Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Ngư dân long đong vì thiếu vốn

Thanh Hải Thủy| 08/11/2012 06:21

(HNM) - Gần một năm qua, anh Lý Văn Vương, trú tại thôn Ca Công, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cầm đơn xin vay vốn chạy đôn đáo khắp nơi nhưng không có ngân hàng nào chấp thuận.

(HNM) - Gần một năm qua, anh Lý Văn Vương, trú tại thôn Ca Công, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cầm đơn xin vay vốn chạy đôn đáo khắp nơi nhưng không có ngân hàng nào chấp thuận. Năm 2010, vợ chồng anh tích cóp, vay mượn được hơn 800 triệu mua lại chiếc tàu cũ có công suất 165 mã lực. Đi biển được vài lần, vốn chưa thu hồi được bao nhiêu, tháng 5-2011, khi đang đánh bắt ở phía nam đảo Phú Quý, tàu cá của anh Vương bị một chiếc tàu nước ngoài tông chìm rồi bỏ chạy. Dù tay trắng nhưng anh Vương vẫn tự an ủi "còn người còn của".


Dịch vụ may vá lưới tại cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).

Nghe bạn bè mách nước, anh làm đơn, tập hợp toàn bộ hồ sơ về việc con tàu bị tai nạn đến gõ cửa các ngân hàng. Người ta nhìn anh như "từ trời rơi xuống" bởi anh không có tài sản thế chấp. Hàng trăm ngư dân muốn dùng tàu của mình để thế chấp ngân hàng vay vốn còn chưa được, huống hồ anh Vương lại muốn vay tiền ngân hàng để đóng tàu, rồi lại thế chấp bằng chính con tàu đó. Mon men tìm hiểu Nghị định 41/2010/ NĐ-CP về chính sách vay vốn ưu đãi dành cho nông dân, anh Vương khấp khởi mừng vì mình nằm trong diện đó. Tuy nhiên, khi biết chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng mà phải làm rất nhiều thủ tục phức tạp, anh lại tiu nghỉu vì số tiền đó chẳng bõ bèn gì để đóng một con tàu.

Ông Trần Tuấn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định chia sẻ: Xã chúng tôi có lượng tàu thuyền nhiều nhất tỉnh với đội tàu lên đến 650 chiếc. Nhu cầu về vốn đối với ngư dân là rất lớn nhưng họ không thể tiếp cận được các nguồn vốn vay. Chẳng biết ở nơi khác thì thế nào chứ ở xã Hoài Hương chưa có hộ gia đình nào được vay ưu đãi theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ (mặc dù nghị định này đã có hiệu lực gần 2 năm nay).

Ông Nguyễn Hữu Hào trước khi làm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có thời gian rất dài làm Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, công việc gắn bó nhiều với ngư dân nên ông thấu hiểu dân cần vốn như thế nào. Chuyện với phóng viên, ông than thở rằng, cơ chế, chính sách về vốn ưu đãi có quá nhiều rườm rà. Có những quy định đặt ra mà người dân không thể đáp ứng và hoàn thiện hồ sơ được. Để giảm bớt phiền hà, Hội Nông dân tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có nghị quyết liên tịch để triển khai thực hiện, trong đó Hội Nông dân sẽ đứng ra bảo lãnh, tín chấp cho ngư dân vay vốn. Dù áp dụng nhiều giải pháp nhưng số ngư dân được vay theo nguồn vốn này rất hạn chế.

Cũng về vấn đề vốn, ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thẳng thắn đề xuất: "Chính phủ cần sớm có chính sách tín dụng đặc biệt cho ngư dân để bà con đóng mới tàu thuyền. Có như vậy ngư dân mới đủ sức vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo". Ông Ân cho biết, Phú Yên có 37 nghìn tàu cá nhưng có đến 90% là tàu công suất nhỏ, không đủ điều kiện đánh bắt xa bờ. Dù rất muốn đóng mới tàu thuyền nhưng ngư dân không có vốn. Lãi suất mà ngân hàng chính sách áp dụng thấp (6,5% năm) nhưng nguồn vốn lại quá eo hẹp, trong khi lãi suất thương mại của các ngân hàng khác lại quá cao (13-15% năm), ngư dân không kham nổi.

Cũng là cách để giúp ngư dân, vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã làm việc với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cam kết cho ngư dân vay 70% giá trị tàu và được phép thế chấp bằng chính con tàu đó.

Rất cần Quỹ hỗ trợ ngư dân

Ông Trần Phương trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một trong số hàng nghìn ngư dân rơi vào cảnh trắng tay do tai nạn và những rủi ro trên biển. Hôm gặp chúng tôi, nét mặt ông đã rạng ngời, tự tin và hy vọng sẽ có ngày được tiếp tục ra khơi. Tháng 5-2012, tàu cá của ông đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc lãnh hải Việt Nam thì bị lực lượng kiểm ngư của Trung Quốc vô cớ bắt và tịch thu toàn bộ tàu cùng ngư cụ. Về đất liền với hai bàn tay trắng, ông Phương tuyệt vọng vì không có cơ hội sắm lại tàu thuyền. Đang lúc chán nản, ông được mọi người chỉ dẫn đến Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, đây là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận, hoạt động vì lợi ích cộng đồng do UBND tỉnh thành lập. Ngay sau khi nộp đơn và hồ sơ, ông về nhà chờ đợi. Bẵng đi 2 tháng, bất ngờ ông Phương nhận được quyết định giải ngân của quỹ, theo đó ông được hỗ trợ vay 400 triệu đồng, thời hạn 5 năm với mức lãi suất "tượng trưng" 4% năm, lại không phải thế chấp bất cứ tài sản gì. Có số tiền kha khá này, ông sẽ dành dụm vay mượn để tiếp tục đóng tàu ra khơi. Ông Phương phấn chấn nói: "Trong cái rủi có cái may. Nếu không có quỹ, tui không biết bấu víu vào đâu".

Có thể nói, Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên có sáng kiến về việc thành lập mô hình Quỹ hỗ trợ ngư dân. Ngay sau khi ra mắt, nhiều tỉnh, thành phố đã đến Quảng Ngãi học tập kinh nghiệm này để áp dụng cho địa phương mình. Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Thư ký Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi cho biết: "Từ năm 2005 đến nay, Quảng Ngãi có 145 ngư dân bị chết trên biển, 58 người bị thương, 408 tàu cá bị chìm, 159 tàu bị tịch thu... nên cuộc sống ngư dân gặp vô vàn khó khăn. Trong khi người dân rất khó để tiếp cận các nguồn vốn vay thì Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi mở ra mang tính chất chia sẻ, động viên nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo. Quỹ được thành lập trên cơ sở tự nguyện đóng góp của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Từ khi thành lập, quỹ đã có được số vốn khoảng hơn 5 tỷ đồng và sẽ tiếp tục được bổ sung. Năm 2012, quỹ đã hoàn thành việc giải ngân cho 4 chủ tàu bị tai nạn trên biển, mỗi tàu được hỗ trợ 300-400 triệu đồng, thăm và tặng quà cho 36 ngư dân mỗi suất 2 triệu đồng. Tuy chưa nhiều nhưng Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã động viên được người dân kiên trì bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc".

Sẽ có chính sách hỗ trợ ngư dân

Ngày 9-8-2012, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị bàn về hiện trạng và giải pháp tổ chức khai thác, quản lý, thu mua và chế biến hải sản. Có khá nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo, đặc biệt là vốn ưu đãi dành cho ngư dân. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, kiêm Tổng cục trưởng Thủy sản cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính soạn thảo chính sách hỗ trợ cho ngư dân đóng mới tàu thuyền trong năm 2012. Theo ông Vũ Văn Tám, nhu cầu về vốn cho ngư dân, chủ tàu đánh bắt xa bờ là rất lớn. Hiện Chính phủ đã có Nghị định 41/2010/NĐ-CP về tín dụng cho "tam nông", trong đó có thủy sản nhưng thời gian qua ngư dân rất khó để tiếp cận nguồn vốn này. Để đưa ra chính sách mới phù hợp, liên bộ phải nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng bởi trước đây (năm 1997) chúng ta đã có Chương trình 393 (dành cho đánh bắt xa bờ) nhưng sau đó không phát huy hiệu quả, phải dừng lại. Khai thác thủy sản là khai thác tài nguyên có tái tạo, do vậy chúng ta phải biết nguồn lợi thủy sản còn bao nhiêu từ đó mới có định hướng phát triển, số lượng tàu bao nhiêu là đủ. Nếu cứ ra chính sách chung chung, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ ồ ạt, khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, tàu phải "nằm bờ" thì dễ mất vốn.

Cũng theo ông Tám, Bộ NN&PTNT đang thực hiện thí điểm dự án đóng mới 30 tàu câu cá ngừ hiện đại (vỏ bọc thép hoặc vật liệu composite) tại ba tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Những tàu này được trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại như máy thu, máy thả câu, hệ thống bảo quản hải sản bằng nước biển lạnh tuần hoàn và có máy thông tin tầm xa... Khi hoàn thiện, Nhà nước sẽ hỗ trợ ngư dân một lần tiền tương đương 16-20% giá trị con tàu, hoặc hỗ trợ lãi suất vốn vay 70% giá trị con tàu đó trong 10 năm.

Dù chưa biết chính sách mới mà Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ ra sao nhưng với những tín hiệu bước đầu, ngư dân phần nào cảm thấy yên tâm hơn để tiếp tục bám biển, vươn khơi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Ngư dân long đong vì thiếu vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.