Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Hiệu quả từ xuất khẩu lao động

Nguyễn Ngọc Tiến| 15/01/2011 06:53

(HNM) - Cả nước hiện có khoảng 50.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại. Từ năm 1999 đến nay, trung bình mỗi năm lao động Việt Nam đã gửi về nước hơn 1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia có thu nhập lớn từ xuất khẩu lao động.

Lao động Việt Nam làm việc tại một doanh nghiệp ở Malaysia.


Tư tưởng đột phá
Cuối những năm 70 và đầu 80 thế kỷ trước, kinh tế Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, sản xuất công nghiệp trì trệ vì thiếu nguyên liệu và kế hoạch do cấp trên giao đã không tạo ra cạnh tranh nên không kích thích được sản xuất. Xã viên các hợp tác xã nông nghiệp làm ăn chểnh mảng vì có làm nhiều thì lương thực được chia cũng không tăng. Nợ nần sau chiến tranh không thể không trả. Lại thêm hai cuộc chiến tranh biên giới khiến nền kinh tế đất nước càng kiệt quệ. Trước tình hình đó, Đảng ta đã chủ trương đưa lao động Việt Nam ra làm việc tại các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu.

Chủ trương là đúng đắn nhưng khi thực hiện lại gặp khó khăn về nhận thức. Không ít người cho rằng chúng ta chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ để xóa bỏ giai cấp bóc lột, đưa người lao động lên làm chủ mà giờ đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm thuê liệu có đi ngược lại mục tiêu xây dựng CNXH? Một số khác lại cho rằng: Chế độ XHCN của chúng ta không có thất nghiệp mà chỉ có người "chưa có việc làm". Và sau đó mọi việc được giải quyết khi không sử dụng cụm từ xuất khẩu lao động mà thay bằng hợp tác lao động với nước ngoài. Hiệp định hợp tác lao động với nước ngoài được ký kết với Liên Xô năm 1980. Và ngay trong năm này, nhiều công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác trên cả nước trong các lĩnh vực: cơ khí, dệt may, da giày... đã lên đường sang các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết làm việc. Đây là bước đột phá khởi đầu tốt đẹp cho các hiệp định cấp nhà nước tiếp theo ký với Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc và Bungari.

 Tính từ năm 1980 đến 1989, Việt Nam đã đưa 244.186 lao động và 23.713 thực tập sinh vừa học vừa lao động sang Liên Xô, Bungari, Tiệp Khắc và Cộng hòa dân chủ Đức... Bên cạnh đưa người đi lao động, Việt Nam cũng đã ký kết về hợp tác chuyên gia trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp… với một số quốc gia châu Phi như Angiêri, Ănggôla, Cônggô... Trong thời kỳ đó tổng cộng đã có 72.000 lượt chuyên gia sang các quốc gia này làm việc với mức lương khá cao. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 1980 đến 1989, ngân sách nhà nước đã thu được khoảng 800 tỷ đồng (theo tỷ giá rúp và tiền đồng Việt Nam) và hơn 300 triệu USD. So với bây giờ thì đó là số tiền không lớn, nhưng vào giai đoạn khó khăn ấy thì đó là khoản tiền không nhỏ, song quan trọng hơn là việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc đã giảm bớt số người thất nghiệp trong nước; người lao động được tiếp cận với công nghệ mới và đặc biệt họ đã gửi về nước một khối lượng hàng hóa tiêu dùng khá lớn, góp phần giúp nhiều gia đình ở Việt Nam cải thiện cuộc sống. Điều này càng ý nghĩa hơn trong lúc Việt Nam đang bị Mỹ và nhiều nước cấm vận kinh tế.

Tuy nhiên năm 1989, nhiều nước Đông Âu có biến động về chính trị dẫn đến sự sụp đổ, vì vậy các nước này không còn nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Sau khi nước Đức thống nhất, những công nhân chưa hết hợp đồng được đền bù để trở về nước. Trước tình hình đó, Đảng đã chủ trương đổi mới cơ chế xuất khẩu lao động và chuyên gia cho phù hợp với tình hình trong nước và thế giới. Không thể ký kết cấp nhà nước về hợp tác lao động như trước vì các doanh nghiệp nước ngoài là doanh nghiệp tư nhân nên ngày 9-11-1991, Chính phủ đã ban hành Nghị định 370/HĐBT về đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Theo nghị định này, Bộ LĐ-TB&XH được cấp giấy phép hoạt động cung ứng lao động và chuyên gia cho nước ngoài. Từ năm 1991 đến 1998, Việt Nam đã có 55 doanh nghiệp nhà nước được cấp phép. Năm 1991 cũng là thời điểm đáng ghi nhớ khi chúng ta sử dụng cụm từ thất nghiệp thay cho "chưa có việc làm" và xuất khẩu lao động thay cho hợp tác lao động.

Thị trường được nhắm đến đầu tiên là một số nước ở Trung Đông, đặc biệt là Irắc. Bên cạnh đó là các quốc gia đang phát triển như Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Côét rất cần công nhân xây dựng. Năm 1992, các hợp đồng xuất khẩu thuyền viên cũng ký kết với Đài Loan, Hàn Quốc. Nhờ đổi mới cơ chế hoạt động xuất khẩu lao động và sự gia tăng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nên số lượng lao động và chuyên gia tăng dần hằng năm. Nếu năm 1991 mới chỉ đưa được 1.022 lao động ra nước ngoài thì đến năm 2000 đã tăng lên 31.000 và năm 2003 là 75.000 người.

Thời kỳ này, với mức thu nhập (kể cả làm thêm) vào khoảng 400 USD/tháng, lao động Việt Nam đã chuyển về nước khoảng 500 triệu USD. Các ngành nghề cũng mở rộng trong đó các công ty còn đưa cả người giúp việc gia đình sang Đài Loan. Nhằm giải quyết những ách tắc và cởi mở hơn trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, ngày 22-9-1998, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 41/CT-TƯ về xuất khẩu lao động và chuyên gia. Theo chỉ thị này, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không bắt người lao động phải ký quỹ quá nhiều.

Giàu lên từ nguồn ngoại lực
Năm 1993, những người đầu tiên ở làng chài Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã tạm biệt gia đình đi làm thuyền viên cho tàu nước ngoài. Và rồi hiệu quả kinh tế của những người mở lối đầu tiên đã thôi thúc dân làng này cho con em đi lao động ở nước ngoài. Từ đó cho đến nay, Cương Gián có tới 6.000 lượt người đi xuất khẩu lao động ở nhiều quốc gia. Nhờ đó mà làng chài nghèo xơ xác trước kia nay đã thay da đổi thịt. Người ta ước tính trung bình số tiền những người đi làm việc ở nước ngoài gửi về hằng năm tới mấy chục tỷ đồng. Cương Gián không chỉ xóa được nghèo mà trở thành xã giàu có của Nghi Xuân.

Những kết quả do xuất khẩu lao động mang lại là rõ ràng và hiệu quả. Thế nhưng làm gì để người dân ở 61 huyện nghèo nhất nước cải thiện được cuộc sống? Những trăn trở của Đảng ta đã được Bộ LĐ-TB&XH cụ thể bằng đề án "Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững tại các huyện nghèo giai đoạn 2009-2015". Dự án được Chính phủ phê duyệt năm 2008, theo đó mục tiêu cụ thể là từ năm 2009 đến 2015 đưa được khoảng 100.000 người ở các huyện này đi làm việc ở nước ngoài. Nhà nước và các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc ít người về học phí đào tạo nghề, giáo dục định hướng, chi phí ăn ở, đi lại trong thời gian học tập và các khoản chi phí thủ tục cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, người lao động và doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi. Đây là chủ trương thứ ba mang tính bước ngoặt của Đảng ta trong công tác xuất khẩu lao động.

Đi làm việc ở nước ngoài không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân và gia đình họ mà còn góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội. Nhờ những số tiền tích cóp, nhiều người trở về nước đã trở thành các nhà đầu tư, gây dựng nên doanh nghiệp, tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Không chỉ có vậy, xuất khẩu lao động còn giúp một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cung cách quản lý hiện đại, rèn luyện tác phong công nghiệp để biến họ thành lao động có chất lượng. Vì vậy xuất khẩu lao động hiện được coi là ngành kinh tế đối ngoại mang lại nhiều lợi ích to lớn cả kinh tế và xã hội, là giải pháp tạo việc làm quan trọng mang tính chiến lược của nước ta mà Đảng đã nhìn ra từ khi kinh tế nước nhà còn khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Hiệu quả từ xuất khẩu lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.