Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi chợ Giời mà xót tiền

Xuân Phong| 27/09/2011 06:56

(HNM) - Chợ Giời vốn có tên thật là chợ Hòa Bình, nhưng có lẽ vì ở đây người ta chuyên buôn bán đủ các mặt hàng cả cũ lẫn mới "trên trời, dưới biển", từ tivi, cassette, phụ tùng xe máy, ô tô, xe đạp… đến sợi dây điện, cái công tắc, con ốc bé tí tẹo… dễ có đến hàng nghìn, hàng vạn loại sản phẩm phơi chình ình giữa trời nên người ta quen gọi là chợ Giời.


Các "thượng đế" dễ trở thành… gà mờ

Chợ Giời thuộc phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội). Người già bảo: "Không biết chợ có tên "Giời" tự bao giờ"! Chỉ biết rằng, nó đã tồn tại ở khu vực này nhiều năm qua". Nhưng xem ra, dân ăn chơi còn nắm rõ "lai lịch trích ngang" chợ Giời hơn so với người già: "Chợ Giời (chợ Hòa Bình) có từ xa xưa, nhưng đến thời bao cấp, một số người không có công ăn, việc làm, mới tụ tập bán hàng ở đây, dần dà phát triển thành chợ. Kể từ đó, chợ Giời quen và cần đến nỗi, dù là bất hợp lý nhưng người Hà Nội vẫn chấp nhận nó như là một tất yếu của cuộc sống. 

Một quầy hàng với lỉnh kỉnh hàng trăm thứ cũ, mới phục vụ nhu cầu của khách.


Những người buôn bán lâu năm ở chợ Giời cho biết, cách đây hơn 10 năm, chợ Giời khét tiếng là địa điểm kinh doanh phức tạp nhất của thành phố. Dân tứ xứ: những kẻ lưu manh, trộm cắp, lừa đảo… đều tụ tập ở đây, sẵn sàng chầu chực và đôi khi "nuốt sống" những con mồi béo bở (cả người bán lẫn người mua). Cánh "ngú ngớ ù ờ" ở quê ra, mang theo máy móc, vật dụng hay đại loại thứ sản phẩm nào với ý định bán, hiếm ai không bị các chủ hàng bắt chẹt, bị ép bán giá rẻ mạt, bị lừa lọc…; ngược lại người mua, do ham đồ rẻ, lại không sành sỏi, chẳng biết mô tê gì nên dễ bị lừa như bỡn. Vớ được khách "sộp", thì không chỉ kẻ lưu manh, mà ngay cả những người bán hàng (vốn dĩ đều lanh lợi) cũng ra sức lừa bịp bằng cách "bán đồ rởm lấy tiền thật" và "mua đồ thật trả tiền… rởm"!

Anh Khương bạn tôi kể lại, dạo đó, anh tấp tểnh từ Hòa Bình ra Hà Nội tìm mua một cái máy bơm cũ. Anh đã phải cẩn trọng đến mức nhờ cả người quen ở Hà Nội dẫn đến chợ. Thấy hai gã "lưng đơn cánh mỏng" lớ ngớ ậm ờ, cánh chủ cửa hàng bán máy bơm cũ tranh nhau mời mọc, đưa đẩy. Vốn đã được nghe nhiều chuyện "kinh dị" về chợ Giời, hai anh không "lượn lờ" nhiều mà rẽ ngay vào một cửa hàng bày la liệt máy bơm cả cũ lẫn mới để tránh sự dòm ngó của kẻ gian. Cửa hàng khá đông khách. Có một chiếc máy bơm cũ của Liên Xô (trước đây), trông còn khá bắt mắt đang được mấy người khách xúm vào trả giá. Chủ hàng nhất định không bán. Thấy vậy, anh Khương liền mạnh dạn trả giá cao hơn hẳn so với mấy người kia. Chỉ chờ có thế, ông chủ hàng liền khoát tay, cất giọng vẻ đon đả: "Dễ ai cũng như quan bác thì có phải thuận mua vừa bán với nhau không, đằng này họ (chỉ đám khách mà cả giá trước đó) lại cứ chắc lép mất cả thì giờ. Tôi bán cho quan bác vả cũng để… giải vía". Ai dè, chiếc máy bơm mang về, dùng được vài hôm thì phải vứt bỏ. Về sau, anh Khương mới vỡ lẽ, chiếc máy được chủ hàng tân trang lại cho bóng bẩy để hét giá cao. Còn những vị khách đã trả giá trước đó chỉ là "hệ thống cò mồi" - chuyên đóng giả khách hàng đi mặc cả để làm "lóa mắt" những "thượng đế" gà mờ.

Dẫu sao thì cái sự ấy vẫn còn là may chán, chứ có những người còn bị móc túi mất sạch tiền, hoặc không mua được hàng còn bị mắng chửi thậm tệ, có khi bị đánh…

Đồng tiền… nhảy múa

Chợ Giời bây giờ trở nên khá đa dạng và phong phú - pha thêm chút lịch sự, với những quầy hàng bằng tre nứa, phủ bạt ni lông. Mỗi hộ kinh doanh một khoang, tối đến thì cất hàng vào những chiếc hòm để ngay tại chợ. Sáng hôm sau lại dọn ra.

Ban quản lý chợ cùng lực lượng công an, bảo vệ đã góp phần đắc lực trong việc mang lại sự an toàn khả dĩ cho cả chủ hàng lẫn khách hàng. Hiện tượng móc túi, trộm cắp, cướp giật dường như không mấy xảy ra. Tuy nhiên, việc mua bán những loại hàng hóa bị đánh cắp thì đang còn là vấn đề gây bức xúc. Chỉ cách đây mấy hôm, anh Nguyễn Văn Lan ở phố Nghĩa Tân, dựng chiếc xe máy trị giá hàng trăm triệu đồng trước cửa nhà, do sơ suất đã bị kẻ gian "xoáy" mất biển số xe. Mấy hôm sau, anh Lan ra chợ Giời, đã tìm lại được chính biển số xe của mình và phải mua lại với giá cắt cổ gần một triệu bạc.

Mặc dù vẫn còn hiện tượng mua bán đồ ăn cắp nhưng hiện nay, hầu hết các chủ hàng không dám làm ăn tùy tiện như trước đây mà phải lấy chữ tín làm đầu. Bởi vậy, khách hàng chỉ cần chọn cho mình một cửa hàng quen để lần sau có thể tiếp tục đến mua hàng mà không lo bị lừa. Song, mánh khóe buôn bán thì ít ai lường trước được, nhất là đối với loại hàng hóa, đồ dùng cũ. Hầu như người tiêu dùng rất khó đoán định được chất lượng thật của chúng nên vẫn có không ít người mua phải hàng kém chất lượng, hàng rởm, hàng giả (bề ngoài được tân trang mẫu mã đẹp, bóng bẩy). Theo Ban quản lý chợ, hiện chợ Giời có trên 500 hộ đăng ký kinh doanh buôn bán chính thức, nhưng cũng còn tới hàng trăm hộ khác tiện đâu ngồi đó, buôn bán trốn thuế…

Một chủ cửa hàng bán đồ điện tử có tên Khánh ở chợ Giời cho hay, đối với hàng điện tử, anh thường phải xuống tận Hải Phòng, Quảng Ninh để mua hàng cũ nhập lậu về Việt Nam (chủ yếu là hàng từ Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc…). Theo anh Khánh, buôn đồ này có khi một vốn bốn lời. Chẳng hạn, một chiếc tivi cũ hiệu Toshiba của Nhật, mua ở Hải Phòng, chỉ có giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng, đưa về chợ Giời tân trang lại chỉ mất chưa đầy 100.000 đồng, cánh chủ đã có thể bán với giá 1 - 1,2 triệu đồng; gặp được khách lớ ngớ có khi "chém" đến triệu rưởi. Do đó, đồ dùng mua về từ chợ Giời có thể nói hầu hết chưa chắc đã là nguyên bản mà phần lớn dưới dạng "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Nguyễn Giang, cậu em kết nghĩa với tôi ở Hoài Đức (Hà Nội), hằng ngày thường theo đám chủ buôn đồ điện tử tivi cũ la cà tới lui chợ Giời, đã tiết lộ: "Chỉ những tay "anh chị" mới mua nổi đồ xịn, còn không "thượng đế" mua về, em bảo đảm với anh 100% là hàng ruột pha trộn: hầu như linh kiện thật bị tháo để bán lẻ, thay vào đó là đồ rẻ tiền. Họ cũng viết giấy bảo hành hẳn hoi, thời gian 1-2 năm, miệng thì cứ ngọt sớt như mía lùi, nhưng chẳng có gì bảo đảm cả.

Sống trong môi trường đó, dân chợ Giời vì vậy đa số rất khéo ăn, khéo nói, thủ thuật bán hàng thì điệu nghệ hết chê, lúc mềm dẻo, lúc lại sắt đá khiến khách hàng như bị "tung hỏa mù" không biết đâu mà lần. Nhiều người ôm món hàng mình mua được về nhà, nhưng chỉ ít ngày sau nó đã trở thành đồ phế thải. Lúc đó thì họ chỉ còn biết kêu "giời"! Tuy nhiên, không phải là không có những hộ kinh doanh ở chợ Giời làm ăn lành mạnh, uy tín. Họ chỉ bán kiếm lời phải chăng và có thời gian bảo hành sản phẩm chu đáo.

Liệu có ai biết được, hằng ngày, trong trăm ngàn thứ hàng hóa cũ - mới, đắt - rẻ được tuôn ra chợ Giời; bao nhiêu phần trăm trong số đó là đồ ăn cắp? Không ai thống kê, kiểm soát nổi. Chỉ có… Giời mới hay! Nhưng người ta - ai cũng có thể khẳng định một điều: Mỗi năm, có hàng trăm sản phẩm bị đánh cắp mang ra chợ Giời bán. Không ít thứ hàng hóa trị giá hàng triệu đến hàng chục triệu, thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng. Người mất của xót xa, ngậm ngùi và càng thấy đau khi tận mắt nhìn thấy tài sản của chính mình được bày bán công nhiên ngay nơi chợ Giời!

Nhưng một điều chắc chắn là ai thiếu thứ gì, cần cái gì, đi khắp tứ phương mà không tìm thấy - cứ ra chợ Giời phố Huế (Hà Nội) thì ngay tắp lự có thể "sờ được ước thấy". Và cũng bởi thế người ta mới đùa với nhau rằng, ra chợ Giời mua máy móc, phụ tùng, người ta có thể lắp hẳn được một chiếc máy bay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi chợ Giời mà xót tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.