Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Thế nào là thanh lịch và có hay không?

Nguyễn Ngọc Tiến| 13/10/2012 07:33

(HNM) - Trước khi bàn đến chuyện có hay không nếp sống thanh lịch thì cần phải làm rõ khái niệm này, vậy thế nào là thanh lịch? Có hai cách giải thích...

Theo họ thì thanh có nghĩa là “Cách suy nghĩ biết trọng điều thanh cao trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn cao thượng mà vẫn gần gũi bình dị, không ích kỷ, nhỏ nhen tầm thường. Thanh liêm với của cải xã hội và của người khác. Thanh đạm, thanh bạch trong cuộc sống đời thường; thanh nhã trong cử chỉ, hành vi, nói năng... Còn lịch được cắt nghĩa như sau: “Lịch là sự lịch lãm, có nghĩa là xem nhiều, quan sát nhiều; lịch duyệt là người hiểu biết rộng; lịch thiệp là người từng đi nhiều, thành thạo trong giao tiếp còn lịch sự là thể hiện cách ứng xử văn hóa, văn minh thân thiện”.

Nhiều gia đình tại Hà Nội vẫn giữ được nét truyền thống xưa.


Họ cũng giải thích muốn có thanh thì con người phải rèn luyện, còn muốn có lịch thì phải từng trải, sàng lọc và tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống mới có được. Và thanh phải đi với lịch mới trọn vẹn ý nghĩa vì trong cuộc sống có người chỉ có thanh mà không có lịch hoặc ngược lại.

Nếu theo quan niệm thứ hai thì Thăng Long-Hà Nội có rất ít người thanh lịch vì tính đến cuối thế kỷ XIX, Thăng Long-Hà Nội vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông, một số ít làm hàng thủ công và buôn bán nên kinh tế nói chung là khó khăn. Mặt khác chỉ người có tuổi mới từng trải, mới có độ lịch lãm... Cho nên quan niệm thứ nhất là hợp lý hơn. Nếu nhìn từ góc độ đạo đức xã hội thì thanh lịch ra đời từ đòi hỏi của chính cuộc sống, nhưng cũng rất có thể thanh lịch được hình thành vì phong cách sống của người Thăng Long - Hà Nội khi còn là đất Kẻ Chợ chưa cao đẹp nên các bậc thức giả sĩ phu phải tạo dựng ra mẫu hình để mọi người hướng tới?

Trong ca dao Hà Nội có khá nhiều câu liên quan đến thanh lịch, ví như người làng Láng nổi tiếng với cây húng có vị cay nhẹ, thơm thanh nhai hơi bùi mà khi bán còn phải: “... Mượn người thanh lịch gánh lên Kinh kỳ”. Tuy nhiên câu ca dao mà nhiều người hay nhắc đến là:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Không chỉ trong ca dao, thơ hay các tác phẩm luận về thế sự, nhiều nhà Nho cũng không tiếc lời ngợi ca văn hóa và nét đẹp trong lối sống của người Thăng Long-Hà Nội, trong đó phải kể đến “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ (1768-1839). “Vũ trung tùy bút” bàn đến nhiều chuyện ở Thăng Long. Về uống rượu ông viết: “Chỉ vào dịp lễ tết người Thăng Long mới uống rượu, họ dùng những chén nhỏ và uống vừa đủ để câu chuyện thêm nồng”. Về thú chơi hoa, ông viết: “Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người, nói cách khác chỉ cần nhìn người chơi hoa cũng có thể biết đạo lý của người chơi hoa. Trong cách chơi vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả”.

Trong bài viết “30 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa folklo ở Hà Nội”, GS Trần Quốc Vượng, một trong những nhà sử học có nhiều nghiên cứu thấu đáo về một số vấn đề trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội đã khẳng định: “Hà Nội có một phong độ văn hóa riêng, một tiếng nói riêng: Tiếng Hà Nội, một cung cách ứng xử giao tiếp riêng: ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch”. Không chỉ sách của các tác giả trong nước, các cuốn sách của những người ngoại quốc viết về xứ Đàng Ngoài mà chủ yếu ở Thăng Long như: “Miêu tả vương quốc xứ Đàng Ngoài” viết vào thế kỷ XVII của tác giả Samuel Baron. Baron sống mấy chục năm ở Thăng Long, là con lai giữa một người Hà Lan và phụ nữ Thăng Long, ông này làm việc cho Công ty Đông Ấn Anh ở Thăng Long. Về uống rượu, Baron viết: “Rất ít khi thấy người uống rượu mặt đỏ gay ở ngoài đường hay bị quá say nằm vạ vật”.

Trong cuốn “Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị xứ Đàng Ngoài” của thầy tu Richard xuất bản vào thế kỷ XVIII, ông này ca ngợi cách ăn mặc của phụ nữ Thăng Long “Bên trong chiếc áo giản dị là cả thế giới mầu sắc kết hợp với nhau rất hài hòa để lộ ra cái yếm với các màu sắc nhã nhặn khác nhau”. Trong các bài viết của người Pháp cuối thế kỷ XIX đầu XX, trong đó có cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” của bác sĩ Hocrquard, người theo chân đội quân viễn chinh xâm lược các nước Đông Dương thì ngoài những đoạn miệt thị, chê bai dân An Nam, người Thăng Long - Hà Nội thì cũng có rất nhiều đoạn văn miêu tả về nếp sống Hà Nội cùng với những nhận định rất khách quan. Dù các đoạn văn mô tả còn sơ sài và thiếu chi tiết nhưng nó cũng là những phác thảo về nếp sống đẹp qua các tập tục ở Thăng Long - Hà Nội.

Như vậy có thể khẳng định nếp sống thanh lịch ở Thăng Long - Hà Nội là có thật. Tuy nhiên người không thanh lịch cũng không có nghĩa là người xấu, thanh lịch ở đây được hiểu như là lối sống ở tầng cao hơn lối sống thông thường có tính linh động để thích nghi với sự biến đổi của xã hội.

Thanh lịch có từ bao giờ?

Đến giữa thế kỷ XIX, thời vua Tự Đức thì phố Hà Nội vẫn nằm trong làng và phố không phải theo kiểu Châu Âu mà chỉ là nơi các gia đình làm cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công, chỗ ở và là cửa hàng bán hàng hóa thì liệu có nếp sống thanh lịch không trong khi nếp sống này cần phải có không gian văn hóa, có các quy định chặt chẽ của một đô thị. Trong chương trình “Nghĩ mở, nói thẳng” với chủ đề: “Bàn về thanh lịch của người Hà Nội” trên VTV2 (ghi hình ngày 20-9-2012), khách mời - nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng nếp sống đô thị kiểu Châu Âu mới xuất hiện vào năm 1888, năm mà Hà Nội trở thành thành phố thuộc địa của Pháp (với diện tích khá hẹp, từ phố Tràng Thi đến Cửa Nam hiện nay hắt lên đến bờ đê sông Hồng). Khi đó chính phủ Pháp ra quyết định tổ chức bộ máy dân sự theo mô hình các thành phố của Pháp gồm: Đốc lý (thị trưởng) do Toàn quyền Đông Dương chỉ định, hội đồng thành phố do dân bầu, có các quy định cụ thể và chi tiết cho hoạt động của một đô thị... và kèm theo đó là các hình thức xử phạt. Hằng ngày có cảnh sát đi tuần các phố phạt tiền tất cả những ai vi phạm nên thành phố dần dần đi vào nề nếp và điều này hình thành nếp sống quy củ.

Thế còn các câu ca dao có các chữ thanh lịch, mà tiêu biểu là câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” ra đời khi nào? Cũng là khách mời trong chương trình nói trên cùng với nhà sử học Dương Trung Quốc, GS Lê Văn Lan cho rằng câu thơ trên là của Nguyễn Công Trứ khi ông dẫn chứng trong luận văn tiến sỹ về ca trù, người ta đã phát hiện ra hai câu đó là câu mưỡu (câu hát mở đầu của các bài ca trù -NV) trong một bài ca trù của Nguyễn Công Trứ (1778-1858). Song GS Lê Văn Lan cũng không biết câu đó là của Nguyễn Công Trứ viết ra hay Nguyễn Công Trứ lấy từ ca dao Hà Nội. Đi tìm thời gian ra đời của một phong cách sống không thật dễ dàng vì nếp sống được tích tụ và sàng lọc theo chiều dài lịch sử nên khó có câu trả lời nếp sống thanh lịch có từ bao giờ. Nhưng dù thế nào thì đó cũng là căn cứ để có thể đưa ra kết luận: muộn nhất thì câu ca dao (hay câu mưỡu) đó xuất hiện vào thời Nguyễn Công Trứ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Thế nào là thanh lịch và có hay không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.