Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những kẽ hở trong xuất khẩu lao động

Ngọc Hải| 02/10/2011 04:12

(HNM) - Có một sự thật không thể phủ nhận: Nhiều gia đình đã thoát khỏi nghèo đói, thậm chí trở nên giàu có, nhờ có người đi làm việc tại nước ngoài. Thống kê cho thấy, hiện nay, số lao động và chuyên gia Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài là trên 500.000 người với tổng thu nhập khoảng 1,7 đến 2 tỷ USD/năm. Điều đó đã khiến nhiều người khao khát được đi xuất khẩu lao động để giúp gia đình vượt qua khó khăn. Nhưng…

Từ vụ OSC Hải Phòng

Đã có nhiều vụ người lao động (NLĐ) khiếu nại, thậm chí là kiện doanh nghiệp XKLĐ, nhưng vụ khiếu kiện của lao động đối với Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ dầu khí Hải Phòng (OSC) chi nhánh Hà Nội, có địa chỉ tại Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy là dai dẳng nhất. Sự việc bắt đầu từ giữa năm 2007, kéo dài tới nay khi một số lao động có hợp đồng với OSC đi làm việc tại Cộng hòa Séc mà không thể xuất cảnh do phía Séc không cấp visa sang làm việc tại đất nước này. Và tới nay, dù đã hơn hai năm không thể xuất cảnh (tính từ thời điểm Séc ngừng cấp visa), Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH đã hơn 3 lần có công văn yêu cầu doanh nghiệp giải quyết; thậm chí UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã có công văn yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước có biện pháp pháp lý để doanh nghiệp giải quyết cho người lao động. Thế nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được phía doanh nghiệp giải quyết dứt điểm.

Lao động Việt Nam trở về nước sau nhiều biến động tại Libya. Ảnh: Bảo Chân

Theo đơn trình bày của NLĐ, năm 2007, với mong muốn được ra nước ngoài làm việc, một số lao động, trong đó có Bùi Văn Hồng, Nguyễn Thị Hằng, Trịnh Khắc Trinh, Nguyễn Đức Vượng đã đến đăng ký đi làm việc tại Cộng hòa Séc thông qua Công ty OSC chi nhánh Hà Nội. Sau khi được tuyển chọn và đào tạo, họ đã được ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Giám đốc công ty, Giám đốc chi nhánh chỉ đạo làm thủ tục xuất cảnh, đồng thời thu của mỗi người gần 100 triệu đồng. Ở thời điểm đó, Séc vẫn là một nước có thu nhập khá cao cho những lao động. Song, do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2009, Cộng hòa Séc đã siết chặt quản lý lao động nước ngoài nhập cảnh và dừng cấp visa cho lao động nhiều nước, trong đó có những lao động Việt Nam.

Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu OSC thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật, hoàn trả tiền cho NLĐ hoặc làm thủ tục cho họ đi làm việc tại nước khác theo thỏa thuận giữa hai bên. Song, với nhiều lý do khác nhau, OSC đã phớt lờ những văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ. Theo tường trình của NLĐ, cho đến thời điểm này, kể từ lúc OSC thu tiền của người lao động (tháng 11-2007), OSC vẫn chưa thanh toán hết số tiền mà OSC đã thu của họ.

Để tìm hiểu rõ vấn đề và có thông tin hai chiều, chúng tôi đã nhiều lần đến Trung Kính, quận Cầu Giấy để tìm trụ sở của OSC chi nhánh Hà Nội song đều thất bại vì... không thể tìm thấy chi nhánh này. Nhiều lần chúng tôi gọi điện cho ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc chi nhánh cũng không thể liên lạc được dù máy đổ chuông nhiều lần. Tìm hiểu thông tin đến cùng, chúng tôi xuống Hải Phòng và đã có buổi làm việc với ông Phạm Xuân Khánh, Tổng Giám đốc OSC Hải Phòng. Không chối bỏ trách nhiệm, song ông Khánh cho rằng, OSC Hải Phòng đã ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Thuận thu tiền của lao động, do vậy ông Thuận sẽ là người trả lại tiền cho NLĐ. Ông Khánh cũng đặt vấn đề, trong trường hợp ông Thuận không trả được cho NLĐ, OSC Hải Phòng sẽ đứng ra trả lại tiền cho lao động, song phải được sự đồng ý của ông Thuận!? Dù rằng, ông Khánh cho biết thêm, khi nhận ủy quyền, ông Thuận đã đặt cọc tại công ty! Vì thế mà những lao động và người được ủy quyền giải quyết vụ việc của họ vẫn hằng ngày lẽo đẽo hết Hà Nội lại về Hải Phòng hàng năm trời mà vẫn chưa biết đến bao giờ có thể giải quyết dứt điểm?

Tai họa đổ xuống đầu người lao động


Một vụ việc khác cũng liên quan đến các hợp đồng lao động tại nước ngoài đã gây tranh cãi kéo dài giữa NLĐ với doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đó là việc một số lao động đi làm việc tại Cộng hòa Síp theo hợp đồng được ký kết với Công ty TNHH một thành viên Sản xuất - Thương mại và Xuất khẩu lao động (Vinahandcoop) có trụ sở tại 80 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào thời điểm năm 2009.

Trình bày với phóng viên Báo Hànộimới, một lao động cho rằng: Theo hợp đồng ký kết giữa chị và Công ty Vinahandcoop thì chị được đưa sang Síp làm việc 4 năm; công việc được ghi rõ là hộ lý, chăm sóc người bệnh với mức lương tháng là 150 bảng síp (tương đương 376 USD). Những tưởng bỏ ra một khoản phí rồi chắt chiu dành dụm trong thời gian làm việc ở nước ngoài, khi về nước sẽ có chút vốn làm ăn. Nào ngờ, vừa hết một năm, chị và những người đi cùng đợt nhận được thông báo từ chủ sử dụng lao động: Hết hợp đồng lao động, phải về nước! Quá bức xúc, họ đã tìm đến trụ sở của Vinahandcoop tại 80 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để giải quyết thì nhận được câu trả lời "nhẹ tênh" từ phía Vinahandcoop: Hợp đồng chỉ có giá trị một năm; nhưng do phía công ty đánh máy nhầm nên thành ra 4 năm? Nhẩm tính, những lao động cho rằng, tổng số tiền mà họ đã chi phí (cả phí trong lẫn "phí ngoài") để đi làm việc tại Síp lên đến hơn 8.000 USD. Nếu chỉ được đi làm việc một năm thì tổng số lương của chị chỉ được hơn 4.400 USD. Như vậy, không ai dại gì bỏ 8.000 USD để đi làm việc không công và… mất thêm tiền. Vì vậy, việc công ty nói đánh máy nhầm là điều không thể chấp nhận (!).

Cũng liên quan đến Công ty Vinahandcoop, trong năm 2009, công ty này đã đưa 39 lao động sang Nga làm việc. Oái ăm thay, 13 tháng làm việc tại Nga mà những lao động này không hề nhận được đồng lương nào và phải về nước trước hạn. Với vụ việc này, trước những thông tin báo chí nêu, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã nhiều lần có công văn yêu cầu doanh nghiệp giải quyết triệt để, thanh lý hợp đồng cho người lao động theo đúng những gì đã ký kết với người lao động. Tuy nhiên, ở thời điểm xảy ra sự việc, đại diện của Công ty Vinahandcoop cho rằng, sự việc xảy ra là do khách quan, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên các doanh nghiệp sở tại thiếu việc làm đã dẫn đến tình trạng lao động không có việc làm. Tình hình chung đó ảnh hưởng không chỉ đến các lao động mà chính bản thân doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế, đại diện doanh nghiệp này đã đưa ra mức thanh lý 15 triệu đồng cho mỗi lao động. Trong khi đó, theo những lao động, để được đi làm việc tại đất nước này, những lao động đã phải bỏ ra chi phí gần 3.000 USD/ người. Đó là chưa kể 13 tháng làm việc tại Nga mà không được nhận lương từ chủ sử dụng lao động (!).

Nêu ra hai trong số hàng trăm vụ việc liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động để thấy rằng, thực tế hoạt động xuất khẩu lao động là một lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp cần phải được quản lý chặt chẽ. Và cũng cần phải thấy, có những lao động hiểu biết hoặc có những mối quan hệ nhất định mới có đơn gửi các cấp đề nghị hỗ trợ giải quyết. Còn rất nhiều lao động, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, ít thông tin, ít hiểu biết thì đành im lặng chịu thiệt? Thậm chí, nhiều lao động còn không hề biết mình bị chính doanh nghiệp lừa gạt! Khép lại bài viết này, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nhận thêm được rất nhiều đơn, thư của người lao động, trong đó cũng có những vụ việc đã được "nâng lên, hạ xuống" nhiều lần mà vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những kẽ hở trong xuất khẩu lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.