Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện một phụ nữ Mông ở Y Tý

Nguyễn Ngọc Tiến| 03/03/2012 06:00

(HNM) - Ở bản Ngải Chồ, xã Y Tý có một người phụ nữ dân tộc Mông đơn thân có hai cô con gái xinh xắn và học giỏi. Cô lớn hiện đang học năm thứ 3 khoa Kinh tế Đại học Thái Nguyên, cô em học năm thứ 2 Trường cao đẳng Nông Lâm. Cuộc đời của người phụ nữ này rất lạ lùng, nhưng hơn hết cô là người dám bước qua tập tục, bứt lên số phận để tìm hạnh phúc cho chính mình...

Từ đứa con bị bỏ trong rừng trở thành... cán bộ

Một ngày đông ở Bát Xát cách đây hơn 50 năm. Lạnh tê dại, đến mức người Mông vốn quen chịu đựng giá rét cũng không dám ra khỏi nhà. Trong ngôi nhà trình đất ở bản Ngải Thầu (Bát Xát), một người phụ nữ đang lên cơn sốt rét oằn oại sắp sinh con dù cái thai mới 7 tháng tuổi. Cạnh đó, ông thầy cúng tay cầm nén hương hua qua, hua lại và lẩm bẩm. Rồi thầy cúng quay sang bảo người chồng: "Phải đem đứa trẻ này vào rừng nếu không con ma sẽ bắt cả nhà mày". Cũng lúc ấy, đứa bé thoát ra khỏi bụng mẹ, người phụ nữ chống lại cơn rét từ bên trong luồn ra tự đỡ con và lấy con dao đi nương cắt nhau. Người chồng nhìn ông thầy cúng, rồi bảo vợ mang đứa con đỏ hỏn ra rừng. Người phụ nữ mắt đỏ hoe ôm đứa con loạng choạng bước ra khỏi nhà... Rồi bà ngoại ở cuối bản hay tin, bà lao vào rừng và trong sương mù bà đã tìm thấy cháu ngoại dưới gốc cây và may thay, nó vẫn còn thoi thóp và nguyên vẹn, có lẽ thú rừng chưa kịp đến. Bà bế cháu về nhà mình. Không có sữa, bà lấy nước cơm pha chút mật ong nuôi cháu rồi đặt tên cháu là Sùng Thị Si. Và cũng lạ lùng thay, đứa bé lớn dần mà không hề ốm đau. Và khi Si bập bẹ biết nói đã gọi bà bằng mẹ. Còn mẹ đẻ của Si, không dám đến gặp con vì sợ con ma bắt cả nhà chồng.

Bà Sùng Thị Si.

Năm 1979, cán bộ xã đến nhà đưa cho Si một phong thư, nói là của cán bộ huyện gửi. Mở ra là chữ phổ thông, mang đi khắp bản hỏi nhưng không ai biết đọc. Cô mang lên đồn biên phòng nhờ dịch hộ mới biết huyện gọi cô đi làm "cán bộ". Si xin bà ngoại nhưng bà bảo: "Con gái người Mông sinh ra là để lấy chồng, để đi nương trồng ngô, trồng thảo quả, bao đời nay không có ai đi làm cán bộ cả". Biết bà không chịu, đêm đó, cô trốn nhà ra đi, một mình băng trong rừng sương lạnh và may cho cô gặp bộ đội biên phòng đi tuần đêm đã chỉ đường cho cô xuống cơ quan huyện lúc này đang ở Bản Xèo. Khi cái chân mỏi nhừ, cô chui vào một túp lều bỏ hoang trơ chọi trên nương ngô, co ro đến sáng rồi lại đi tiếp. Rồi cô được phân công về đơn vị thanh niên xung phong có nhiệm vụ làm đường. Ngày ấy tình hình biên giới phức tạp, nên đêm xuống anh chị em trong đơn vị phải thay nhau gác. Những ngày đầu, gác hết phiên nhưng Si không biết gọi ai vì cô không biết tiếng Kinh, thế là đành ôm súng gác đến sáng. Rồi nhờ anh chị em người Kinh, tiếng Kinh của cô dần khá lên. Con đường từ Mường Hum đi Sa Pa có một phần công sức của Si. Và một ngày, Si nhận lời yêu một chàng trai Mông cũng thoát ly đang công tác ở huyện. Nhưng chỉ vài ngày sau khi đơn vị đứng ra tổ chức ăn hỏi cho hai người, thì chàng trai đã chết vì tai nạn. Rồi lại một chàng trai khác đem lòng yêu mến, hai người làm lễ ăn hỏi và như định mệnh, chỉ sau vài ngày người yêu cô lại ra đi mãi mãi.

Bước ngoặt thứ nhất

Năm 1983, huyện Bát Xát thành lập trường nội trú ở bản Ngải Chồ, trung tâm của xã Y Tý. Những ngày đầu trường chỉ có vài học sinh vì trẻ con phải phụ giúp cha mẹ phơi thảo quả, xuyên khung và không có thói quen học chữ. Để có học sinh đi học, Si được huyện điều động về Y Tý làm công tác tuyên truyền để người lớn hiểu cái lợi khi con em họ biết chữ. Hằng ngày, cô đi bộ vào các bản Mông, bản Dao, bản Hà Nhì thuyết phục người lớn "đi học được nhà nước nuôi ăn, lại có tiền học bổng ", với trẻ con cô bảo "đi học được chơi cái trò chơi, biết cái chữ sau này lớn lên làm cán bộ, không phải đi nương vất vả". Dù đôi chân như cái bánh xe đạp của người dưới xuôi nhưng ngày đến bản xa rồi lại đi về khiến "bánh xe của tôi hết hơi". Rồi như nước ngấm vào núi đá lâu dần thành suối, nhiều gia đình đã nghe theo lời "dụ dỗ" của Si cho con đến trường. Và trẻ con Mông, Dao và cả Hà Nhì bắt đầu ồn ã sân trường bằng các thứ tiếng. Si được giao nấu ăn cho các em, mặc dù có thể đọc được sách báo nhưng cô không biết viết, song với tính tình ngay thẳng và trung thực, trường đã tín nhiệm giao làm thủ kho. Nhiều cô giáo xa nhà thiếu thốn xin cô tí mắm, tí mỡ nhưng cô từ chối bảo đó là của học sinh. Thế nên có người đã nói đùa "Cuối năm bảo làm bản kiểm điểm thì kêu không biết chữ, thế mà giao nhận hàng hóa trên sổ sách cấm có sai món gì".

Cuộc sống trôi đi như nước suối và cho đến một ngày cô nhận ra mình đã ngót nghét 30. Cũng có người ngỏ ý nhưng Si từ chối vì sợ lại mang họa cho người ta như những lần trước. Trong đầu cô đã nghĩ đến chuyện nhận con nuôi song lại sợ lớn lên nó thấy nghèo lại bỏ về nhà. Và rồi sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, cô quyết định "xin" một đứa con để sau về già có chỗ dựa khi xung quanh người thân không còn ai. Năm 1990, cô sinh con đầu lòng, lấy họ mình và đặt tên là Sùng Thị Huyền Thương. Năm 1993, như "cơn lũ, tôi sinh đứa thứ 2 khi thai mới 7 tháng, không kịp đến trạm xá, không ai giúp, tôi tự đỡ, tự cắt nhau như mẹ tôi ngày xưa". Hỏi sao lại đặt tên con là Thanh Tâm cô bảo "Tâm tiếng Kinh là tấm lòng và tôi không có được nhiều tấm lòng che chở nên mong con sau này có lòng thương người". Tháng đầu con không thể bú nên hằng ngày cô vắt sữa và cho con ăn từng thìa một. Hết thời gian nghỉ đẻ, sợ không có người trông, chó sẽ cắn con nên cô đóng chiếc cũi cho Tâm vào đó. Ngày tháng qua đi, hai đứa con lớn dần bằng số lương ít ỏi. Khi Huyền Thương lên lớp 5, cô thuê nhà ở thị trấn Bát Xát cho con trọ, dạy con tự lập và Huyền Thương học giỏi nên đã được học bổng Vừ A Dính, khiến cô cũng nhẹ bớt một phần.

Bước ngoặt thứ hai

Y Tý cao trên 2.000m so với mực nước biển có mây đặc như bánh đúc. Mây trên đỉnh đầu, mây quẩn quanh khắp người, mây trùm lấy các thung lũng nhưng chỉ trong chốc lát lại biến đi để lộ ra những bản người Mông với ngôi nhà trình đất lạ lẫm. Y Tý có các bản Hà Nhì ngay ngắn cùng các ruộng bậc thang đẹp như tranh vào mùa lúa chín đã thu hút dân phượt. Nhà bên lề đường, cách chợ không xa và lại biết tiếng Kinh nên dân phượt xin ngủ nhờ và họ trả tiền khi cô Si nấu cơm cho họ ăn. Năm 2008, ngày càng có nhiều dân phượt đến Y Tý, nhận thấy đây là cơ hội có thể kiếm thêm tiền nuôi các con ăn học, cô quyết định mở nhà trọ. Từ ngôi nhà nhỏ ban đầu cô quyết định thuê đổ đất, làm thành nhà sàn, xây hố xí bệt. Hai con gái đang học đại học ở Thái Nguyên về nghỉ hè tư vấn cho mẹ mở thêm cả karaoke vi tính. Rồi cô còn xuống tận Sa Pa học cách tắm thuốc của người Dao, nhưng về Y Tý cô mở tắm thuốc theo bài cổ truyền của người Mông. Cô bảo đây là bước ngoặt thứ 2 trong đời vì phụ nữ Mông bao đời nay chỉ biết lên nương trồng ngô, trồng thảo quả và xuyên khung, đến phiên chợ mang ra bán rồi mua hàng hóa thiết yếu cho gia đình. Khi có chồng, xưa thì chồng cưỡi ngựa vợ dắt còn nay thì ngồi sau xe máy nhưng nếu chồng uống rượu say nằm đâu đó trong chợ, chị em vẫn kiên nhẫn giương ô che nắng đến khi chồng tỉnh thì thôi.

Từ lúc ngủ dậy cho đến khuya, không lúc nào thấy cô ngồi không. Hết cho lợn ăn, lại vội vã đi chợ mua thức ăn cho khách, nấu nướng, khách ăn xong lại dọn dẹp và nếu có ai muốn tắm thuốc lại nổi lửa. Si thông minh và hóm hỉnh rất biết đùa với khách. Mong mỏi lớn nhất của cô là "hai đứa con tốt nghiệp đại học tìm được việc làm và lấy chồng để tôi có cháu ngoại bế".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện một phụ nữ Mông ở Y Tý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.