Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội đồng hương đặc biệt

Tuệ Diễm| 16/12/2012 06:05

(HNM) -  Chúng tôi tìm được một hội đồng hương đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh. Với họ, những cuộc gặp mặt, thường đẫm nước mắt, bởi họ là những nhân chứng đã sống trong khu tập thể của Bệnh viện Bạch Mai thời điểm bị máy bay B-52 Mỹ rải bom hủy diệt.

Tất bật ngược xuôi với cuộc sống, nhưng cứ đến ngày truyền thống bệnh viện và đầu năm mới, Hội đồng hương tập thể BV Bạch Mai với gần 100 hội viên lại tổ chức gặp mặt đầy đủ ba thế hệ, gồm những cán bộ ngày ấy, những đứa trẻ trong khu tập thể và thế hệ con cháu họ được sinh ra tại TP Hồ Chí Minh. Những cán bộ phục vụ trong BV Bạch Mai ngày ấy nay đã gần 80 tuổi, đầu tóc bạc phơ, còn lớp trẻ ngày ấy cũng đã ngoài 50. Họ họp nhau lại dù chẳng ai muốn gợi ra trước, nhưng hồi ức về B-52 tàn phá Hà Nội vẫn ùa về.


Bệnh viện Bạch Mai sau đợt tàn phá của máy bay B-52 Mỹ tháng 12 năm 1972.

Theo lời kể thì khu tập thể BV Bạch Mai ngày ấy chỉ là những ngôi nhà lá, phòng nọ cách phòng kia một tấm liếp mỏng. Trận đầu tiên Mỹ đánh vào BV Bạch Mai là ngày 18-12, sau đó liên tiếp đánh 3 trận, khốc liệt nhất là vào đêm 22 và trận cuối cùng vào đêm 25 rạng ngày 26-12. Lúc này, lực lượng tự vệ của BV đều là những y, bác sĩ trẻ và sinh viên thực tập và những người không có con nhỏ tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ. Bom đánh vào khu tập thể, đồ đạc của các y bác sĩ bay tung tóe, có người chỉ còn một bộ quần áo mặc trên người. Các cán bộ, nhân viên sống ở đây phải dời đến ở hẳn trong BV bởi hệ thống hầm của BV Bạch Mai được xây dựng kiên cố từ thời Pháp.

Bà Đỗ Minh Phụng (76 tuổi) trú tại đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3, nguyên là bác sĩ khoa Huyết học kể lại: “Quy định trực chiến của BV là hễ có tiếng còi báo động, tất cả y bác sĩ đều phải tập trung sẵn sàng làm nhiệm vụ. Đêm nào chúng tôi cũng ở hẳn trong BV. Tối 22-12, trời rét căm căm, vừa cởi áo len nằm ngủ đã nghe còi báo động và khi chưa kịp mặc áo thì bom thả ầm ầm. tôi đội vội cái gối trên đầu, há miệng ra cho hơi bom thoát để cân bằng áp lực tránh vỡ màng nhĩ, nhưng lại không nói, không thở được vì bao nhiêu đất cát trào vào hết cả miệng”. Lúc ấy, bà Phụng đang có thai 3 tháng người con út hiện nay, nhưng giấu chồng và đồng nghiệp để được ở lại BV làm nhiệm vụ. Khi bom rơi, tại BV có một y tá cũng tên là Phụng hy sinh. Tin loan đến nơi sơ tán khiến đồng đội tưởng bà Phụng chết nên dành hết tình thương lo cho hai đứa con đang gửi ở đây. Một tuần sau, lúc nửa đêm, người bảo vệ của khu sơ tán hoảng hồn khi thấy bà Phụng đến thăm con. Khi biết chuyện, họ vỡ òa, ôm nhau mà khóc.

Cũng đêm ngày 22-12 ấy, hầm trú ẩn của khoa Nội bị đánh sập, bọn “giặc trời” cướp đi sinh mạng của hơn 20 y, bác sĩ trẻ. khoa Sinh hóa cách hầm khoa Nội chỉ một bức tường, mọi người lại thoát nạn nhờ chọc thủng được lỗ thông khí trước khi kiệt sức vì thiếu ô xy. Bà Phan Thị Thưởng, hiện ngụ tại 900/23 Trần Hưng Đạo, quận 5, lúc ấy là người bình tĩnh tìm được cây xà beng để đục lỗ lấy không khí, kể lại: “Mọi người hoảng loạn tìm cách thoát khỏi hầm tối bưng nhưng vô vọng. Đã có lúc chúng tôi cực đoan, chỉ nghĩ tới cái chết. ai cũng lần mò ghi sẵn một mẩu giấy nhỏ có họ tên, thông tin đơn vị chồng hoặc vợ và nơi gửi con sơ tán để sẵn trong túi áo. Căn hầm dài 8m, rộng 4m, cao hơn 3m chứa 16 người. Sau mấy tiếng bị vùi lấp, không khí cạn dần và trở nên khó thở. Tôi kiếm được cây xà beng người ta để sẵn dưới hầm để cạy ống cống và nhớ ra giữa tầng trên và tầng hầm có gắn cục thủy tinh trong suốt để ánh sáng chiếu qua. Mọi người thấy vậy cũng gắng chút sức còn lại thay nhau chọc. Mò mẫm trong đêm tối, khi nghe tiếng xà beng đụng thủy tinh “bong bong”, chúng tôi reo mừng vì đã le lói sự sống. Sau 2 giờ, với sức lực và niềm hy vọng sống mãnh liệt, chúng tôi đã đục được lỗ thủng đủ để không khí lọt vào cho 16 người ngồi chụm lại cùng thở. Đến 8h sáng thì đội cứu sập phát hiện ra chúng tôi và tìm cách cứu thoát”.

Còn cô Lợi y vụ BV ngày nào, năm nay đã là bà lão 80 tuổi vẫn nhớ như in những ngày đau thương: “Sau khi di chuyển bệnh nhân xuống hầm trú ẩn an toàn thì quả bom đánh sập cầu thang khoa Da liễu. Người nằm trong cầu thang là chị Lan y tá thấy chúng tôi bèn gọi tên từng người khẩn thiết “cứu chị với, chị không thể cựa quậy được nữa”. Nhưng đến lúc chuyển được thanh xà ngang đi thì chị đã qua đời vì mất quá nhiều máu. Bác sĩ Phó chủ nhiệm khoa Da liễu, cùng trú tại hầm thì bị kẹt chân, nhưng may còn giữ được tính mạng. Đau đớn hơn, con dâu của ông là y tá đang mang thai, đã bị chết ngay trong hầm đó”.

Điểm tựa từ đau thương

Trong hội đồng hương, gia đình ông Phạm Minh Hiền có mẹ là bà Đạo trú ở khu tập thể B3 BV Bạch Mai, làm việc tại khoa Da liễu đã hy sinh trong trận bom để lại 3 người con. Ông Hiền là con út, mất mẹ khi mới chỉ là cậu bé mười tuổi và giờ đã bước qua tuổi 50. Nghẹn lại trong nỗi đau, ông nói với chúng tôi: “Tôi không muốn nhớ lại, bởi ký ức chẳng khác nào mảnh bom nằm trong gan ruột, nhưng nào có được, nỗi đau sẽ đồng hành với tôi hết cuộc đời”. Ông cho biết thêm, vài ngày nữa sẽ về Hà Nội làm giỗ mẹ và thắp hương cho các cô chú nằm lại trong lòng đất được bình yên.

nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa hiện công tác tại sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh không bao giờ quên được nỗi đau của 40 năm trước. Hôm ấy, mẹ Đạo, mẹ Thảo, mẹ Liên của khu tập thể B đều bị bom vùi chết. họ là những người mẹ thứ hai của chúng tôi”. Chị đã viết bài thơ khiến bao người khi đọc đều bật khóc: “Con chạy dọc hành lang gọi mẹ/Dưới hầm sâu mẹ bị chôn vùi/ Những tảng bê tông nặng hàng tấn đè lên hầm/Con còn nghe tiếng mẹ kêu cứu/Nhưng lòng đất sâu sức con nhỏ bé/Chỉ biết đứng nhìn tảng đá vô tri…”

Trong cuộc họp mặt đồng hương, những người của BV Bạch Mai năm xưa thường kể cho nhau nghe câu chuyện thiếu tá không quân Carl H.Jeffcoat gửi lời cầu xin từ Hỏa Lò (Hà Nội): “Chúng tôi thiết tha mong rằng những người lãnh đạo của nước Mỹ chấm dứt ngay những cuộc ném bom này. Họ cần làm mọi việc để cuộc chiến tranh chấm dứt ngay, để chúng tôi sớm được trở về với gia đình”. Jeffcoat còn nói với các nhà báo: “Chúng tôi bị lừa. Chỉ có thể là như thế. Họ bảo chúng tôi là ném bom mục tiêu quân sự. Đánh liền bốn lần vào một BV lớn, với hàng chục tấn bom thì không thể gọi là nhầm lẫn được”.

Cuộc gặp mặt của Hội đồng hương BV Bạch Mai dù đẫm nước mắt nhưng không bi lụy, bởi trong lòng mỗi người đều ngập tràn niềm tự hào về những năm tháng sống, chiến đấu vì Hà Nội, vì Tổ quốc và tấm gương hy sinh của các đồng nghiệp, của cha anh luôn là chỗ dựa tinh thần giúp họ vượt qua khó khăn, sống xứng đáng là những người con của một tập thể anh hùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đồng hương đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.