Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe buýt Hà Nội xưa và thời chưa xa

Nguyễn Ngọc Tiến| 13/01/2013 07:37

(HNM) - Hằng ngày trên các tuyến phố của Hà Nội có rất nhiều xe buýt có thân dài ì ạch chạy xuôi chạy ngược rồi ngang và dọc. Ít ai biết rằng xe buýt đã xuất hiện ở Hà Nội cách đây gần 100 năm.


Sau đại chiến thế giới lần thứ I vào khoảng năm 1919, 1920, có 4 chiếc xe buýt hiệu GM (của Mỹ) lần đầu tiên đã xuất hiện tại Hà Nội. Nơi đón trả khách chính là bến cột đồng hồ ngay gần cầu Long Biên, gọi là bến nhưng sơ sài. Tuy nhiên cũng không biết ai là chủ những chiếc xe này chỉ biết lái xe là người Việt Nam đi lính thợ cho quân đội Pháp trong thế chiến thế giới thứ I có bằng lái xe do chính phủ Pháp cấp.

Khu vực cột đồng hồ, nơi đặt bến xe buýt đầu tiên của Hà Nội (điểm giao nhau của đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Hàng Muối, Nguyễn Hữu Huân) hiện nay nằm dưới đường dẫn của cầu Chương Dương.


Do cầu Long Biên năm đó còn hẹp chưa được mở rộng hai bên nên 4 chiếc xe chở khách đi Hưng Yên không thể qua cầu, phải đi phà sang bên kia sông. Năm 1923, việc mở rộng đường 2 bên cầu hoàn thành nên xe không phải qua phà nữa. Rồi số đầu xe tăng nhanh, bến cột đồng hồ trở nên chật trội nên hội đồng thành phố quyết định chuyển bến ra chỗ chuyên bán Nứa (cách cột đồng hồ không xa về phía bắc) vì thế mới có tên bến Nứa. Ba hãng xăng là Shell, Socony và Texaco (của Mỹ) mở điểm bán xăng và Texaco đã giành được quyền tài trợ xây nhà bán vé khang trang, trên nóc nhà bán vé có cột hình vuông 4 mặt có tên Texaco. Theo tạp chí "Tự nhiên" xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1926 phát hành tại Hà Nội thì năm 1925, trung bình một ngày có 4 xe tải, 166 xe ô tô con và 79 lượt xe buýt qua lại cầu Long Biên.

Từ bến Nứa, hằng ngày có xe đi Hưng Yên, Sơn Tây, tuyến ngắn chạy đến Chèm. Khách chủ yếu là người buôn bán và các chức dịch nông thôn đi Hà Nội sắm hàng hóa. Đi Sơn Tây có 4 hãng lớn gồm: Tư Đường, Chí Thành, Mỹ Lâm và Larriveé (chủ Pháp). Tuyến đi Hưng Yên thì thống soái là hãng Con Thỏ. Chủ là Lê Hữu Luân, ông này xuất thân là thợ mộc rong, nhà xe Bảo Ký thấy nhanh nhẹn cho làm nhân viên đứng đón khách ở bến rồi Luân tố cáo ngầm một phụ xe không chăm khách nên được cất nhắc lên làm phụ xe và sau đó đi học lái. Nhờ tiêu pha tằn tiện, Luân mua được chiếc xe cũ tự chạy và dần dần bứt lên làm chủ hãng với 29 chiếc.

Phía nam Hà Nội có bến Kim Liên, vốn trước đó là chợ của làng Kim Liên. Bến mở vào cuối những năm 1920, ban đầu nằm gần Cửa Nam cản trở giao thông nội đô nên hội đồng thành phố quyết định chuyển xuống Kim Liên. Bến này có xe tuyến dài đi Nam Định, Thái Bình, tuyến ngắn đi Phủ Lý, Thường Tín, Văn Điển và Ngọc Hồi. Phía tây có bến Kim Mã, trước đó vốn là hồ ao sau thành phố mở mang đã cho lấp hồ, bến hình thành cũng vào cuối những năm 1920, chuyên chở khách đi Sơn Tây, Hòa Bình, tuyến ngắn đi Hà Đông và Ba La.

Xe buýt thời Pháp chỉ có một cửa lên xuống ở phía sau. Ban đầu có 2 hàng ghế gỗ sát thành xe như ghế tầu điện và tầu hỏa ở giữa là chỗ đi lại. Nhưng sau đó nhận thấy để ghế dọc chở ít khách nên các hãng xe cải tiến thành ghế ngang chở được nhiều khách hơn, trung bình mỗi xe trở khoảng 30 khách. Năm 1930 cả Bắc Kỳ có gần 5.000 xe các loại trong đó có 405 xe buýt nhưng tập trung chủ yếu ở Hà Nội, số xe ở Hải Phòng bằng một phần ba Hà Nội. Thời kỳ này xe buýt cạnh tranh quyết liệt với tầu hỏa nên có câu vè: Ve vẻ vè ve/Cái vè xe buýt/Đút khách đằng đít/Lái xe ngồi đầu/Đi qua ổ trâu/Bươu đầu bẹt đít/Đường bằng chạy tít/Một loáng về nhà/Còn hơn ra ga/Chờ anh tầu lửa.

Năm 1941, có tờ báo Pháp đã vẽ tranh châm biếm về xe buýt ở Hà Nội phần giữa xe ép sát đất khách còn hàng hóa trên nóc cao lên tới mặt trời. Sở dĩ có chuyện này vì chiến tranh thế giới thứ II xảy ra, xăng dầu nhập vào Việt Nam khó khăn, nhiều hãng phải cải tiến xe để chạy than. Chiến tranh cũng khiến phụ tùng khan hiếm nên nhiều xe hỏng không có phụ tùng thay đành đắp chiếu. Có một người từng là chủ xe giàu có nhưng những năm 1980 phải ngồi bán nước chè nhờ trước nhà người khác ở phố Trần Nhật Duật mà ngôi nhà đó trước kia là của ông, đó là ông Lê Văn Kim. Xuất thân trong một gia đình nghèo, mẹ bán quà vặt ở bến Nứa từ khi còn nhỏ, Kim đã phải bán nước chè tươi quanh bến. Lớn lên có chủ xe cho làm chân đón khách rồi phụ xe và đi học lái. Cũng nhờ tiết kiệm nên Kim đã mua được xe riêng và năm 1940, Lê Văn Kim đã có 5 chiếc. Năm 1946, nghe theo lời kêu gọi của chính phủ kháng chiến, Lê Văn Kim đã dùng cả 5 xe chở tài liệu ra khỏi thành phố để chuyển lên chiến khu. Khi thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, ông bị mật thám báo là người của Việt Minh nên chính quyền thu cả 5 chiếc xe...

Trước khi Hà Nội tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh vào năm 1959 thì Hà Nội có gần 800 xe lớn nhỏ gồm cả chở khách và chở hàng hóa. Năm 1960, thì 95% số ô tô được công tư hợp doanh và Hà Nội tiến hành nhập 2 xí nghiệp công tư hợp doanh thành Xí nghiệp xe khách Hà Nội, chủ yếu chạy đường dài đi các tỉnh, đỗ ở ba bến xe: Bến Nứa, Kim Mã và Kim Liên. Năm 1957, cán bộ miền Nam tập kết ra Hà Nội được Ban Thống nhất Trung ương cấp vốn mua 10 ô tô khách lập Tập đoàn ô tô buýt Thống Nhất phục vụ đi lại của dân, tháng 2-1958 mở tuyến Kim Liên - Hà Đông. Đến tháng 12-1962, Xí nghiệp xe khách Hà Nội và Tập đoàn xe buýt Thống Nhất hợp nhất thành Xí nghiệp xe khách Thống Nhất phục vụ giao thông công cộng của thành phố với 192 xe; 4.106 ghế. Xe buýt hay ô tô buýt là mượn từ tiếng Pháp autobus chỉ xe chở mọi người. Thời Pháp thuộc vẫn gọi là xe buýt dù xe tuyến ngắn hay tuyến dài, nhưng đến chế độ mới thì xe đường dài và khách được mang theo hàng hóa gọi là xe khách còn xe chạy tuyến ngắn và khách chỉ được mang đồ đạc gọn nhẹ gọi là xe buýt.

Xe buýt nhanh chóng trở thành phương tiện chủ yếu của cán bộ công nhân viên chức đi làm, học sinh - sinh viên đi học. Năm 1964 đã có 903 khách mua vé tháng. Cuối năm 1965, dù Mỹ đã bắt đầu ném bom miền Bắc và Hà Nội, nhưng Hà Nội đã có tới 300 xe buýt, với 8 tuyến. Giá vé đồng hạng ở tất cả các tuyến, do thành phố bù lỗ nên giá vé rất rẻ nên rất đông, vì nhiều người bỏ xe điện đi xe buýt cho nhanh. Thế nên mới xảy ra cảnh chen lấn, móc túi và không còn thấy nét văn hóa người trẻ nhường chỗ cho người già.

Trước năm 1975 xe buýt chủ yếu là xe Hải Âu (của Liên Xô), xe Ba Đình (đóng trong nước sử dụng máy IFA của Cộng hòa dân chủ Đức) và Q50, ngoài ra còn có một ít xe Lavop (của Liên Xô). Rồi xe đạp tăng lên nhanh chóng do những người đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Nga gửi về nên nhiều người bỏ xe buýt. Đến năm 1985 thì đi xe buýt phần lớn là sinh viên. Những ai từng đi tuyến Lò Đúc - Nhổn chắc chắn sẽ không quên được cảnh xe Karosa của Tiệp Khắc dài ngoẵng từ Nhổn ra Lò Đúc trong khoảng từ 8-9 giờ sáng sẽ thấy những thúng thịt chó vàng ươm nhe răng nằm dọc theo chiều dài của xe. Người ta mang vào nội thành để bán ở các quán bia và các chợ. Thế nhưng chuyến trưa thì tuyến này đông vô cùng vì sinh viên Thương Mại, Sân khấu Điện ảnh, Trường Múa, Xiếc và diễn viên các nhà hát giao hưởng, ca múa nhạc dân tộc... đều đi xe buýt. Vì đông quá nên lái xe thường xuyên bỏ chuyến, nhưng khóa nào cũng có chìa để mở, mọi người cử sinh viên xinh xắn hay ca sĩ, diễn viên múa vừa vẫy xe vừa làm duyên, các bác tài vừa đỗ xe mở cửa thì lập tức vài chục con người nấp trong ùa ra thì chuyện đã rồi. Biết vậy, nhưng cánh lái xe vẫn thích sập bẫy vì cho các em xinh đẹp ngồi cạnh mình.

Đi xe buýt thời kỳ này nhiều chuyện dở khóc dở cười khi chen nhau bẹp cả cặp lồng cơm, đổ cả canh, phòi cả trứng tráng ra ngoài. Lại có những anh chàng tận dụng cả bệnh hôi nách để có chỗ đứng tốt trên xe. Và không ít mối tình đã nở và thành vợ thành chồng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe buýt Hà Nội xưa và thời chưa xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.