Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nuôi lợn từ tận thu cơm, phở thừa

Đức Hải| 31/05/2011 16:40

(HNMO) - Cuộc sống thường nhật có rất nhiều công việc để mưu sinh. Trong số những công việc đó, có thể kể đến một nghề khá đặc biệt, đó là nghề tận thu cơm, phở, thức ăn thừa để phát triển chăn nuôi.

Một nghề không hề dễ ăn

Khoảng 20 năm trở lại đây, ở những làng quê ven đô Hà Nội, hình ảnh những người dân đi xe đạp hoặc xe máy, đằng sau đèo thêm 2- 3 thùng nhựa, phi nhựa chở cơm, phở, thức ăn thừa từ nội thành về nuôi lợn đã quá đỗi quen thuộc. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể có bao nhiêu người và ở những làng quê nào tham gia vào công việc này, nhưng trên thực tế, hằng ngày từ sáng tinh mơ cho đến mờ tối, thậm chí cả ban đêm, hoà trong dòng người đổ về nội thành, ta vẫn bắt gặp những hình ảnh quen thuộc đó.

Hình ảnh quen thuộc của những người đi thu gom cơm, phở thừa về để chăn nuôi.


Để có được tư liệu viết bài này, chúng tôi đã tìm về xã Hữu Hoà (Thanh Trì, Hà Nội) là một trong những vùng quê ven đô có khá đông người dân tham gia vào công việc tận thu thức ăn, cơm, phở thừa tại các quán, hàng, khu tập thể trong nội thành về chăn nuôi lợn. Bác Nguyễn Văn Hiên, một người có thâm niên hơn chục năm trong nghề này, bộc bạch: “Thời gian đầu để có mối “lấy” cơm, phở, thức ăn thừa về nuôi lợn, tôi phải mất cả tháng trời để mầy mò tìm “mối” các quán, hàng nhằm đặt mua. Nghề này cũng vất vả lắm! Dù trời nắng hay mưa, nóng bức hay giá rét, ngày nào cũng như ngày nào, tôi và vợ tôi vẫn đều đặn thay phiên nhau đi thu, gom thức ăn thừa của các quán, hàng về để chăn nuôi, bởi nếu nghỉ 1- 2 ngày thì lợn chết đói”. Bác Hiên cho biết thêm, nghề này cũng phải “cạnh tranh” khá khốc liệt, bởi càng ngày số người chăn nuôi đi thu, mua thức ăn thừa càng nhiều, nếu không khéo là mất “mối” ngay. “Để giữ “mối”, ngoài tiền trả cho chủ quán cơm, phở, vợ chồng tôi còn phải dành thời gian để phụ giúp chủ quán những việc lặt vặt như mài dao, nhặt rau, lau bàn ghế…”- bác Hiên tâm sự.

Cũng giống như bác Hiên, nhiều người tham gia nghề thu mua cơm, phở, thức ăn thừa để chăn nuôi lợn ở xã Hữu Hoà đều có chung tâm sự như vậy. Theo họ, chủ các quán cơm, phở, nhà hàng cũng có nhiều dạng. Gặp người tử tế, đứng đắn, đàng hoàng thì không sao, chứ gặp mấy vị “sấp ngửa”, tính tình “sớm nắng, chiều mưa” thì quả là cực hình. Không ít trường hợp người chăn nuôi khóc dở, mếu dở vì chủ quán cơm, phở “leo thang” giá bán liên tục với lý do điện tăng, xăng tăng, đồng tiền mất giá. Bà Nguyễn Thị Toan ở thôn Phú Diễn, xã Hữu Hoà cho biết: Gặp những trường hợp như vậy, nếu chấp nhận giá mua quá đắt đỏ thì coi như người chăn nuôi lỗ, còn nếu không chấp nhận thì không thể một sớm, một chiều tìm được quán, hàng khác để thu mua thức ăn thừa cho lợn…

Trên thực tế, trong “đội quân” chở cơm, phở, thức ăn thừa về để nuôi lợn không phải ai cũng biết đi xe máy (đa phần là nữ trung niên), bởi thế họ đành phải chấp nhận kẽo kẹt đạp xe đạp lai thồ 2- 3 thùng (nặng đến 100 kg) trên quãng đường mười đến mười lăm kilômét.

Góp phần xoá nghèo

Trước đây, khi kinh tế chưa phát triển, hầu hết các gia đình ở nông thôn đều chăn nuôi lợn và mang tính chất nhỏ lẻ. Bình quân mỗi hộ nuôi 1- 2 con trong chuồng nhằm tận dụng nguồn thức ăn thừa của gia đình trong sinh hoạt hằng ngày hay cám từ xay xát thóc gạo và rau, bèo trồng, thả quanh nhà. Kinh tế phát triển đã thúc đẩy ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn phát triển theo. Tuy nhiên, không phải gia đình nào ở nông thôn cũng có điều kiện để phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Bởi vậy, những hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ 5- 7 con lợn/lứa vẫn còn. Trong khi đó, tại khu vực nội thành các dịch vụ ăn uống phát triển ngày càng mạnh. Lượng thức ăn thừa thãi tại các nhà hàng, khách sạn, quán cơm, phở bình dân trong nội thành rất lớn. Đây chính là điều kiện để người dân tại các vùng ven đô vốn năng động, chăm chỉ và chịu khó nghĩ đến công việc tận thu thức ăn thừa để phục vụ chăn nuôi lợn. Với không ít người, việc tận thu thức ăn thừa để chăn nuôi là việc làm đầy ý nghĩa vì không để phí “ngọc thực”.

Nuôi lợn bằng nguồn thức ăn cơm, phở thừa luôn đảm bảo có lãi


Tại nhiều làng quê ven đô, không ít gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng nhờ nuôi lợn với nguồn thức ăn tận thu từ cơm, phở thừa, sau một vài năm đã trở thành khấm khá. Gia đình bà Nguyễn Thị Hoà ở thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) là một ví dụ. Bà Hoà tâm sự: “Cách đây gần 20 năm hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Chồng tôi luôn bệnh tật, ốm đau, trong khi đó 3 đứa con đang trong độ tuổi ăn học. Thu nhập chính của gia đình lại chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán. Hồi đó, nhà tôi cũng nuôi lợn, nhưng chỉ nuôi 1- 2 con/lứa để tận dụng cám bã xay xát gạo và rau bèo trong vườn. Đang trong lúc bí bách, thấy một số người trong làng đi thu mua cơm, phở, thức ăn thừa ở các quán xá ngoài Hà Nội về chăn nuôi, tôi đánh bạo đi theo. Cùng với thời gian, càng ngày tôi càng quen nhiều quán, hàng nên lượng thức ăn thu mua được cũng nhiều lên và vì thế số lợn nuôi mỗi lứa cũng tăng dần, từ 3- 4 con lên hơn chục con và số lứa mỗi năm cũng tăng theo, từ 2 lên thành 3- 4 lứa/năm. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi đã được cải thiện”. Được biết, thời gian đầu bà Hoà cũng đi xe đạp để thu mua cơm, phở thừa nhưng sau khoảng vài năm chắt chiu, dành dụm từ nuôi lợn, bà đã mua xe máy để nâng cao năng suất lai thồ và đỡ vất vả hơn. Đến nay, gia đình bà đã có cả một trang trại chăn nuôi lợn, với hàng chục đầu lợn/lứa. Bên cạnh thức ăn chăn nuôi công nghiệp, bà và các con trong nhà vẫn tận thu cơm, phở thừa để nuôi lợn. Theo bà Hoà, nuôi lợn từ nguồn thức ăn cơm, phở thừa có giá thành rẻ hơn, người nuôi sẽ có lãi nhiều hơn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp…

Nhiều người ở xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) vẫn nhắc đến cái tên Nguyễn Tiến Thu vì vài năm trước, gia đình anh mua cả ô tô bán tải để chuyên chở cơm, phở, thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn ở nội thành về để chăn nuôi lợn. Anh Thu cho biết, chăn nuôi lợn bằng việc tận thu cơm, phở thừa không phải chịu nhiều sức ép từ giá thức ăn chăn nuôi tăng, bởi vậy luôn đảm bảo có lãi cho người chăn nuôi. Theo anh Thu, duy chỉ có hạn chế là số lượng lợn nuôi không được nhiều như nuôi bằng cám công nghiệp. Tuy nhiên, với những gia đình nông thôn chăn nuôi lợn với quy mô 1- 2 chục con/lứa thì việc nuôi bằng cơm, phở, thức ăn thừa vẫn là sự lựa chọn tối ưu. Có lẽ vì thế, đến nay, nhiều gia đình ở các làng ven đô vẫn coi việc thu mua cơm, phở, thức ăn thừa để chăn nuôi lợn là một nghề giúp kinh tế gia đình khá giả hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi lợn từ tận thu cơm, phở thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.