Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ ngày đầu tiếp quản Thủ đô

Triệu Dương| 10/10/2012 07:06

(HNM) - Cuối tháng 9-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Giơnevơ, cả một vùng trung du Bắc bộ được giải phóng khỏi ách kìm kẹp của giặc. Ông Nguyễn Bá Hoàng lúc đó đang cùng một số anh em học khóa 1 trường công an làm công tác giảm tô ở Lâm Thao, Phú Thọ thì được lệnh về nhận nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.


Vỡ òa niềm vui

Niềm vui được trở về Thủ đô đến thật bất ngờ khiến ông Hoàng và đồng đội thao thức không sao ngủ được. Gà mới gáy báo sáng, những chiến sĩ CA trẻ đã háo hức bật dậy, đóng bè mảng vượt sông Gâm ra sông Lô về ngã ba Việt Trì, hội cùng các cánh quân khác. Hôm sau, cả đoàn đi ô tô về tập kết ở Trung Giã, Phủ Lỗ. Lúc này, tại Trung Giã đang diễn ra hội nghị hiệp thương thống nhất ngày tháng bàn giao cơ quan, công sở làm việc... của Pháp cho Chính phủ Việt Nam. Đến ngày 4-10, 104 cán bộ, chiến sĩ CA được lựa chọn về tiếp quản Thủ đô từ các nơi đã về tập trung đầy đủ. Trưởng đoàn là anh Lê Quốc Thân (sau này là Giám đốc CA Hà Nội, Thứ trưởng Bộ CA) quán triệt "8 chính sách" và "10 điều kỷ luật" của lực lượng CA, phổ biến nhiệm vụ về Hà Nội trước ngày tiếp quản để tiếp nhận bàn giao, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác với bọn Việt gian phản động, phòng chống âm mưu phá hoại, ổn định tình hình ANTT trước ngày đón đại quân của ta vào tiếp quản Thủ đô.


Trụ sở Ty Cảnh sát ngày đầu tiếp quản Thủ đô 1954. (ảnh tư liệu)

Mỗi cán bộ CA về tiếp quản Thủ đô được cấp phát quân trang gồm: Mỗi người 2 bộ quần áo kaki màu xi măng, kiểu Tôn Trung Sơn, mũ cát két màu ghi có đính sao bằng vải nỉ đỏ, thêu kim tuyến xung quanh chữ CA ở giữa. Phù hiệu đính trên ve áo đều giống nhau, không phân biệt cao, thấp. Lần đầu tiên được mặc quân phục chính quy, súng đeo bên hông, lại có "Giấy ủy nhiệm" bằng tiếng Việt và tiếng Pháp do Thiếu tá Phạm Hoàng Thái, Trưởng đoàn Đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hợp Bắc Bộ ký và phía Pháp do thiếu tá Libert ký, nội dung "yêu cầu các cấp chỉ huy và cơ quan chính quyền địa phương đôi bên hết sức giúp đỡ để sĩ quan có tên trong giấy ủy nhiệm làm tròn nhiệm vụ", hơn trăm anh em ai nấy đều thấy mình rất "oách", không giấu nổi cảm xúc tự hào.

Là người từng trải qua nhiều thăng trầm trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, ông Hoàng cùng bao đồng đội thấy ngây ngất không nói lên lời. Trên đường tiến về Hà Nội, ông bồi hồi nhớ lại quãng năm 1947 - một năm tạm xa Thủ đô, khi quân ta duyệt binh ở chiến khu "Thủ đô gió ngàn" chào mừng chiến thắng Sông Lô, nhân dân cũng vỗ tay hoan hô nhưng cũng không bằng tâm trạng hân hoan, phấn khởi tràn đầy như người dân Hà Nội lúc này. Mặc cho bọn Pháp cho quân ra dẹp, nhưng bà con ta vẫn đứng trên đường hò reo chào đón. Tránh những va chạm không cần thiết, anh Lê Quốc Thân đi đầu đoàn xe phải đứng dậy, nói trước nhân dân, đại ý còn 5 ngày nữa bộ đội ta mới về tiếp quản Thủ đô, đề nghị bà con nhường đường để người Pháp đưa đoàn công tác của CA làm nhiệm vụ chuẩn bị cho đại quân ta tiến vào Hà Nội... Nghe lời anh Thân, đến lúc đó dòng người mới dãn ra để đoàn xe ô tô tiếp tục lăn bánh về trụ sở Ty Cảnh sát (sau Giải phóng Thủ đô là trụ sở Công an quận 1, nay là Công an quận Hoàn Kiếm).

Giờ phút trọng đại

Đoàn xe chở hơn trăm cán bộ, chiến sĩ CA Hà Nội tập kết trong Ty Cảnh sát (số 2 Tràng Thi), Bá Hoàng cùng Lê Quân, Đoàn Thiện Tâm (sau này là Phó trưởng CA quận 1) được phân công ở lại trụ sở. Số anh em còn lại tỏa xuống các đồn cảnh sát thuộc địa bàn quận, lúc đó còn gồm nhiều khu vực ở các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình bây giờ. Hằng ngày, ông Hoàng có nhiệm vụ tới gặp các đồng chí ta đang làm nhiệm vụ tại các đồn cảnh sát truyền đạt, phổ biến chỉ thị của cấp trên tiến hành từng bước việc ổn định ANTT, vận động nhân dân chuẩn bị đón ngày đại quân ta về tiếp quản Thủ đô.

Trong thời gian 5 ngày cuối cùng sống chung với quân Pháp và ngụy quyền để nắm tình hình ANTT, có một cảnh binh người Việt cứ tới lân la làm quen, hỏi: "Có phải khẩu súng anh đang đeo là súng gỗ?". Biết là đòn tâm lý của địch, ông Hoàng dõng dạc trả lời người cảnh binh: "Giờ này các anh còn mê muội thế à?", rồi rút súng đập bốp lên bàn. Nhìn vẻ mặt của người cảnh binh, nhớ lại chi tiết lúc ngồi trên xe ô tô về Hà Nội, trong số những người dân vẫy chào, có người còn bán tín, bán nghi nói "không phải là Việt Minh bởi Việt Minh đâu có cao to như thế này" (vì từ ông Thân, ông Hoàng cho đến nhiều anh em trong đoàn CA đều có thân hình cao to trên 1,70m), ông nén giận, nghĩ: "Sống những năm tháng trong vùng địch chiếm giữ, người dân bị tuyên truyền Việt Minh thiếu ăn nên người gày còm, hơn nữa người cảnh binh này lại làm việc cho giặc thì sự "mê muội" là dễ hiểu, không nên chê trách mà phải vận động khéo léo để họ tuyên truyền lại sự thực cho mình".

Trước sáng sớm ngày 10-10-1954, mọi công việc chuẩn bị cho ngày trọng đại đã được lực lượng CA hoàn tất ở các đồn cảnh sát 4 quận nội thành (khu vực Hà Nội lúc đó chỉ gồm 4 quận nội thành đánh theo số thứ tự). 7h sáng cùng ngày, lính Pháp ở trong quận 1 mới tiến hành bàn giao phòng làm việc cho ta. Theo chỉ đạo của ông Lê Quân, Trưởng Công an quận 1, ông Hoàng giám sát chặt chẽ mọi hành động của quân Pháp, đề phòng việc gài mìn, phá hoại trụ sở trước khi rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp bàn giao đến đâu, ông Hoàng đóng, khóa cửa đến đấy. Khi phía Pháp vừa rút cờ treo trên nóc tầng 2, Bá Hoàng cầm lá cờ của Tổ quốc trèo lên gác, treo ngay vào vị trí vừa rút cờ của họ. Nhìn phía dưới đường, thấy nhân dân vỗ tay hoan hô reo mừng, ông Hoàng phấn khởi quên mình đang đứng ở cầu thang nên bước hụt xuống. May mà có đồng đội đỡ kịp...

Vừa hoàn thành nhiệm vụ treo lá cờ Tổ quốc thiêng liêng lên nóc trụ sở Ty Cảnh sát bước ra sân thì ngay lúc đó, một đoàn quay phim của đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng người Nga Roman Karmen đề nghị được quay phim những chiến sĩ CA đã đảm đương nhiệm vụ vẻ vang, chuẩn bị an toàn cho ngày đoàn quân chiến thắng trở về. Trước đề nghị trên, tất cả cán bộ chiến sĩ CA đều đồng thanh vừa vỗ tay, vừa hát bài "Vì nhân dân quên mình".

Quay xong cảnh trên, đoàn làm phim tiếp tục ra khu vực Bờ hồ Hoàn Kiếm. Các cán bộ, chiến sĩ CA Hà Nội cũng bước nhanh ra trước cổng trụ sở bởi giờ phút lịch sử đã tới gần. Đúng 8 giờ ngày 10-10-1954, nghe tiếng bước chân rầm rập từ phía đường Hàng Bài, nhìn rõ tướng Vương Thừa Vũ, bác sĩ Trần Duy Hưng đi đầu đoàn hùng binh tiến về khu vực trung tâm thành phố giữa rừng cờ hoa vẫy chào, như bao người dân Hà Nội khác, một cảm xúc phấn chấn xen lẫn niềm tự hào trào dâng trong lòng các cán bộ, chiến sĩ CA Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhớ ngày đầu tiếp quản Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.