Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vị thành hoàng Cách mạng

Nguyễn Ngọc Tiến| 02/09/2011 08:23

(HNM) - Hơn nửa thế kỷ nay, người dân làng Thúy Lạc, xã Nam Phú (huyện Tiền Hải, Thái Bình) đã lập bia đá ghi tạc công ơn nhà cách mạng Nguyễn Tạo, người có công di dân lập ra làng Thúy Lạc.


Người lập làng Thúy Lạc


Đình làng Thúy Lạc.

Những năm 30 thế kỷ trước, làng Thúy Bông, An Lạc của xã Hưng Nhân (nay thuộc huyện Hưng Hà) nằm ở ngã ba, nơi chia lưu của sông Hồng thành hai nhánh sông Luộc và sông Trà Lý, đã bị sóng đánh làm xói lở, đất canh tác ngày càng hẹp. Cụ Vườn, năm nay 81 tuổi, khi đó còn bé đã theo cha mẹ lên thuyền đến Thúy Lạc, kể rằng "nhiều nhà trong làng chỉ còn vài trượng đất chân đê, thiếu đất canh tác nên cuộc sống cơ cực, hầu hết phải đi làm thuê làm mướn. Đúng lúc "đất lở, dân tàn" thì Nguyễn Tạo khi đó đang hoạt động bí mật ở Nam Định, Thái Bình đến Hưng Nhân, được biết cảnh khốn cùng của Thúy Bông, An Lạc đã đóng giả làm tri phủ, dẫn hai lý trưởng là Trần Tiến Địch, Trần Nguyên Tín và hai người khác Trần Xuân Sinh, Trần Ba Thọ và Phạm Thế Ri người xã Thượng Anh (nay là Thượng An) đến vùng đất mới Tiền Hải, cách Hưng Nhân gần 80 cây số. Chọn một gò đất cao giáp biển, Nguyễn Tạo bổ nhát cuốc, cắm đất cho dân và chọn gò cao nhất để sau khi dân đến sẽ dựng đình. Khi 5 người trở về quê chuẩn bị cho cuộc ra đi thì Nguyễn Tạo gặp quan huyện Tiền Hải đề nghị huy động dân trong vùng đóng góp tiền của, công sức dựng nhà lá, mua dao cuốc và một con trâu cho dân mới đến có công cụ làm ăn. Nguyễn Tạo cũng đã đong gạo để cấp phát cho họ. Hơn một chục hộ từ Thúy Bông và An Lạc theo đường sông và đường bộ đến nơi đã có sẵn nhà để ở, được cấp gạo ăn trong 6 tháng. Nguyễn Tạo còn vạch đường chính, đường phụ (tiếng địa phương gọi là đường giong) để hộ đến sau cứ bám theo đường giong mà làm nhà. Cái tên Thúy Lạc bây giờ là lấy chữ đầu của làng Thúy Bông và chữ cuối của làng An Lạc. Thúy Lạc ngày ấy xung quanh là lau sậy, cói, khi nước thủy triều lên chia cắt các nhà. Và Thúy Lạc bắt đầu cuộc sống mới từ đó. Xong công việc di dân lập ấp, người làng không thấy "quan" Nguyễn Tạo đâu nữa. Họ có biết đâu là khi vào Thanh Hóa, Nguyễn Tạo đã bị thực dân Pháp bắt rồi bỏ tù.

Đôi điều về nhà cách mạng Nguyễn Tạo

Nguyễn Tạo sinh năm 1905 ở làng Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có nghề thuốc. Cụ thân sinh là Nguyễn Trọng Tấn, người rất giỏi về Đông y được mệnh danh là "ông tiên thuốc Nam", từng được vời vào kinh chữa bệnh cho Hoàng tộc nhà Nguyễn. Năm 1923, sau khi tiễn bạn là Hoàng Xuân Hãn ra Hà Nội học, Nguyễn Tạo cũng trốn nhà đi hoạt động. Từ đó đến năm 1930, ông hoạt động chủ yếu ở Hà Nội. Trong cuốn "Những chiến sỹ cộng sản ưu tú và cơ sở cách mạng ở Hà Nội" (do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ấn hành) có nhắc nhiều đến ông trong thời kỳ dựng Đảng. "Tại số 5, Ô Chợ Dừa (nay là 304 Tôn Đức Thắng), anh Nguyễn Tạo hầu như ăn ở thường xuyên. Đây là nơi qua lại của các đảng viên Tân Việt (trong đó có các ông Lê Duẩn, Ngô Đình Mẫn, Nguyễn Tuân Thức, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Mai, Vũ Đức Diệu)…". Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, năm 1929, ông ra Hà Nội tìm gặp Nguyễn Tạo (lúc đó phụ trách Kỳ bộ Tân Việt Cách mạng đảng), bàn chuyện chuyển Tân Việt thành một tổ chức cộng sản trong khi có một nhóm muốn bỏ Tân Việt thành lập đảng mới với tôn chỉ, mục đích khác. Nguyễn Tạo đã đồng ý và thống nhất lấy tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1 trong 3 đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam). Khi sáp nhập, Nguyễn Tạo trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ ngày đầu thành lập. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành cho Nguyễn Tạo một tình cảm thân thiết và kính trọng.

Trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, ông ra sức đi xây dựng cơ sở ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Ông đã thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của Phúc Yên (tại đồn điền Đa Phúc nay là thôn Tân Yên, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vào đầu năm 1933.

Ngày 31-3-1931, bị bắt tại Hải Phòng, ông bị kết án 20 năm tù và giam tại Hỏa Lò. Cùng với Nguyễn Lương Bằng, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển và Võ Duy Cương, ông bàn mưu, tính kế vượt ngục. Mỗi người nghĩ ra một căn bệnh hiểm nghèo để địch cho nằm viện và dự tính trên đường chuyển từ Hỏa Lò sang Bệnh viện Phủ Doãn sẽ tấn công đám lính rồi tẩu thoát. Tuy nhiên, kế đó không thành. Nằm ở Phủ Doãn, em gái ông biết tin xin vào thăm. Và ông đã nhờ người em mang cho ông lưỡi cưa sắt. Sau nhiều ngày cưa chấn song sắt, 7 người chui ra phố Quán Sứ vào đúng đêm Noel 1932. Rất tiếc là 3 đồng chí đã bị địch bắt lại. Vụ vượt Hỏa Lò đó trở thành nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Tạo được cử làm Giám đốc Công an Nam bộ. Lợi dụng tình hình rối ren, các phe phái phản động muốn lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Nhận rõ âm mưu của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gọi ông ra Hà Nội và giao làm Trưởng nha Điệp báo Công an Trung ương. Trên cương vị này, ông đã phát hiện ra âm mưu của thực dân Pháp cấu kết với bọn Đại Việt, tiến hành đảo chính chính quyền cách mạng đúng vào ngày Quốc khánh Pháp 14-7-1946. Dù chưa có chứng cứ cụ thể, chưa có lệnh của trên nhưng ông quyết đánh. Sau khi báo cáo Võ Nguyên Giáp, ông cùng Lê Giản (Giám đốc Nha Công an Bắc bộ), Nguyễn Tuấn Thức (Giám đốc Công an Hà Nội) cho đột nhập bí mật vào cơ sở in số 132 phố Duvigneau (nay là Bùi Thị Xuân) để kiểm chứng nguồn tin bọn phản động đã in tài liệu. Sau khi đã chắc chắn, mờ sáng ngày 12-7, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Tạo, Lê Giản, các chiến sỹ an ninh đã xông vào trụ sở của Việt Nam Quốc dân đảng ở số 7 Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều). Trước chứng cứ rành rành là hàng đống truyền đơn, hiệu triệu lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh chưa kịp tẩu tán cùng nhiều súng ống, lựu đạn… chúng phải nhận tội. Và ngày 12-7 đã trở thành Ngày truyền thống của Lực lượng An ninh Việt Nam.

Năm 1960, Bộ Nông Lâm được chia tách ra làm nhiều bộ và cơ quan ngang bộ, ông Tạo được phân công làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Năm 1962, khi nghe Cục trưởng Cục Điều tra rừng Hoàng Điển báo cáo khu vực nằm giữa ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa có rừng quý và lạ. Ông vào tận nơi khảo sát, sau đó đề nghị thành lập khu vực này thành vườn quốc gia để bảo tồn phục vụ cho công tác nghiên cứu. Đó chính là Vườn Quốc gia Cúc Phương ngày nay. Trước tình trạng rừng bị chặt phá bừa bãi, ông kiên quyết cho thành lập lực lượng kiểm lâm mặc lời ra tiếng vào "rừng cần gì công an". Tình yêu của ông với rừng, nhà thơ Huy Cận đã tặng ông 4 câu:

Có cây nên mới có rừng
Như cây Nguyễn Tạo là cây anh hùng
Giữ non, giữ nước giữ rừng
Xói mòn sao được đất Hùng vua xưa


Ông cũng được người trong ngành lâm nghiệp một thời biết đến chuyện xe Volga hỏng, ông yêu cầu lái xe chở gỗ lúc đó đang đỗ ở sân tổng cục chở lên họp Hội đồng Chính phủ. Cũng rất ít người biết ông là hội viên Hội Nhà văn lớp đầu tiên khi hội mới thành lập.

"Dân tinh lắm, họ biết ai đáng thờ"

Từ lâu, làng Thúy Lạc đã lập bia đá ghi nhớ công ơn của Nguyễn Tạo. Do không biết ông còn sống hay đã mất nên không đưa vào đình. Đình Thúy Lạc ban đầu chỉ là đất và lợp lá (tiếng địa phương gọi là bổi). Cho đến năm 1939, làng mới xây bằng gạch đốt rơm (loại gạch có bản mỏng). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Thúy Lạc bị máy bay Mỹ ném bom, bị Mỹ bắn pháo từ biển vào vì có cột hải đăng ngay cạnh. Đất nước thống nhất nhưng cuộc sống của dân làng vẫn khó khăn. Năm 2005, tấm bia cũ không còn đọc rõ chữ nên dân làng dựng tấm bia mới. Theo năm tháng, ngôi đình cũng xập xệ, xuống cấp, dân làng có nguyện vọng dựng lại đình và nhờ sự đóng góp tiền bạc, công sức của người dân, lại thêm các nhà hảo tâm giúp đỡ nên ngôi đình mới đã hoàn thành. Có nơi thờ đàng hoàng, lại biết thông tin Nguyễn Tạo là nhà cách mạng, mộ chí ở Nghĩa trang Mai Dịch nên làng cử người đi tìm gia đình ông. Để thuận việc, chi bộ thôn đã họp, sau đó báo cáo lên Đảng ủy xã. Rồi xã lại báo cáo lên huyện, huyện lại báo cáo lên tỉnh. Được chấp thuận "không văn bản" thế là làng cho người đến gia đình ông xin rước chân hương về thờ.

Mọi việc diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, lại có thêm đội kèn của làng Công giáo bên cạnh tham gia với bản nhạc "Vì nhân dân quên mình". Thật suôn sẻ. Cụ Trần Tiến Thạc bảo: "Uống nước nhớ nguồn, không có cụ Tạo sao có Thúy Lạc hôm nay? Đưa được cụ về đình thờ có nhắm mắt tôi cũng yên lòng". Còn cụ Vườn bộc bạch chân thành "Dân tinh lắm, họ biết ai đáng thờ ".

Thúy Lạc hôm nay tuy chưa phải là làng giàu có nhưng 100% đường làng được bê tông hóa, nhà nào cũng mái bằng, không còn hộ thiếu ăn. Tất cả những người Thúy Lạc mà tôi tiếp xúc đều lạc quan về tương lai của làng. Tôi thấy họ lạc quan có cơ sở, bởi họ chăm chỉ làm ăn và sống rất nhân hậu, có trước, có sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị thành hoàng Cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.