Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Mở đường lên no ấm

Tống Thanh - Ngọc Hải| 13/03/2012 06:04

(HNM) - Chiều bảng lảng, chúng tôi rời bản biên giới Huổi Luông 3, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Hai bên đường xanh mướt những vạt chuối, buồng sai trĩu quả và rừng cao su đang tròn tán. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông, Đại úy Đào Quang Hồng không giấu được nỗi tự hào: "Dân Huổi Luông giờ giàu lắm! Cả bản có 25 ô tô, máy xúc, không còn hộ nào bị đói, bị đứt bữa, kể cả lúc giáp hạt".

Tỷ phú… không biết chữ

Mấy năm nay, Chàng A Xà, 39 tuổi, dân tộc Hà Nhì ở bản Huổi Luông 3, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ nổi lên như một hiện tượng của tỉnh Lai Châu. Từ một thanh niên nói tiếng Kinh chưa sõi, một chữ cắn đôi không biết, ấy thế mà giờ đây, Xà đã có tiền tỷ. Nhìn gian nhà mái bằng kiên cố với đầy đủ tiện nghi hiện đại trong nhà, tôi hỏi: Mỗi tháng, Xà làm được bao tiền? Chàng A Xà nhoẻn miệng cười hiền: Úi, chẳng biết một tháng, một năm được bao nhiêu tiền đâu. Cán bộ bảo làm thì cứ làm thôi!

Chàng A Xà cùng các chiến sĩ đồn biên phòng Huổi Luông bên cánh đồng chuối.

Lúc chúng tôi đến, Xà cùng một số nhân công đang xếp những bao sắn khô lên xe chuẩn bị xuất qua biên giới. Đón chúng tôi, Xà lôi trong tủ lạnh ra lỉnh kỉnh đủ loại bia lon, nước ngọt. Vừa bật bia, Xà vừa nói như thanh minh: "Huổi Luông nghèo lắm. Chẳng có gì đãi cán bộ đâu". Nói thì nói thế, nhưng Xà kể, từ năm 2009, được bộ đội Đồn Biên phòng Huổi Luông mách nước, Xà mạnh dạn chuyển đổi 1ha ngô sang trồng chuối. Năm đầu tiên chuối được mùa, Xà thu được 300 triệu đồng. Đến năm thứ hai, Xà mở rộng diện tích trồng chuối lên 2ha. Bà con thấy Xà làm được cũng làm theo, chuyển từ trồng ngô sang trồng chuối. Thế là Xà lại chuyển sang bán cây giống cho bà con. Vừa bán chuối buồng, vừa bán cây non, mặc dù không được giá như năm trước nhưng Xà vẫn thu hơn 200 triệu đồng/năm. Có tiền lại sẵn mối quan hệ với tiểu thương Trung Quốc, Xà sắm một chiếc xe tải 3,5 tấn hết hơn 400 triệu đồng rồi tổ chức thu gom chuối và sắn của bà con đem xuất sang Trung Quốc. Mỗi chuyến, trừ chi phí, Xà cũng thu được ngót ngét 4 triệu đồng.

Thiếu tá Lê Văn Dung, cán bộ Đồn Biên phòng Huổi Luông tăng cường về giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã đỡ lời: "Xà bây giờ là tỷ phú của Huổi Luông rồi, lúc khởi nghiệp cũng nhiều khó khăn lắm". Theo Thiếu tá Lê Văn Dung, Xà vốn là một chàng trai hiền lành, chịu khó làm ăn. Năm 2009, Xà được các chiến sỹ Đồn Biên phòng "chọn mặt gửi vàng" để thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những ngày đầu cũng gian nan lắm. Vận động được Xà rồi, các chiến sỹ phải nhiều lần lặn lội, vận động bố mẹ Xà cho anh làm thí điểm. Bởi cái đói đã ăn sâu vào tâm trí từ bao đời của người Hà Nhì, bố mẹ Xà nhất định không cho anh trồng cây gì khác ngoài ngô và lúa. Các cụ bảo, trồng ngô, trồng lúa còn có cái mà ăn, còn không bị đói, chứ trồng chuối rồi lấy gì mà ăn! Nhưng khổ nỗi, nếu tính hiệu quả kinh tế thì nhà Xà với 6-7 lao động, tính cả ngô lẫn lúa thì mỗi năm cũng chỉ làm được chưa đầy 30 triệu đồng. Cái ăn không lo, nhưng để làm giàu thì khó quá. Năm lần bảy lượt vận động, rồi Xà cũng được bố mẹ đồng ý cho làm thí điểm với 1ha đầu tiên. Được mùa! Thành công nối tiếp thành công, thế là Xà trở thành người đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới loại cây giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Có của ăn của để nhờ bộ đội biên phòng, Xà nghĩ xa hơn, cho con đầu đi học tại trường nội trú mãi dưới thị xã. Đứa thứ hai Xà cho đi học thiếu sinh quân với mong muốn nó được làm bộ đội biên phòng. Lúc chia tay trong chạng vạng chiều, Xà khoe vừa đầu tư 700 triệu đồng làm con đường lớn cho ô tô vào bản với phương thức ứng tiền trước, thu tiền sau. Đây sẽ là con đường đi lên no ấm của bản. Riêng với Xà, con đường này sẽ giúp chiếc ô tô tải của Xà có thể vào tận bản thu mua sắn, hàng hóa cho bà con.

Theo thống kê của xã Huổi Luông, chỉ trong chưa đầy 3 năm, diện tích trồng chuối của toàn xã đã lên đến hơn 100ha và hơn 50ha cao su. Đến nay cả xã đã có 25 xe ô tô, máy xúc, máy ủi. Hầu hết hộ dân đã có phương tiện nghe nhìn để giải trí và tiếp cận khoa học kỹ thuật. Số hộ nghèo đã giảm từ 42% năm 2010 xuống còn 33% cuối năm 2011. "Đó là mới chỉ tính chuyện thu nhập từ chuối, ngô, lúa và buôn bán nhỏ thôi. Chứ 3 năm nữa, 50ha cao su cho thu hoạch thì người Hà Nhì còn giàu nữa" - Phó Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Dung nhận định.

Và những mái ấm biên cương

Tiếng là cửa khẩu quốc gia nhưng Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, (Lai Châu) buồn hiu hắt. Suốt mấy ngày chúng tôi ở đó, số người qua lại khu vực cửa khẩu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thiếu tá Phạm Ngọc Bàng, Đồn trưởng Ma Lù Thàng cho biết, Đồn được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài 13km gồm 9 bản, 551 hộ, 2.286 nhân khẩu. Đường đất thì không xa, nhưng vì địa bàn biên giới, đa số người dân còn nghèo, lại ở trên những vị trí cheo leo nên ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới thì nhiệm vụ giúp dân xóa đói, giảm nghèo luôn được các chiến sỹ biên phòng chú trọng.

Hôm chúng tôi đến bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, nắng xuân như rót mật trên những cánh hoa rừng. Thấy chúng tôi đi trên những chiếc xe máy vừa mượn được của đồng bào giữa con dốc, Trưởng bản Hùng Pèng, ông Lý Pao Sài cười ngất: "Cán bộ cũng đi được xe của đồng bào đấy à?". Quả thật, con đường lên với Hùng Pèng dù không xa, nhưng quá khó để ô tô có thể đến được. Những con dốc, những khúc cua và cả những khe nước chảy qua khiến Hùng Pèng như treo mình trên triền núi. Trò chuyện, Lý Pao Sài nói: "Người Dao ở Hùng Pèng giờ chăm lắm, không còn đói nữa rồi. Cán bộ đồn biên phòng giúp dân bản nhiều lắm".

Bản Hùng Pèng có 49 hộ, 200 nhân khẩu, hộ nào cũng đã có cái ti vi để xem, cái xe máy để đi. Đưa chúng tôi đến nhà Lý Chỉn Quang A, Lý Pao Sài cho biết thêm, trước Hùng Pèng nghèo lắm. Đa số đồng bào ở rải rác trên những đỉnh đồi hoặc trong thung sâu. Mấy năm gần đây, Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng dựng nhà đại đoàn kết, vận động bà con về sinh sống tập trung. Trong số 49 nóc nhà của bản thì có tới 13 căn nhà là do các chiến sỹ biên phòng bỏ công, bỏ của dựng cho. An cư rồi lạc nghiệp, nhiều hộ dân đã bắt đầu có của ăn của để, đã nghĩ đến việc cho con đi học cái chữ để làm cán bộ.

Khi được hỏi về căn nhà được các chiến sỹ biên phòng dựng cho, chị Tẩn Phú Mìn chỉ biết cười: "Được cán bộ làm cho hơi lâu tí thôi!". Cái "hơi lâu" của Phú Mìn ấy là thời điểm 2009, khi Phú Mìn cùng chồng rời thung sâu ra điểm sinh sống tập trung. Ấy thế mà chỉ mới 3 năm, nhà Mìn không còn đói nữa, lại có tiền mua xe, đầu tư cho con đi học Cao đẳng Sư phạm mãi tận Hà Nội. Rồi như vợ chồng Phàn San Mẩy, chưa phải cho con đi học xa vì chúng còn quá nhỏ, nhưng mỗi năm hai vợ chồng cũng làm ra được hơn 10 tấn ngô, 5 tấn sắn và gần 1 tấn thóc. Mẩy nói: "Thóc thì đủ ăn thôi. Ngô và sắn thì bán lấy gần 100 triệu, còn lại để nuôi lợn, nuôi gà".

Tính trên toàn tuyến biên giới Lai Châu, cùng với việc giữ chủ quyền, an ninh biên giới, các chiến sỹ biên phòng Lai Châu đang trở thành lực lượng chủ yếu trong vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế. Đã có nhiều

mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có kết quả cao như mô hình nuôi cá hồi, cá tầm ở xã Pa Vây Sử; mô hình lập trang trại chăn nuôi đại gia súc; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng tới giá trị kinh tế cao hơn ở huyện Phong Thổ… Giúp dân bằng những việc làm thiết thực đã tô thắm thêm tình quân dân giữa lực lượng biên phòng với đồng bào các dân tộc vùng biên cương của Tổ quốc.

*
* *

Đi nhiều nơi, tới nhiều vùng biên cương của Tổ quốc, nhưng có lẽ vùng biên giới Lai Châu để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng về hình ảnh thắm đượm tình quân dân. Dù cho Lai Châu còn nghèo, nhưng với sự nhiệt tình, không ngại khó, không ngại khổ, những chiến sỹ biên phòng Lai Châu đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; vận động, giúp đỡ đồng bào các dân tộc nơi đây phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh, nếp sống văn hóa. Những mái ấm nơi biên cương cùng với vạt chuối tươi tốt, vạt rừng cao su đang tròn tán, những đàn dê, đàn bò đang độ sinh sôi, phát triển… là minh chứng sinh động cho con đường đi lên no ấm của đồng bào các dân tộc vùng biên giới Lai Châu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Mở đường lên no ấm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.