Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đã thấy dấu hiệu buông xuôi

Nhóm PV Điều tra| 09/01/2013 06:39

(HNM) - Chưa bao giờ tỉnh Lạng Sơn phải dùng đến các biện pháp mạnh để trấn áp và ngăn chặn nạn buôn lậu như hồi tháng 12 vừa qua...


Chưa bao giờ tỉnh Lạng Sơn phải dùng đến các biện pháp mạnh để trấn áp và ngăn chặn nạn buôn lậu như hồi tháng 12 vừa qua. Ngoài việc lập 24 chốt dã chiến, cơ động và rào dây thép gai ở tất cả các tuyến đường mòn biên giới trọng điểm, lực lượng biên phòng và hải quan Lạng Sơn còn thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát tại các khu vực hàng lậu thường đi qua.


Lập chốt cơ động dã chiến ngăn chặn buôn lậu của Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma.

Đại tá Mã Văn Cháo, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, tình trạng buôn lậu đang diễn ra rất phức tạp. Tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây), có biên giới chung dài 231km. Chiều dài biên giới của tỉnh không lớn nhưng lượng hàng hóa qua đây khá lớn. Phía Trung Quốc đang nâng cấp, xây dựng nhiều khu thương mại, dịch vụ quy mô lớn ra sát biên giới như Nà Va, Pò Chài, Lũng Vài, Lũng Nghịu nhằm thu hút tiểu thương đến kinh doanh, tạo áp lực trong việc đưa hàng giá rẻ của Trung Quốc vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Vì có chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng nên lực lượng chức năng của nước bạn luôn "tạo điều kiện" để người dân qua lại biên giới bốc dỡ, mang vác hàng lậu về Việt Nam. Tình trạng "một bên chặn, một bên thả" đã dẫn đến hoạt động buôn lậu dọc tuyến biên giới Lạng Sơn hết sức phức tạp.

Thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, biên phòng và hải quan tỉnh Lạng Sơn đã tập trung tối đa nhân lực, phương tiện để đấu tranh ngăn ngừa. Chỉ trong 5 ngày (từ 14 đến 19-12-2012) lực lượng liên ngành đã bắt 11 vụ vận chuyển hàng lậu (3 vụ vận chuyển pháo lậu, một vụ vận chuyển gia cầm, 7 vụ vận chuyển hàng tạp hóa). Rõ ràng kết quả trên quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra.

Đánh giá về thực trạng buôn lậu, ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, chưa bao giờ hải quan phải tăng cường tới 13 cán bộ làm nhiệm vụ riêng ở "điểm nóng" Cốc Nam. Tuy nhiên, nếu vẫn cho cư dân biên giới mang hàng theo Quyết định 254/QĐ-TTg thì có tăng cường nữa cũng không ăn thua gì bởi có ngày, lượng người mang hàng qua cửa khẩu lên tới hơn một nghìn...

Để tận mắt chứng kiến cảnh "quân xanh" nằm lán, nửa đêm, nhóm phóng viên Hànộimới đã vượt đồi tới chốt dã chiến khu vực Thác Ném của Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh. Lều bạt dựng tạm, nước không, điện không, phải dùng đèn ắc quy chiếu sáng. Binh nhất Hoàng Quang Bách, đang chốt trực trong lán kể với chúng tôi rằng, một ca trực có 3 người, ngày 3 ca trực 24/24h. Ngày nắng, bạt che hấp hơi hệt như lò bánh mỳ. Tối, sương xuống lạnh cóng. Khổ nhất là mỗi lần đi lấy thức ăn, cuốc bộ cả tiếng đồng hồ mới về đến đơn vị. Sau 3 tuần lập chốt tại đây, người ta không còn ném hàng như trước nhưng vẫn luồn lách qua khu vực lân cận. Bách cười: "Chúng em cứ chốt ở đây để nắm tình hình, chứ nếu dân mang hàng lậu kéo đến đông thì 3 người chẳng nghĩa lý gì?".

Đến một số chốt chặn liên ngành, chúng tôi hỏi lực lượng hải quan và công an đâu? những chiến sỹ biên phòng đang trực chiến cười buồn nói: Mấy hôm đầu ra quân họ còn thay nhau trực, nay thì chẳng thấy ai ra nữa…

Chính sách "vênh", chống buôn lậu bị động

Theo Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, một trong những lý do khiến cư dân biên giới buộc phải chọn cách vác hàng thuê để kiếm sống là do họ không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, trong khi đất đai canh tác vô cùng ít ỏi. Toàn tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Tân Thanh quản lý có tới 20 đường mòn qua lại, tập trung ở 6 bản vùng biên. Đồng bào dân tộc ở đây chủ yếu là người Tày, Nùng, Hoa, gia đình thuần nông, không được học hành đến nơi, đến chốn. Nguồn thu nhập chính chỉ trông vào nghề nông, song không đủ nuôi thân do diện tích đất nông nghiệp ngày càng trở nên quý hiếm. Xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng - tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ điển hình về tình trạng "khan hiếm" đất nông nghiệp. Hiếm ai có thể tin một xã vùng biên như Tân Mỹ với 1.674 hộ dân, tương đương 6.615 nhân khẩu nhưng chỉ có vỏn vẹn 4ha đất nông nghiệp. Tính ra, mỗi cư dân "sở hữu" khoảng... 6m2 đất nông nghiệp.

Thượng tá Ninh Văn Hợp - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hữu Nghị cho biết, "Không chỉ riêng Tân Mỹ, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng khan hiếm đất nông nghiệp do địa hình núi đá nhiều, khí hậu thất thường không thuận lợi cho canh tác. Mấy năm trở lại đây, lợi dụng Quyết định 254 cho phép cư dân biên giới mang hàng qua cửa khẩu với số lượng nhất định, ngày càng có nhiều cư dân trở thành cửu vạn chuyên nghiệp cho giới buôn lậu. Thu nhập cao gấp hàng chục lần nghề nông nên ngay cả những người có đất cũng sẵn sàng bỏ ruộng vườn để đi cõng hàng thuê cho đầu nậu...".

Theo nhận định của lực lượng chống buôn lậu tỉnh Lạng Sơn, việc chốt chặt một số đường mòn biên giới thời gian gần đây đã làm giảm lượng hàng lậu vận chuyển vào nội địa. Tuy nhiên, với 231km đường biên, 2 cửa khẩu quốc tế lớn, 3 cửa khẩu quốc gia và hàng loạt chợ biên giới, hàng lậu vẫn hằng giờ, hằng ngày lọt vào nội địa bằng nhiều con đường, thủ đoạn khác nhau. Phổ biến nhất là phương thức đầu nậu dùng hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa hàng lậu. Điều đáng nói là việc mua bán hóa đơn rất dễ dàng, đơn giản. Một cán bộ Cục thuế Lạng Sơn cho biết: "Các đầu nậu thường khai giá trị hàng hóa thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực, sau đó mua hóa đơn và chỉ mất vài triệu đồng tiền thuế, hàng lậu nghiễm nhiên trở thành hàng hợp pháp lưu thông trên đường. Rất nhiều vụ sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng biết đầu nậu đã mua hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu, song việc truy thu, xác minh nguồn gốc hóa đơn quá phức tạp và đòi hỏi rất nhiều thời gian, phải kiểm tra tỉ mỉ từ địa chỉ người bán hàng cho đến người vận chuyển qua biên giới...". Biện pháp hữu hiệu nhất là bắt giữ hàng ngay khi vừa vượt qua cửa khẩu, tuy nhiên, lực lượng chống buôn lậu quá mỏng. Vì vậy, dù có "ba đầu, sáu tay" lực lượng chức năng cũng không thể kiểm tra hết lượng hàng hóa qua cửa khẩu.

Nhiều trường hợp cửu vạn và đầu nậu tìm mọi cách chống trả đến cùng để cướp lại hàng hóa... Ngoài ra, để tránh bị cơ quan chức năng xử lý trong trường hợp bị bắt hàng, các đối tượng buôn lậu còn hình thành hẳn đường dây chuyên vận chuyển hàng hóa "bảo đảm" qua điện thoại. Sau khi hàng được tập kết lên xe, chủ xe sẽ căn cứ tùy theo chủng loại và giá trị hàng hóa để đưa ra mức cước vận chuyển và chịu trách nhiệm an toàn khi hàng hóa về bến. Điều đó lý giải vì sao, rất nhiều vụ lực lượng chức năng đã bắt gọn lô hàng nhưng không thể tìm ra chủ hàng để xử lý theo quy định.

Trên con đường cái quan từ Lạng Sơn về Hà Nội, thi thoảng lại bắt gặp một chiếc xe tải, xe khách chở hàng lậu vùn vụt lướt qua. Những lúc ấy chúng tôi lại nhớ lời Trung tá Khuất Duy Phúc, Đồn phó Đồn Biên phòng Tân Thanh: "Cuộc chiến chống buôn lậu không phải là nhiệm vụ của riêng một đơn vị nào mà đòi hỏi nhiều lực lượng cùng đồng tâm, hiệp lực. Khi chính sách chưa được sửa đổi phù hợp với thực tế, một số lực lượng chuyên ngành còn thờ ơ, buông xuôi... thì công tác chống buôn lậu nơi biên giới sẽ còn luôn nguy hiểm và kém hiệu quả".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đã thấy dấu hiệu buông xuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.