Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nữ dân quân bình dị

Nguyễn Quang Dũng| 21/12/2012 07:12

(HNM) - Giang Biên xưa nằm bên sông Đuống trôi một dòng lấp lánh, nay đã lên phường từ khi có quận Long Biên. Và ngôi nhà bà Nguyễn Thị Tý ở xóm Hòa Bình, làng Quán Tình, giờ là tổ 5 phường Giang Biên.


Đài quan sát Giang Biên là một trong 36 đài quan sát của khu vực ngoại thành Hà Nội. Trong 12 ngày đêm năm 1972, đài quan sát này là minh chứng hùng hồn về sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân.


Bà Nguyễn Thị Tý bên dấu tích đài quan sát năm xưa.

Ở đài quan sát phía Đông bắc thành phố

Ngày ấy, cô dân quân Nguyễn Thị Tý còn rất trẻ, mười tám tuổi xuân phơi phới! Vốn hay hát, sôi nổi, cô được phân công làm công tác thông tin của xã Giang Biên. Thanh niên trên công trường đắp đê sông Đuống thường được nghe giọng hát của cô Tý từ cái loa to đùng, "Như những cánh chim bay khắp bốn phương trời, đoàn ta đi tới những chân trời sáng tươi, kìa chân mây xa xôi nắng hồng đang vẫy gọi…". Có lẽ sớm gắn với cái nghiệp thông tin, nên khi Bộ Tư lệnh Thủ đô có khóa huấn luyện kiến thức cơ bản về đài quan sát, Nguyễn Thị Tý cùng ba bạn gái được huyện đội đưa vào danh sách đi học một tháng. Trở về làng, thay các anh đi bộ đội, bốn chị em lên đài quan sát canh gác bầu trời quê hương. Vui với nhiệm vụ mới, Nguyễn Thị Tý và các chị Nguyễn Thị Bắc ở xóm Quán Tình; chị Hoàng Thị Túc và Trương Thị Lai ở xóm Tình Quang, vừa sản xuất vừa thay nhau trực đài canh gác. Từ ngày 16-4-1972, khi đế quốc Mỹ mở chiến dịch Lai - nơ - bếch cơ II, ném bom Hà Nội, Hải Phòng, 36 đài quan sát của toàn ngoại thành được lệnh của Bộ Tư lệnh quân khu Thủ đô đã đồng loạt vào trận. Ở Gia Lâm, có đài quan sát ở làng Tư Đình để bảo vệ cầu Long Biên và cầu phao Chương Dương; đài quan sát ở Yên Thường và Giang Biên bảo vệ cầu Đuống, và các nhà máy Gỗ, Diêm, kho xăng Đức Giang. Trận địa pháo 14 ly 5 của dân quân xã đặt ngay trên đê, do ông Nguyễn Tuấn Phải là khẩu đội trưởng, chỉ cách đài quan sát 500m. Dân quân, tự vệ Giang Biên phải "phơi" trận địa ngay trên mặt đê như thế là để phối hợp với pháo cao xạ 100 ly; nhưng không thể khác được. Tiếng gọi thiêng liêng vì độc lập tự do của Tổ quốc lớn hơn tất thảy.

Bà Tý đưa tôi ra đài quan sát năm 1972, nay chỉ còn chân lô cốt mà thực dân Pháp xây từ thời 1948-1954, khi chiếm đóng quê hương Giang Biên và cả vùng bắc Đuống. Bà xúc động nói: dưới hầm lô cốt, có cả bộ đội thông tin làm việc và dân làng tôi trú ẩn khi bị máy bay đánh bom. Gọi là đài quan sát, vì gắn với nhiệm vụ đếm bom, chứ thực ra, chúng tôi phải làm cái chòi cao mới đếm được bom để kịp thời báo về cho huyện đội. Trên chòi có một máy điện thoại và dây nối về huyện đội, một ống nhòm, và thêm kẻng báo động của dân quân xã. Khi nghe còi báo động ở Nhà hát Lớn truyền sang là chúng tôi gõ kẻng báo động cho dân kịp thời vào hầm chữ A (hầm Cồn Cỏ). Bốn chị em tôi phân công trực chiến 24/24h, không rời chòi cao phút nào. Đêm 18-12-1972, Mỹ ném bom xuống nhiều nơi ở thành phố, trong đó có trọng điểm Đông Anh, Yên Viên, cầu Đuống. Xóm Đồng Tâm, cách cầu Đuống khoảng 2km, nơi cha mẹ tôi ở cũng bị dính bom. Đứng trên đài quan sát, bốn chị em thót tim gan. Đài chao đảo, rung lắc trong cơn bão bom B-52. Tôi nảy ra sáng kiến, bèn kêu to lên để ba cô lấy khăn quàng cổ buộc người vào ba chân chòi như tôi, thì sẽ không bị hắt xuống sông, trụ trên chòi làm tiếp nhiệm vụ. Cả đêm đếm bom to trùi trũi, như vãi xuống làng xóm, chúng tôi không kịp sợ, không kịp nghĩ gì ngoài một điều duy nhất, phải đứng vững trên chòi cao mà làm nhiệm vụ. May mà cả bốn chị em, không ai bị thương. Nhưng về đến xóm Đồng Tâm, tôi mới thấy rã rời. Cả làng nhỏ thanh bình bên sông phút chốc bị bom đạn giặc cày xới tan hoang; 18 người bị chết, trong đó có cả họ hàng ruột thịt của tôi. Nén đau thương, tang tóc, tôi động viên chị em làm nhiệm vụ suốt 12 ngày đêm. Đứng trên chòi cao, thấy rất rõ bom Mỹ rơi ở các địa điểm. Có hôm dây điện thoại nối với huyện đội bị đứt, tôi chạy như lao về huyện, nối lại đường dây.

Nay nhìn lại chân lô cốt, dấu vết còn lại của đài quan sát - cái chòi thô sơ của bốn thanh nữ Giang Biên mà vẫn không thể hình dung hết làm sao chỉ với kỹ thuật và công cụ rất thô sơ, các chị thời ấy, nay đã là các bà, lại có thể đếm bom từng quả, từng quả một? Và cách đánh giặc của Việt Nam - toàn dân là chiến sĩ - đã góp phần không nhỏ để giúp bộ đội công binh và dân quân xã phá bom, làm đường tránh cho xe vận tải đi an toàn. Có thể nói, vùng cầu Đuống chính là cổ họng của con đường huyết mạch từ Thái Nguyên và Lạng Sơn về trái tim Hà Nội. Địch quyết phá, ta quyết giữ. Cái chấm nhỏ của đài quan sát trong vùng trọng điểm đã trụ được giữa bom đạn hủy diệt, quả là một điều kỳ lạ.

Sau chiến tranh, bà Nguyễn Thị Tý lại trở về với nghiệp nhà đài, làm công tác văn hóa thông tin ở xã. Duyên nghiệp đã đưa bà đến với anh bộ đội đóng quân gần xã rồi nên vợ nên chồng, hạnh phúc, nhưng khi cần huy động, bà vẫn hát hò vui tươi. Bà gắn với nhà đài hơn chục năm, rồi mới về làm công tác phụ nữ xã. Huân chương Chiến công hạng Ba, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; 14 bằng khen, 21 giấy khen của huyện, thành phố, của Bộ Tư lệnh quân khu Thủ đô là niềm tự hào của bà, người phụ nữ bình dị, người đã từng làm Tổ trưởng đài quan sát Giang Biên 40 năm trước.

Và đài quan sát ở cửa ngõ phía Nam

Ở phía cửa ngõ phía Nam, nơi con đường huyết mạch của thành phố đưa người và hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam, vùng Văn Điển - Ngọc Hồi có 5 đài quan sát, trong đó, đài quan sát thôn Lạc Thị là một trọng điểm địch đánh phá ác liệt. Vào lúc 3h30 sáng ngày 22-12-1972, trên đài quan sát thôn Lạc Thị khi phát hiện có tiếng động cơ máy bay từ xa, các đồng chí đã nhanh chóng gõ chuông báo động liên hồi. Theo hiệu lệnh, các đài quan sát ở các thôn dồn dập gõ chuông báo động cho dân nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Bom nổ ầm ầm, khói bụi mù mịt cả một vùng Ngọc Hồi-Yên Kiện-Lạc Thị. Tiếng bom vẫn chưa ngớt nhưng các vị trí của người chỉ huy và trực chiến đã vượt qua lửa đạn đến các địa bàn để nắm bắt tình hình và làm công tác dân vận. Hình ảnh ba nữ dân quân Hoàng Thị Ngạn, Nguyễn Thị Hựu, Tạ Thị Nhân dũng cảm trên đài quan sát Lạc Thị và ông Nguyễn Cao Khởi đã vượt qua các hố bom, một mình cầm cây loa sắt trèo lên cây bàng để thông báo tình hình cho nhân dân đã đi vào tâm trí những người dân Ngọc Hồi và trở thành niềm tự hào của thế hệ dân quân chống Mỹ cứu nước.

Ở thôn Tả Thanh Oai, có ông Bùi Xuân Cốc, Trung đội phó dân quân và bốn nữ dân quân là các đồng chí: Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Trai, Lưu Thị Hà, Nguyễn Thị Ẩm trực chiến tại thôn. Ngoài trận địa luôn trực chiến 24/24h, các chiến sĩ có nhiệm vụ theo dõi còi báo động từ Nhà hát Lớn thành phố, để kịp thời thông báo cho nhân dân vào hầm trú ẩn bảo đảm an toàn.

*
* *

"Ra ngõ gặp anh hùng" - Những anh hùng vô danh, trong mỗi ngõ phố, xóm làng, ở quanh ta, bên ta hôm nay, vẫn góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, thanh lịch. Con sông Đuống lấp lánh trong nắng, bờ bãi xanh mướt dưới chân đê. Và câu chuyện của bà Tý, bên chân đài quan sát Giang Biên, hay bà Nhạn, bà Nhân, bà Vân ở huyện Thanh Trì, thời ấy đài quan sát và trận địa pháo tầm thấp đặt giữa cánh đồng lúa, cánh đồng rau vụ đông xanh rờn… Tất cả đang sống dậy trong miền cổ tích của những cô gái ngoại thành tuổi xuân mười tám, đôi mươi năm xưa hồi ức về những ngày bên chòi quan sát đếm bom rơi - họ như những La Thị Tám của Hà Nội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nữ dân quân bình dị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.