Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thủ đô đêm nay không ngủ”

Tô Nhuận Vỹ| 19/10/2012 07:06

LTS: Nhiều độc giả biết Tô Nhuận Vỹ là nhà văn xứ Huế, từng là phóng viên mặt trận Thừa Thiên - Huế, song không nhiều người biết giữa những ngày Thủ đô sục sôi đánh Mỹ, Tô Nhuận Vỹ đã từng đứng trong đội ngũ những người làm Báo Hànộimới. Nhân kỷ niệm 55 năm Báo Hànộimới hằng ngày ra số đầu, ông đã gửi tới độc giả và đồng nghiệp những dòng suy nghĩ, cảm xúc về Thủ đô yêu dấu, về tờ báo ông đã từng gắn bó. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Phố Khâm Thiên trong đêm 26-12-1972 bị máy bay B52 của Mỹ rải thảm. Ảnh: Tư Liệu

“Thủ đô đêm nay không ngủ” là tên bài báo tôi viết cách đây hơn bốn mươi năm, đăng trên báo Hànộimới ngày 31-12-1972.

Từ Huế theo cha tập kết ra Bắc, tôi học cấp 2 trường Thăng Long, cấp 3 Chu Văn An, rồi vào học khoa Văn - Sử của Trường Đại học Sư phạm Hà nội. Tốt nghiệp xong đi dạy cấp 3 ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) được một năm thì về quê hương làm phóng viên báo Cờ Giải phóng Thừa Thiên - Huế. Bị thương ở mặt trận Nam Huế sau chiến dịch Mậu Thân, tôi được đưa ra Bắc. Trong lúc điều trị ở Hà Nội, tôi viết một số bài gửi đăng báo Hànộimới như Gửi Hà Nội (ngày 25-1-1969), Sông Hương mình đẹp lắm (số 31-1-1969), Huế những ngày xuân chiến thắng (16-2-1969)…

Trước lúc trở lại chiến trường, tôi tham gia học khóa 5, Trường bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, cùng lớp có một số nhà thơ từ miền Nam ra như Thu Bồn, Liên Nam… Mùa Giáng sinh 1972, Mỹ ném bom hủy diệt Hà Nội. Khóa học sơ tán lên vùng Sấu Giá (thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ). Hội Nhà văn quyết định thành lập tổ phóng viên đặc biệt, gồm những người đã “quen” bom đạn như tôi và anh Văn Dinh (Quảng Bình)… để tăng cường cho báo Hànộimới. Trong tổ còn có một học viên là phóng viên Hànộimới, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Tổ “phóng viên biệt phái” do Phó Tổng biên tập Dương Linh trực tiếp chỉ đạo. Tôi lấy bút danh là Tô Thế Quảng. Sau mỗi lần dứt tiếng bom, tổ phóng viên đặc biệt lại lặn lội đạp xe đi Đông Anh, Mễ Trì, An Dương, Khâm Thiên… để lấy tư liệu, viết bài phản ánh tội ác của đế quốc Mỹ.

Bài Thủ đô đêm nay không ngủ tôi viết ngay sau đêm máy bay B52 Mỹ rải thảm khu Khâm Thiên, dưới tựa đề ghi Tô Thế Quảng, từ Hà Nội gửi Nguyễn Khoa Điềm ở Huế. Tôi viết lúc trái tim như tức vỡ và nước mắt ràn rụa: “… thằng thiếu tá, thằng đại tá, thằng tướng, thằng chuẩn đô đốc Mỹ nào ấn nút bom, chỉ huy trận chụp Khâm Thiên đã lủng lẳng trên ngực tấm huân chương “Ngôi sao bạc”, huân chương “Trái tim đỏ thắm” chưa? “Trái tim đỏ” là cái vuốt quỷ bóp tóe ra hàng nghìn lít máu từ tim, từ thân thể trẻ con, cụ già Khâm Thiên đêm qua. Ôi, cha mẹ tôi, anh em tôi… ai nằm đó bất động suốt vỉa hè dài ngổn ngang? Những sọt cải, sọt su hào bầm nát, biến thành màu đất trước cửa hàng rau quả số 15. Mấy chục, mấy trăm chăn bông sắp về những gia đình lao động ngày rét buốt đã toe tướp, chôn vùi. Hợp tác xã may đo áo quần đàn bà, ông lang Báo bắt mạch kê đơn, cái đàn ghi-ta Et-spa-nhon… có tội gì?”.

Trên trang nhất số báo ngày hôm sau là bài tường thuật “Hà Nội tưng bừng tổ chức mừng công đợt đầu chiến thắng vang dội non sông”, 11 ngày đêm chiến đấu đã quật tan xác trên bầu trời Hà nội 23 “pháo đài bay” B52, 2 “cánh cụp cánh xòe” (F.111) và 3 máy bay phản lực các loại khác; điện mừng chiến thắng của Sài Gòn -  Gia Định và Huế… Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội đọc diễn văn hào hùng: “… Bè lũ Ních-xơn tưởng rằng, bằng chiến tranh hủy diệt, bằng hành động côn đồ, bạo tàn và dã man, chúng có thể làm lung lạc ý chí chiến đấu của nhân dân ta… Nhưng chúng đã lầm to!...”.

Vâng, giặc Mỹ đã lầm to! Tôi nhớ lại hôm B52 rải bom thẳng vô khu dân cư, băm nát Mễ Trì, hơn 60 người chết và 30 người bị thương. Giữa dây nổ bom B52, từ dưới hầm bị sập, tiếng kêu của ông Cửu với lên:

- Các đồng chí đảng viên đâu, cứu tôi với!
- Đảng viên đây! Chúng tôi đang đào!

Mặc bom, họ - anh Mão, cô Toàn, anh Mai, ba đảng viên - hục vào đất, cứu đồng đội. Anh Mão vừa từ chỗ đứa con đầu gần tắt thở chạy ra. Và trái tim vợ anh, trái tim bốn đứa con anh ngừng đập đúng lúc anh cứu được ông Cửu.

Phố Khâm Thiên, những ngày tháng đau thương đã đi vào lịch sử. Ảnh: Chu Chí Thành

- Lúc tôi lên mười, làng Hạ này gặp đại nạn: Cháy tới 30 hộ. Thời thằng Tây, cộng cả 9 năm, cũng “đi” đâu có chín, mười người. Tới thằng Ních - xơn này… nó không còn là giống người nữa!

Cái mác trong tay ông lão 67 tuổi Thạch Vĩnh Khánh rung lên. Vợ ông, cháu nội ông bị chết ngay loạt bom đầu tiên. Cụ không còn nước mắt mà khóc nữa. Ông giục chị Khoai - con dâu cụ, là Bí thư Đảng ủy - đi lo việc xã khẩn cấp, chuyện nhà tan nát để đó ông lo. Ông nhờ chúng tôi nhắn với con trai là Thạch Vĩnh Thuyên đang ở chiến trường miền Nam, rằng “dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng không được xê dịch tinh thần, hãy vững lòng đánh giặc, trả thù cho mẹ mày, con mày và bà con Mễ Trì Hạ”.

Và tôi nhớ đến anh em, đồng đội của tôi đang ở chiến trường Huế, nghe nói những ngày này trong đó B52 ít hẳn, mà lòng rưng rưng muốn khóc. Hà Nội đã “hút” hết B52, chia lửa với Huế và Sài Gòn. Lại nhớ ngày 29-6-1966 khi chúng nó đánh Hà Nội lần đầu. Chiều đó anh em không nuốt được cơm và cả tiểu đoàn địch bị đền nợ ở Câu - Nhi. Vùng hoa Nhật Tân tan nát, đêm đó ta đánh vào Phú Bài…

“… Điềm ơi, Thủ đô đêm nay không ngủ cho chẳng bao giờ bầu trời chúng ta phải đen ố bởi những vệt đen địa ngục ấy nữa. Chúng mình chờ bài thơ về những đêm không ngủ của Huế trong đó và của Thủ đô chúng ta ngoài này”…

Hà Nội mùa Giáng sinh 1972 là kỷ niệm bi hùng đặc biệt trong cuộc đời của tôi. Cứ mỗi độ thu về, đông đến là trong tôi lại hiện về những hình ảnh đau thương và anh hùng của Hà Nội ngày ấy. Vì vậy, dấu ấn bi hùng của Hà Nội những ngày đó thấm đẫm trong tiểu thuyết “Vùng sâu” của tôi mới ra mắt bạn đọc.

Tôi xin trích đoạn Trinh, một sinh viên, từ chỗ sơ tán chạy về Hà Nội đêm B52 thảm sát Khâm Thiên:

“… Những dây bom rùng rùng nối nhau những chớp sáng nhay nháy như sóng giữa trời và sau đó là những tiếng kêu:

- Phía sân bay Đa Phúc!
- Mạn Đông Anh, nhà ngoại tao rồi!
- Chắc Mễ Trì, Khương Thượng quá.
- Không. Khâm Thiên…

Trinh rùng mình như có một bàn tay vô hình rung sợi giây linh giác trong cơ thể cô. Trinh lén trốn thầy và bạn bè, đạp như điên suốt hơn ba mươi cây số trong hai giờ rưỡi. Con đường đêm sáng hừng như đêm phương Bắc, ánh sáng từ bầu trời phản quang cả thành phố bốc cháy. Càng về đến gần thành phố, trên đường càng dày đặc đoàn người kĩu kịt xe thồ, xe đạp, xe máy, ô tô… đi ngược lại. Tất cả đều lặng lẽ, lầm lì, phần lớn là người già, con nít, lúc lúc lại ngoái nhìn lại phía sau. Trinh chợt dừng xe lại, tựa lưng vào một gốc phi lao bên đường, nhìn đoàn cụ già, em bé tản cư mà nước mắt trào ra. Họ ra đi cho người thân rảnh tay quần thảo với kẻ thù. Ôi chao, trái tim bé nhỏ của Trinh sao nó đập vô hồi. Thương biết bao các đứa em Trinh kia, các người ông, người bà của Trinh kia, tất cả như một dòng chảy thần thánh, là dòng máu đang rần rật trong cơ thể Trinh đây. Trinh muốn đọc to lên trong đêm câu thơ nghẹn ngào ấy mà lần nào cất lên trong lớp cô cũng trào nước mắt: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, Những buổi nghìn xưa vọng nói về”… Ôi, đất nước cơ hàn và đau đớn của Trinh!”…

Vâng, Hà Nội, từ lâu, từ những ngày máu lửa thương đau, đã là quê hương thứ hai của tôi.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thủ đô đêm nay không ngủ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.