng lúc Đảng, Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển thì công ty thực hiện cổ phần hóa. Phạm Hồng Điệp được bầu làm Chủ tịch HĐQT khi anh vừa bước sang tuổi 35. Cái tên "Điệp Shinec" nổi danh khắp cả nước không phải vì anh nhận được Giải thưởng Sao đỏ mà vì chiến lược nội địa hóa sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp tàu thủy. Trao đổi với phóng viên, anh Điệp phấn khởi khoe: Bảy nhà máy trực thuộc Shinec đều hoạt động theo mô hình "nhẹ khau dễ tát". Chỉ với 500 công nhân nhưng doanh thu bình quân của công ty đạt 850 tỷ đồng/năm, các sản phẩm của công ty ngoài phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu trong nước còn xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật Bản, Singapore...

Doanh nghiệp trăn trở điều gì?

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mặc dù cho đến nay cả nước ta đã có 520-540 nghìn doanh nghiệp đăng ký nhưng thực tế số doanh nghiệp hoạt động chưa nhiều, chất lượng còn yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều khiến các doanh nghiệp trăn trở nhiều nhất đó là việc đề xuất Chính phủ cải cách các thủ tục hành chính. Thực tế là, có không ít doanh nghiệp bị thua lỗ bởi các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo. Trong những năm qua, Chính phủ đã hành động quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn chậm so với thực tế, nhiều văn bản đưa ra mang tính cải cách nhưng vẫn có kẽ hở để "giấy phép con" ra đời. Theo ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội thì: "Tình trạng thiếu vốn hoặc nguồn vốn quá đắt đã và đang là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Thiếu vốn, chạy đua lãi suất, tỷ giá hối đoái... đã làm giảm đi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam". Bên cạnh đó còn có rất nhiều rào cản khác như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống nạn hàng nhái, hàng giả, thiếu lao động có tay nghề và sự yếu kém về cơ sở hạ tầng...

Làm thế nào để doanh nghiệp lớn mạnh, dồi dào sức cạnh tranh? Để trả lời cho câu hỏi này, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới hàng loạt cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế. Đây cũng là điều mà 540 nghìn doanh nghiệp của Việt Nam đang kỳ vọng, trông chờ vào những quyết sách được đưa ra trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: “Bệ phóng” của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.