Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến không cân sức

Nhóm PV điều tra| 08/01/2013 06:31

(HNM) - Thức trắng đêm cùng các chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, nằm núi, ém quân phục bắt hàng lậu, cánh nhà báo mới thật sự hiểu rằng đó là cuộc chiến cam go, nguy hiểm...


Được sự đồng ý của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, đêm 22-12-2012, nhóm PV Hànộimới cùng cán bộ, chiến sỹ của Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh đi phục bắt hàng lậu. 20h chúng tôi mới đến cửa khẩu. Người nào người nấy bụng đói cồn cào. Trung tá Khuất Duy Phúc, Đồn phó nghiệp vụ thông báo: "Các anh chị chuẩn bị sẵn sàng nhé. Trinh sát báo sắp có hàng ra đấy. Đêm nay, tôi sẽ trực tiếp đi cùng. Có điều này phải dặn các nhà báo, khi bắt hàng kiểu gì cũng xảy ra giằng co, xô xát, vì vậy các anh chị phải hết sức cẩn thận trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt cảnh giác với các đối tượng quá khích". Ăn vội mỗi người bát mỳ tôm, chúng tôi lên xe đến địa điểm phục kích.


Vây bắt hàng lậu tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn
đêm 22-12-2012.


Đêm đông lạnh tê tái. Đường vào xã Tân Mỹ ken đặc sương mù kèm theo mưa nặng hạt, cái xã nhỏ vùng biên càng trở nên heo hút. Cách địa điểm tập kết hàng lậu chừng cây số, anh Phúc bảo lái xe tấp sát lề đường, chờ tín hiệu của trinh sát báo ra. Xe đỗ được chừng 5 phút, trên đường bắt đầu xuất hiện những chiếc xe máy đi ngược chiều "giương pha" rọi thẳng vào xe chúng tôi. Họ cứ lượn đi, lượn lại rồi lại rút điện thoại gọi đi đâu đó. Anh Phúc giật mình nhắc lái xe: "Quét đèn pha lên, chim lợn đấy". Nói rồi anh vội vã cởi bỏ chiếc áo đại cán có gắn quân hàm trên cầu vai, co ro chịu lạnh cùng chiếc áo sơ mi mỏng. Anh Phúc quay sang nói với chúng tôi: Chim lợn tinh lắm. Anh em mình đi xe "biển xanh" vào đây đã là bất lợi rồi.

Một tiếng, rồi hai tiếng đồng hồ trôi qua… trinh sát báo hàng vẫn chưa ra. Anh Phúc bắt đầu lo lắng, sốt ruột, mồ hôi vã ra bất chấp cái rét tái tê. Anh động viên chúng tôi: "Các nhà báo kiên nhẫn nhé. Kế hoạch có khả năng bị lộ nhưng đêm nay kiểu gì hàng cũng phải ra". Tôi hỏi anh dựa vào cơ sở nào mà khẳng định như thế? Anh giải thích: "Từ đầu tháng 12-2012, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lập 24 chốt chặn cơ động và rào dây thép gai bịt tất cả các đường mòn trọng điểm qua biên giới để ngăn hàng lậu. Cũng từ ngày 10-12-2012, Hải quan cửa khẩu Tân Thanh tạm dừng việc nhập khẩu hàng theo Quyết định 254/QĐ-TTg đối với cư dân biên giới nên dạo này chủ nậu rất "khát hàng". Hoạt động buôn lậu như vòi bạch tuộc, chặt chỗ nọ, vươn ra chỗ kia. Tất cả các ngả đã bị chặn, chỉ còn đường 474 thuộc thôn Khưa Đa, xã Tân Mỹ là dân buôn lậu có thể lọt được. Vì thế, anh em mình cứ kiên trì".

Lại một giờ nữa trôi qua. Anh Phúc nói kế hoạch đã bị lộ, cần thay đổi phương án. Anh nói: Giờ anh em tôi phải trông cậy vào sự thông minh, linh hoạt của các nhà báo. Trên xe của mình có hai phóng viên nữ. Đây là ưu thế đặc biệt để đánh lạc hướng "chim lợn". Chúng tôi hội ý nhanh và thống nhất thực hiện theo phương án của anh Phúc.

Xe của chúng tôi chạy thẳng đến trạm bán lẻ xăng dầu ở đầu xã Tân Mỹ thì dừng lại. Tôi cùng hai phóng viên nữ bước xuống chuyện trò, tán tỉnh rôm rả như không để ý gì đến xung quanh. "Chim lợn" lại lao đến thăm dò. Lượn đi, lượn lại, họ bắt đầu tin chúng tôi chỉ là khách lạ qua đường và đứng đợi ai đó. Anh Phúc gật gù: "Cắn câu rồi đấy, chuẩn bị sẵn sàng. Có lệnh phải lao lên xe ngay".

Đúng như dự đoán, chỉ 20 phút sau khi đội quân "chim lợn" rút, anh Phúc báo: "Bắt được rồi, lên xe ngay". Chúng tôi quáng quàng lao đến điểm bắt giữ hàng lậu...

Và câu chuyện lạnh sống lưng


Chỉ mất khoảng 3 phút đồng hồ, chính xác là 2 phút 20 giây, chúng tôi đã áp sát địa điểm bắt hàng lậu. Trung tá Khuất Duy Phúc khoác lại bộ quân phục, giật cửa xe lao xuống hô to: "Đối tượng nào chống đối, bắt hết lại". Tiếng hô của anh như chìm đi giữa cuộc vật lộn không cân sức. Một bên là 8 chiến sỹ biên phòng, một bên là hơn 200 đối tượng vừa chủ nậu, vừa cửu vạn cầm gậy, người cầm cuốc, có kẻ còn vác theo mã tấu xông vào giải cứu đồng bọn và cướp lại hàng cùng phương tiện chuyên chở.

Bất chấp nguy hiểm, nhóm PV Hànộimới cũng lao xuống hỗ trợ các chiến sỹ biên phòng. Thấy chúng tôi mặc thường phục, mấy đứa mặt rất ngầu nói: "Công an kinh tế đấy!". Vừa la hét, họ vừa xông vào giải thoát cho đối tượng buôn lậu, cướp lại chiếc xe Minsk là phương tiện chuyên chở hàng. Tám chiến sỹ biên phòng bị phụ nữ cắn vào tay, bị hàng đè vào chân. Một đối tượng hô to: "Ném đá đi!". Trung tá Khuất Duy Phúc ra lệnh nhanh chóng đưa hàng lậu lên xe... Không bắt được đối tượng buôn lậu, không "xích" được phương tiện vận chuyển nhưng theo anh Phúc không để xảy ra thương vong, đặc biệt với cánh nhà báo chúng tôi coi như hoàn thành một nhiệm vụ.

Đại úy Lê Văn Chiến, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, người trực tiếp tham gia vụ bắt hàng lậu đêm 22-12-2012 nói với chúng tôi rằng ít có vụ nào chủ nậu "bỏ của chạy lấy người" mà họ thường chống đối rất quyết liệt. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, các đối tượng buôn lậu ngày càng liều lĩnh, manh động, chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả việc chống lại người thi hành công vụ để cướp lại hàng. Khi các đường mòn biên giới bị chặn, chủ nậu không thuê cư dân biên giới vác hàng như trước mà khoán: vác một kiện hàng 60kg nếu trót lọt có thể được trả công tới 1 triệu đồng nhưng nếu bị bắt thì cửu vạn vác thuê phải đền giá trị kiện hàng đó. Vì có sự ràng buộc như vậy nên khi bị phát hiện, bắt giữ, cửu vạn chống đối bằng mọi cách. Lực lượng chống buôn lậu mỏng, trong vòng vài phút bắt được hàng lậu mà biên phòng không rút quân nhanh, các đối tượng sẽ huy động người đến giải cứu.

Một cái khó nữa, người vác hàng thuê đa số là cư dân biên giới nên trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu dù kiên quyết nhưng cũng phải hết sức mềm mỏng. Sở dĩ như vậy vì ở tất cả các tỉnh biên giới, mối quan hệ giữa biên phòng và cư dân rất chặt chẽ. Biên phòng giúp dân làm kinh tế, dân là tai mắt giúp lực lượng biên phòng giữ vững an ninh đường biên, cột mốc. Vừa buổi sáng, biên phòng còn vào nhà dân vận động, thế mà đêm, chính biên phòng lại đi bắt họ vì tội cõng hàng lậu. Nói như Thượng tá Ninh Văn Hợp, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thì: "Sáng, dân nhiệt tình mang dao giúp bộ đội phát quang đường tuần tra biên giới. Đêm đến, bộ đội lại phải bắt dân vì tội cõng hàng lậu và khi bắt họ thường chống đối. Thật sự nhiều lúc lực lượng biên phòng cũng khó xử, nhưng nhiệm vụ thì vẫn phải thực thi".

Kết thúc một đêm đi bắt hàng lậu cùng các chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, nhóm PV Hànộimới trở về thành phố Lạng Sơn khi đã tờ mờ sáng. Cảm phục tinh thần dũng cảm, mưu trí của lực lượng biên phòng nhưng cũng thấy lạnh sống lưng nghĩ đến cuộc vật lộn không cân sức giữa một bên là 8 cán bộ chiến sỹ với một bên là hơn 200 người gồm chủ nậu và cửu vạn đầy manh động. Ai dám chắc chuyện không hay sẽ không xảy ra?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến không cân sức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.