Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Nếp sống thanh lịch đang mai một

Nguyễn Ngọc Tiến| 14/10/2012 08:26

(HNM) - Nếp sống thanh lịch không có trong gen, không tự nhiên mà có. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên không thể có ngay phong cách sống thanh lịch dù gia đình nhiều đời sống ở Hà Nội. Nếp sống thanh lịch do ba yếu tố cơ bản tạo nên là giáo dục, tu dưỡng và môi trường sống.


Những nét đẹp cần được nhân rộng trong đời sống cộng đồng. Ảnh: TTXVN

Trong ba năm, 1986, 1987, 1988 Hội Nhiếp ảnh Hà Nội đã tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề "Hà Nội đẹp và chưa đẹp". Hàng trăm bức ảnh chưa đẹp khá đa dạng: Trẻ em trèo trên cây tè xuống đất, người lớn đổ rác ra đường, đổ nước từ trên gác xuống đất, anh công an đi xe đạp trong công viên... Qua triển lãm đã khiến người xem giật mình: Nếp sống thanh lịch của Hà Nội đang rạn nứt? Trong một bài viết nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1994), GS Trần Quốc Vượng nhận định: Thanh lịch mà biểu hiện qua lối sống đã xuống cấp. Như vậy, có thể khẳng định nếp sống thanh lịch đã xuống trước khi có cuộc thi ảnh "Hà Nội đẹp và chưa đẹp". Và đến hôm nay, lời cảnh báo của ông đang cụ thể hơn, rõ hơn và trầm trọng hơn.

Có nhiều nguyên nhân khiến nếp sống đẹp này đang mai một, đầu tiên phải kể đến là giáo dục. Giáo dục ở đây phải hiểu ở ba khía cạnh: Giáo dục ở nhà trường, dạy bảo của gia đình và giáo dục pháp luật cùng các hình thức phạt. Thực tế cho thấy, lâu nay chúng ta giáo dục trẻ em ở trường về văn hóa, về thanh lịch không đến đầu đến cuối, nặng về kiến thức và điểm số. Thi vào THPT nếu không đủ điểm chuẩn chắc chắn là không đỗ cho dù học sinh đó có ngoan đến mấy, hoạt động xã hội từ thiện có tích cực đến mấy. Có một hình thức giáo dục rất hay là giáo dục của cộng đồng thì nay đã gần như không còn. Một thời, người lớn thấy trẻ em ngoài đường nói tục, chửi bậy, trèo me, trèo sấu là dừng xe đạp mắng hay quát dù không phải là con cháu nhà mình. Và những đứa trẻ bị quát mắng hiếm khi phản ứng lại theo cách hỗn láo với người lớn. Trẻ con hàng phố trèo me, trèo sấu, nhảy tàu điện mà người thân hay quen nhìn thấy thế nào cũng mách bố mẹ chúng và chắc chắn người lớn tuổi trong gia đình sẽ cảm ơn người mách. Còn bây giờ ra ngoài đường thấy trẻ hỗn láo, chửi bậy, đi xe ngược chiều... thì tốt nhất nên tránh vì nếu góp ý có khi bị chúng nói hỗn, thậm chí còn mang vạ vào thân. Giáo dục và dạy dỗ ở gia đình cũng có lỗ hổng lớn, một số gia đình kinh tế khó khăn nên người lớn phải nai lưng ra kiếm sống dẫn đến việc dạy dỗ con cái có phần buông lỏng hoặc không đến nơi đến chốn, điều họ quan tâm nhất là đi họp phụ huynh cuối năm con mình có được lên lớp hay không. Không ít gia đình khá giả lại quá chiều chuộng con cái, khi chúng đòi hỏi mua điện thoại đời mới hay xe máy xịn mà không được đáp ứng, có em đã phản ứng bằng cách bỏ đến sống ở nhà bạn bè. Những dự án mang tính giáo dục văn minh, thanh lịch cho đến nay không có nhiều và không phải dự án nào cũng phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Về giáo dục pháp luật thì "xuân thu nhị kỳ" mới có người đến nói chuyện theo chuyên đề. Thực hiện pháp luật thì nhiều nơi, nhiều lúc vẫn "đánh trống bỏ dùi", ví dụ như trước khi diễn ra SEA Games 22 (năm 2003) ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc, cơ quan chức năng triển khai chiến dịch đưa trẻ em đánh giày hồi cư, tổ chức các đội thanh tra văn hóa nhắc nhở người ngủ ở vườn hoa, công viên, nhưng khi SEA Games kết thúc, thì mọi chuyện lại đâu vào đấy, trẻ em đánh giày lại quay trở lại đường phố, cảnh ngủ trên ghế đá công viên vẫn tiếp diễn. Một ví dụ khác là nạn rao vặt quảng cáo sau một thời gian làm nghiêm với các biện pháp cắt số điện thoại, phạt hay thu đăng ký kinh doanh nhưng nay quảng cáo, rao vặt trên tường, cột điện lại xuất hiện trở lại. Tại các di tích lịch sử văn hóa, như tháp Hòa Phong, Tháp Bút nằm ngay bên hồ Hoàn Kiếm, nơi mà khách du lịch trong nước, ngoài nước thăm viếng hằng ngày và dù có đội ngũ nhân viên bảo vệ khá đông nhưng vẫn đầy chữ viết, hình vẽ lăng nhăng trên các viên gạch hàng trăm năm tuổi. Hằng ngày, ai cũng dễ dàng nhận thấy cảnh "5 trong 1" (xe không biển kiểm soát, chở 3 người, vừa lái xe vừa gọi điện thoại di động, không mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ) của một bộ phận thanh niên tham gia giao thông. Chính quyền đã có những quy định rất cụ thể về nếp sống văn minh, thanh lịch nơi công cộng với mức phạt khác nhau song mùa hè, đếm không hết thanh niên cởi trần phóng xe máy ầm ầm trên phố. Nói năng nơi công cộng như cãi vã; vào cuộc họp, hội nghị nhưng cứ để chuông điện thoại di động reo mặc xung quanh, mặc chủ tọa. Nhiều người nước ngoài sống thời gian dài ở Hà Nội phàn nàn về tình trạng thanh niên nói tục, chửi bậy với cả những người đáng bậc cha chú hay tuổi con, em họ. Công trình "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" mới hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng người ta thản nhiên làm đủ kiểu lên nó đến mức các miếng gốm bị xám đen. Vi phạm không bị xử lý đến nơi đến chốn nên lâu thành thói quen, nên việc họ hồn nhiên và thỏa mái vi phạm khiến những người chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật bức xúc.

Nguyên nhân thứ hai là các giá trị nhân văn không được xã hội đề cao bằng đồng tiền. Từ lối sống trọng "nhân", trọng "đức" đã chuyển sang lối sống thực dụng. Trong suy nghĩ của không ít người thì tiền là tất cả, là cái đích cuối cùng. Những người này bán rẻ lương tâm để kiếm tiền bằng mọi cách, thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật. Anh em trong nhà tranh nhau vài phân đất để rồi dẫn đến đánh nhau và từ mặt nhau. Tham ô, tham nhũng cậy chức, cậy quyền nhũng nhiễu người dân trở thành căn bệnh lây lan trong xã hội. Chuyện "bán anh em xa mua láng giềng gần" giờ chỉ là câu nói của một thời bởi giờ đây nhà nào biết nhà nấy, những ngôi nhà cao ngất với cánh cửa lạnh lùng luôn luôn khép kín ở những con phố mới. Những lời khen con nhà này, nhà kia làm ăn, kiếm tiền giỏi, đi xe đắt tiền, mua nhà to bất chấp họ làm ăn phi pháp nhiều hơn những lời khen con nhà này ngoan, con nhà kia đạo đức, lễ phép. Trên các trang báo, đặc biệt là các trang mạng, tỷ lệ thông tin về các gương tốt, nếp sống đẹp chẳng là bao so với các tin bài gây sốc và không những thế lại không được tô đậm khiến nó bị chìm nghỉm trong muôn vàn thông tin diễn ra hằng ngày nên hiệu quả giáo dục, tuyên truyền không cao.

Nguyên nhân thứ ba là người lớn thiếu gương mẫu, nên có giáo dục lớp trẻ cũng không tin.

Nguyên nhân thứ tư là môi trường sống hiện đang có vấn đề. Nhiều người cho rằng, mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho môi trường sống bất ổn, lối sống đẹp ngày càng mai một. Có lẽ đây chỉ là một nguyên nhân, sang thủ đô Bangkok của Thái Lan, Kuala Lumpur (Malaysia) hay các thành phố Thượng Hải, Thâm Quyến, Nam Ninh, Thiên Tân... của Trung Quốc xem sự xuống cấp về lối sống có thể có một cách nghĩ khác?

Nguyên nhân thứ năm liên quan đến một bộ phận người nhập cư, họ mang về Hà Nội những cái hay đồng thời cũng mang về cả những cái dở. Họ sống, cư xử với đô thị như ở làng xã trong khi đô thị và làng xã khác nhau. Khi phong cách sống thanh lịch chưa đủ mạnh để Hà Nội có thể "Hà Nội hóa" dân cư các vùng miền khác đến sinh sống thì chính một bộ phận người nhập cư lại "nông thôn hóa Hà Nội" cũng là điều dễ hiểu.

Khi lòng tự trọng ngày càng vơi, giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch thiếu cụ thể và lõm bõm; quản lý đô thị, quản lý văn hóa theo chiến dịch… thì những mai một trong nếp sống thanh lịch của người Hà Nội là câu chuyện tất yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Nếp sống thanh lịch đang mai một

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.