Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tùy tiện trong chuyển lỗ và tách - nhập?

Nhóm PV Điều tra| 06/10/2011 06:30

(HNM) - Quyết định 24/2011/QĐ-ttg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường phải được thực hiện công khai, minh bạch; trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Bộ Tài chính theo dõi việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện, tham gia, phối hợp với Bộ Công thương kiểm tra các khoản chênh lệch chi phí hợp lý, hợp lệ so với số liệu tính toán trong phương án giá bán điện sau khi có số liệu quyết toán, kiểm toán. Tuy nhiên, EVN lại tùy tiện đẩy các chi phí từ thua lỗ trong kinh doanh viễn thông cho các công ty điện lực.

"Bí mật" đẩy lỗ cho các tổng công ty điện lực

Để "đẩy" khoản lỗ từ kinh doanh viễn thông sang cho kinh doanh điện, Hội đồng Quản trị EVN đã có Nghị quyết số 153/NQ-HĐQT ngày 29-3-2010 về việc điều chỉnh cơ chế tài chính của hoạt động kinh doanh viễn thông công cộng. Sau đó, EVN có văn bản số 1174/EVN-TCKT ngày 31-3-2010 hướng dẫn các đơn vị thực hiện, văn bản số 1160A/EVN-TCKT ngày 31-3-2010 hướng dẫn bổ sung. Theo đó, EVN lấy lý do để các đơn vị thống nhất việc quản lý hiện vật và hạch toán giá trị của số thiết bị đầu cuối tại một đơn vị, EVNTelecom bàn giao giá trị còn lại của số thiết bị đầu cuối do các công ty điện lực quản lý nhưng một phần giá đang được theo dõi tại EVNTelecom về các công ty điện lực.

Việc chuyển lỗ từ kinh doanh viễn thông sang các công ty điện lực, đồng thời tách nhập công ty mẹ - con sẽ gây nhiều hậu quả khôn lường. Ảnh: Thanh Hải

Để chuyển khoản lỗ từ kinh doanh viễn thông, EVN đã hợp thức bằng cách ban hành 10 quyết định về việc tăng giảm vốn đầu tư của EVN tại công ty con, gửi 10 đơn vị gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHHMTV) Điện lực Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Công ty Điện lực 3, Công ty TNHHMTV Điện lực Ninh Bình, Công ty TNHHMTV Điện lực Hải Dương, Công ty TNHHMTV Điện lực Đồng Nai, Công ty Điện lực 2, Công ty Điện lực 1, Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, với tổng số tiền là 1.026 tỷ đồng (khoản lỗ từ kinh doanh viễn thông). Điều lạ lùng là các quyết định này có số văn bản và ngày gửi như nhau là số 323A/QĐ-EVN và ký ngày 31-3-2010 nhưng nơi gửi lại như những quyết định độc lập - thể hiện tính "bí mật", hay nói cách khác là cố tình che giấu. Có nghĩa là trong 10 đơn vị nhận được văn bản trên, mỗi đơn vị chỉ được biết nội dung gửi cho đơn vị mình. Đây là kiểu làm tùy tiện mang tính che đậy những lắt léo của EVN trong việc chuyển lỗ, khi mà tăng tài sản nhưng không thấy hình thái vật chất ở đâu, nó đối ứng với cái gì.

Tại văn bản số 1827/EVN-TCKT ngày 27-5-2011, EVN tiếp tục hướng dẫn các đơn vị thực hiện chuyển lỗ bằng cách các tổng công ty điện lực (tại thời điểm đã thành lập 5 tổng công ty điện lực) phải "mua lỗ". Có nghĩa là để "bán lỗ", EVNTelecom phát hành hóa đơn điều chỉnh cho các tổng công ty điện lực theo số liệu đã điều chuyển và hạch toán phải thu các tổng công ty này (bằng giá trị điều chuyển cộng 10% VAT); đồng thời, căn cứ Quyết định 323A, EVNTelecom hạch toán giảm công nợ phải thu và giảm vốn đầu tư của EVN tại đơn vị.

Để "mua lỗ", các tổng công ty điện lực căn cứ hóa đơn điều chỉnh hạch toán phải trả EVNTelecom, tăng vốn đầu tư của EVN tại đơn vị, thực hiện khấu trừ thuế theo quy định. Thế có nghĩa là ngoài việc phải "mua" khoản lỗ hơn 1.026 tỷ đồng, các tổng công ty điện lực còn phải nộp hơn 100 tỷ đồng tiền thuế VAT. Số tiền này EVN yêu cầu các tổng công ty điện lực hạch toán vào báo cáo tài chính năm 2010. Theo yêu cầu của EVN thì cuộc mua, bán trên, các đơn vị phải khẩn trương thực hiện xong trước ngày 30-5-2011. Không phải thời điểm trên đưa ra một cách trùng hợp ngẫu nhiên, mà có tính toán, vì đó là thời hạn trước khi EVN trình tăng giá điện lần đầu tiên theo cơ chế thị trường.

Thích thì "khắc xuất, khắc nhập"

Trong khi việc dùng nhóm các nhà máy điện đang thuộc EVN để thành lập các GENCO (Tổng công ty phát điện) nhằm phục vụ cho thực hiện cạnh tranh khâu phát điện (giai đoạn đầu tiên của thị trường điện) còn đang gây tranh cãi thì EVN lại đưa ra đề án chuyển đổi các công ty điện lực trực thuộc các tổng công ty điện lực thành TNHHMTV.

Theo đề án, EVN chuyển đổi các công ty điện lực có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn lớn hơn hoặc bằng 25%, cân đối dòng tiền đến năm 2015 phải lớn hơn hoặc bằng không. Như vậy, xét tiêu chí trên, EVN dự kiến chuyển đổi 49 công ty điện lực, gồm 12 công ty điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; 5 công ty điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung; 10 công ty điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam; 14 công ty điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội và 8 công ty điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Sau chuyển đổi, các công ty điện lực sẽ là công ty TNHHMTV điện lực.

Xem xét trên thực tế cho thấy, như Tổng Công ty Điện lực miền Nam, năm 2010 thực chất chỉ có 5 công ty điện lực hoạt động có lãi, tổng cộng khoảng 1.418 tỷ đồng, còn lại 16 công ty lỗ khoảng 984 tỷ đồng. Vì vậy, toàn tổng công ty phải cân đối, hạch toán tập trung để duy trì hoạt động. Tổng Công ty Điện lực 1 và 3 cũng trong tình trạng như vậy. Do đó, nếu chuyển một số công ty điện lực hoạt động có hiệu quả thành TNHHMTV hạch toán độc lập thì các công ty còn lại nằm trong công ty mẹ sẽ hạch toán lỗ, dẫn đến công ty mẹ luôn hoạt động trong tình trạng sản xuất kinh doanh lỗ. Các công ty có khả năng có lợi nhuận cao nay phải chia sẻ lợi nhuận cho các công ty hoạt động không hiệu quả, dẫn đến suy yếu và tạo tâm lý bất ổn, ức chế trong quản lý. Hơn nữa, nếu chuyển toàn bộ các công ty điện lực thành TNHHMTV hạch toán độc lập thì phải thiết lập cơ chế cho tất cả các công ty điện lực đều hạch toán có lãi thông qua giá bán điện nội bộ. Điều này dẫn đến đa số công ty điện lực trước đây hoạt động không hiệu quả thì nay sẽ "lời giả, lỗ thật". Đây là điều phi lý trong quản lý kinh tế.

Khi các công ty điện lực chuyển đổi thành công ty TNHHMTV, theo Luật Doanh nghiệp, công ty mẹ không được điều chuyển vốn của công ty con. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng sau đây: Trong các năm trước, một số công ty điện lực đã được công ty mẹ đầu tư lưới điện hoàn chỉnh sẽ có nguồn vốn khấu hao nhiều nhưng nhu cầu đầu tư ít sẽ thừa vốn, trong khi đó, một số công ty điện lực khác lưới điện chưa được đầu tư lại thiếu vốn. Tổng công ty không thể điều hòa vốn giữa các công ty con cũng như không được điều động về công ty mẹ. Do nguồn lực tài chính và tài sản của tổng công ty bị phân tán nên hiệu quả sử dụng vốn và tài sản bị giảm đi rất nhiều do các khoản tài sản dự phòng như vật tư thiết bị lưới điện sẽ tăng lên nhiều do mỗi đơn vị đều phải dự phòng riêng, gây lãng phí; các công ty con sẽ khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng tốt, trong khi các công ty khác lại có tiền nhàn rỗi đi gửi ngân hàng; rủi ro về phát sinh các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá đánh giá lại vào cuối đối với các khoản vay ngoại tệ (vay ODA) là rất lớn. Hiện nay, các tổng công ty điện lực đang dùng lợi nhuận sản xuất kinh doanh khác của toàn tổng công ty để bù đắp. Sau khi chuyển đổi tất cả các công ty TNHH MTV thì toàn bộ lợi nhuận của đơn vị công ty mẹ không giữ lại; do đó, công ty mẹ hầu như không có lợi nhuận từ hoạt động khác để bù đắp khoản phát sinh này cũng như bù đắp cho một số đơn vị có khoản vay ODA cao.

Việc chuyển đổi các công ty điện lực thành công ty TNHH MTV điện lực hạch toán độc lập sẽ làm suy yếu tổng công ty và có thể gây thiệt hại không thể lường trước được. Đó là do các công ty TNHH MTV hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (mục đích hàng đầu là bảo toàn và phát triển vốn, tạo ra lợi nhuận), sẽ có thể "bỏ quên" đầu tư xây dựng các công trình cấp điện vì mục đích xã hội, chính trị; hoặc kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản theo luật. Vậy ai sẽ chịu trách nhiện thực hiện cung cấp điện trên địa bàn địa phương đó?..

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các tổng công ty điện lực (phân phối điện) bao gồm các tổng công ty điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con vừa được thành lập chưa đầy một năm. 5 tổng công ty này cũng được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các công ty điện lực 1, 2, 3, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các công ty điện lực tỉnh - công ty TNHH MTV đang trực thuộc EVN tách ra thực hiện thí điểm trước đây. Việc làm này của EVN chẳng khác nào chuyện "cây tre trăm đốt" xưa, thích thì khắc nhập, không thích lại... khắc xuất một cách tùy tiện, từ đó làm suy yếu chính EVN. EVN gần đây do cách quản lý điều hành đã bị suy yếu, thế mà bây giờ lãnh đạo EVN lại muốn nó suy yếu hơn? Chẳng nhẽ lại có điều kỳ lạ đó?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tùy tiện trong chuyển lỗ và tách - nhập?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.