Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 7: Chủ trương đúng, chính sách kịp thời

Dục Tú| 18/01/2011 07:12

(HNM) -Tháng 7 năm 1998, tại Hội nghị lần thứ 5 (khóa VIII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Kể từ đó đến nay, càng lúc càng thấy rõ một chủ trương đúng, hợp lòng dân, có tính chất quyết định thành quả phát triển văn hóa dân tộc trong hơn chục năm qua và chắc chắn là cả sau này.

Bia đá tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Ảnh: Nguyệt Ánh

Một cú hích thật sự
Ở tầm chiến lược, sau Đề cương văn hóa năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, vạch rõ nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam với những tính chất cơ bản là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) được coi là văn kiện chuyên đề về văn hóa thứ hai của Đảng, mang ý nghĩa vạch chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH trong xu thế hội nhập.

Những năm 1998-2000 đời sống văn hóa không như bây giờ. Về huyện Hải Hậu (Nam Định) lúc ấy, tiếng là “lá cờ đầu”, đang chuẩn bị tổng kết 20 năm mô hình văn hóa cấp huyện nhưng trong số những điều mà Hải Hậu đem ra “khoe” với khách, nổi nhất vẫn là xây dựng thiết chế văn hóa. Người Hải Hậu tự hào có xã xây được “những hai nhà văn hóa”, nhà văn hóa huyện đủ chỗ cho bảy, tám trăm khách xem văn nghệ… Ấy vậy nhưng chăm chút cho thiết chế, dồn công của xây nhà văn hóa xong rồi mới giật mình không biết lấy gì “bỏ” vào đó. Nhà văn hóa lành lạnh, ghế bàn phủ bụi, tự “khai” cái sự “đỏ đèn” phập phù chứ không như đầu năm 2011 này cả huyện có tới gần 500 đội văn nghệ với hàng nghìn diễn viên đủ khả năng tự biên tự diễn. Hải Hậu là “lá cờ đầu”, được ngành văn hóa chăm chút nhiều mà còn thế, nói gì miền núi, vùng sâu ở Lai Châu, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị…

Cách nay 15-20 năm, ngay cả Hà Nội cũng chưa hẳn định hình được mô hình phát triển văn hóa hợp lý, hợp thời. Bắt đầu hội nhập rồi mà khả năng đề kháng của văn hóa Thủ đô vẫn cho thấy điều đáng ngại. Dân đã quen xem phim Tây được nhiều năm mà hệ thống phát hành không đáp ứng nổi, phó thác họ cho đầu nậu phim “đen” thỏa sức nhồi nhét đủ thứ sản phẩm nghe - nhìn hỗn tạp. Rạp chiếu bóng, trung tâm biểu diễn thành chỗ giới thiệu ô tô, sàn nhảy, quán bia, nhiều người “đói” chương trình biểu diễn chất lượng, bỏ sang làm quen rồi chịu ảnh hưởng nhất định bởi những “Thúy Nga Paris by night” lúc nào không biết.

Nhìn ra tỉnh, thành phố khác, thấy rất rõ sự khác đáng kể so với bây giờ. Cách Hà Nội hơn chục cây số mà nhiều người vẫn theo hủ tục khi tổ chức tang ma, cưới hỏi, nghèo nhưng sẵn sàng nhận nợ làm cỗ hàng trăm mâm. Hội làng, hội tỉnh nhiều nơi chẳng ra truyền thống, chẳng giống hiện đại, cũng chỉ bởi cách thức tổ chức nhuốm màu “thương mại hóa”. Văn hóa địa phương giàu sức sống, ở trong dân nhưng không có điều kiện bật lên được bởi sự trợ giúp của cơ quan quản lý văn hóa có hạn... Thời trước Đổi mới, kinh tế còn khó, vật thể dễ thấy hơn phi vật thể, nhỡ có xuống cấp thì cũng dễ được tu bổ, chứ cái thứ dù quý nhưng không “cầm nắm” được thì chỉ trông nhờ vào sự yêu quý của nhân dân để mà tồn tại. Ca trù lay lắt, cồng chiêng “xìu” dần, không có được sự trường thịnh như những thứ không kén người nghe như quan họ, chèo. Cái sự ấy tồn tại một thời gian dài cũng một phần bởi cách thức quản lý văn hóa chưa đều tay, quy hoạch ngành còn chưa được nghĩ đâu ra đấy…

Bởi vậy, lúc đó đặt ra vấn đề xây dựng một nền văn hóa giàu bản sắc là phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang vận động trong xu hướng hội nhập; bản sắc văn hóa, với những đặc tính dân tộc nổi bật, bảo đảm cho sự khẳng định nét riêng, nét đặc thù, “hội nhập mà không hòa tan”. Tại Việt Nam, các chuyên gia văn hóa cho rằng khái niệm bản sắc văn hóa đã được sử dụng rộng rãi trong “Thập kỷ phát triển văn hóa” do Chính phủ và UNESCO phát động trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến 1997, nhưng chỉ khi Nghị quyết Trung ương 5 được ban hành thì khái niệm này mới trở thành nền tảng cho công tác hoạch định chính sách về văn hóa.

Chỉ sau hai tháng kể từ khi Nghị quyết được ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký thông qua văn bản số 1109/CP-VX ngày 15-9-1998 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Chương trình hành động của Chính phủ tập trung vào ba nhóm vấn đề quan trọng. Thứ nhất, tổ chức quán triệt, tuyên truyền về Nghị quyết Trung ương 5 và triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên phạm vi cả nước. Thứ hai, xây dựng các đề án phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, thông tin. Thứ ba, xây dựng luật pháp và cơ chế chính sách. Nguyên tắc để xây dựng Chương trình hành động là bám sát phương hướng chung, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn đã được trình bày trong nghị quyết; quán triệt các yêu cầu cơ bản, lâu dài, nhưng trước mắt tập trung cho nhiệm vụ cấp bách và chỉ đưa vào chương trình những nhiệm vụ có tính bao quát, liên ngành, có tính khả thi cao…

Sau khi Chương trình hành động được thông qua, vào năm 2000, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chính thức được phát động tại Quảng Nam. Rồi Luật Di sản văn hóa, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Xuất bản (sửa đổi), Luật Điện ảnh, Pháp lệnh Quảng cáo… được ban hành. Đó là những thành quả đầu tiên, cơ bản có được sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) ra đời. Một cú hích thật sự!

Bồi đắp bản sắc dân tộc
Di sản văn hóa truyền thống là phần hồn cốt tạo nên bản sắc. Tuy thế, các chuyên gia nói rằng bản sắc văn hóa dân tộc, dù là được trưng cất, chắt lọc qua ngàn đời đi nữa thì cũng không phải là bất biến. Bản sắc văn hóa là khái niệm có tính động, biết tiếp nhận sự bổ sung. Bởi thế mà cách định hướng phát triển, tổ chức quản lý cũng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Nói về điều này lại thấy Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) rõ tính dẫn đường. Sau Nghị quyết, dễ nhớ là Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành một loạt chỉ thị, bao hàm định hướng tổ chức việc tang, việc cưới, tổ chức lễ hội theo lối văn minh đến nâng cao chất lượng công tác xuất bản trong tình hình mới, lý luận phê bình văn học nghệ thuật… Tất cả đều cần thiết và như những mảnh lớn ghép lại thành đường hướng phát triển văn hóa, bồi đắp bản sắc dân tộc.

 Những chủ trương, quyết sách của Đảng, Chính phủ lúc đó đã tạo điều kiện cho ngành, địa phương chủ động thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo cách thức phù hợp với điều kiện cụ thể. Ở Hà Nội, quãng giữa năm 2000, ngành văn hóa bắt đầu “tổng động viên” cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hội thảo, hội nghị, “khảo” đến từng tổ dân phố, khu dân cư, phương châm là “vào tận ngõ, gõ từng nhà”. Liên ngành vào cuộc, mỗi ngành một sáng kiến xây dựng con người thanh lịch, văn minh, giữ phố phường sạch đẹp. Việc nhỏ, việc to, phong trào chung giúp nâng cao ý thức cá nhân, tập thể, áp vào những nhiệm vụ khác rất thuận. Hà Nội bắt tay bảo tồn di sản rất ngọt, ưu tiên những việc khả thi, thận trọng theo lộ trình với những chương trình khó, đòi hỏi sự dài hơi như bảo tồn Khu di tích Cổ Loa, Thành cổ Hà Nội, nhưng cũng lại quyết đoán với những gì đáng dốc sức để tạo điểm nhấn, như đã thấy khi làm hồ sơ đề nghị xét công nhận di sản thế giới cho Hội Gióng, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Bia đá tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Việc tang, việc cưới, tổ chức lễ hội ngày càng có nề nếp, tiếp cận đến chuẩn văn minh…

Trên bình diện chung, kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII), Văn hóa Việt Nam có được sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu, gặp thách thức mà vẫn giữ được bản sắc. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, nhã nhạc cung đình Huế… trở thành di sản thế giới. Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Vịnh Hạ Long được công nhận giá trị ở cấp độ thế giới. Những điểm sáng văn hóa giúp thúc đẩy du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, mời gọi hợp tác cùng phát triển.

Nói thế đồng nghĩa với ghi nhận sự định hướng đúng đắn của Đảng, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 7: Chủ trương đúng, chính sách kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.