Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Trưởng đoàn Xuân Thủy

Mai Sơn - Đức Trường| 27/01/2013 05:53

(HNM) - Nhắc đến Trưởng đoàn Xuân Thủy, nhà ngoại giao Nguyễn Minh Vỹ - thành viên chính thức giữ vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán Paris - ca ngợi: "Tôi chỉ xin kể lại cái "kỷ lục" gần như kỷ lục quyền anh". Một mình Bộ trưởng Xuân Thủy, với nụ cười tươi tắn và… bệnh hen kinh niên, trong gần 5 năm trời ở Paris đã hạ "knock-out" 5 đối thủ Hoa Kỳ các hạng trung, nặng và siêu nặng.

Nụ cười chiến thắng

Không phải ngẫu nhiên năm 1968, ông Xuân Thủy được chọn làm Bộ trưởng - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) tại Hội nghị Paris. Từ ngày nước VNDCCH thành lập, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đi đàm phán với hai phe Việt Quốc và Việt Cách. Sau thắng lợi của chiến dịch biên giới (1950), Xuân Thủy đã được tin tưởng giao nhiều trọng trách trong các hoạt động đối ngoại và ngoại giao nhân dân.

Từ trái qua phải, Cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy, Đại tá Hà Văn Lâu.


Xuân Thủy là Trưởng đoàn chính thức của Phái đoàn VNDCCH từ đầu đến khi Hiệp định Paris được ký kết. Nghĩa là trong suốt gần 5 năm, cụ thể là 4 năm 8 tháng 20 ngày, vị Bộ trưởng của Việt Nam đã lần lượt "knock-out" các đối thủ trên bàn đàm phán khiến phía Mỹ phải thay trưởng đoàn đến 5 lần. Đầu tiên là Hariman, một thời gian sau họ rút Hariman và đưa Cabot Lodge thay. Nhưng rồi Chính phủ Mỹ lại "mời" Cabot Lodge về và đưa David Bruce sang thay thế... Tiếp đến, David Bruce được rút về và người thay thế là William Parter... Trong khi đó, phía VNDCCH từ đầu chí cuối vẫn chỉ có Trưởng đoàn Xuân Thủy. Phía Mỹ thay "ngựa" nhiều lần, còn "nụ cười chiến thắng" của Xuân Thủy vẫn luôn được báo chí phương Tây bình luận ngợi ca.

Với vai trò Trưởng đoàn đàm phán, Xuân Thủy đã có những cuộc tiếp xúc bí mật đầu tiên với Trưởng đoàn Hariman, Cabot Lodge, thậm chí cả Cố vấn Kissinger qua trung gian là Saintaney - một nhà ngoại giao Pháp, từng tham gia ký Hiệp định Sơ bộ (ngày 6-3-1946) với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các phiên họp bí mật với Chính phủ Mỹ, Cố vấn Lê Đức Thọ luôn có Trưởng đoàn Xuân Thủy bên cạnh. Còn những khi Cố vấn Lê Đức Thọ bận công việc, Bộ trưởng Xuân Thủy tiếp tục đàm phán với phái đoàn Mỹ.

Là người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH, Xuân Thủy kiên quyết nhưng mềm dẻo. Bộ trưởng kể lại một phiên họp, ông hỏi Trưởng đoàn Hariman: "Ông điếc tai từ bao giờ, tại sao?". Hariman trả lời: "Từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, vì chấn động bom và điếc tai bên trái". Bộ trưởng dí dỏm nói: "Ông Hariman bị điếc tai vì bom, mà sao không chịu chấm dứt ném bom miền Bắc? Ông ta điếc tai trái, thảo nào mình đòi chấm dứt ném bom vô điều kiện, ông ta cứ nói sang chuyện khác".

Nhà ngoại giao nhân dân

Không chỉ đấu tranh với các đối thủ trên bàn đàm phán, Xuân Thủy còn tích cực tham gia công tác mặt trận và ngoại giao nhân dân bên ngoài hội nghị để tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Trong nhật ký ngày 12-10-1968, Bộ trưởng Xuân Thủy viết về cuộc đón tiếp nhà bình luận và phóng viên Thời báo New York. Câu chuyện kéo dài hơn 2 giờ với những lời đối đáp, trao đổi, vặn vẹo. Khi Xuân Thủy nói: "VNDCCH tôn trọng Hiệp định Geneve về Lào năm 1962". Họ nói lại: "Vâng, chúng tôi biết mọi người cùng tôn trọng nhưng mỗi người tôn trọng một cách". Khi Xuân Thủy nói: "Phía Chính phủ Mỹ ngoan cố". Họ nói: "Chúng tôi xem ra các ngài cũng không kém". Nghe vậy, ông cười: "Tùy cách hiểu của mỗi người. Cách hiểu đúng của chúng tôi là: Nếu quân đội nhân dân Việt Nam đến đánh chiếm nước Mỹ, nhân dân Mỹ đòi chúng tôi rút đi mà chúng tôi không rút; như vậy, các ông bảo chúng tôi ngoan cố là đúng. Mà chúng tôi cũng nhận, nếu quả như thế thì thực là ngoan cố. Khốn nỗi, đằng này Chính phủ Mỹ đến xâm lược nước chúng tôi. Chúng tôi đòi Mỹ, trước hết phải chấm dứt vô điều kiện ném bom miền Bắc... mà Mỹ không chịu thì Mỹ là ngoan cố chứ còn gì nữa. Nếu không gọi là ngoan cố thì gọi là gì? Tôi chưa muốn dùng những từ nặng hơn đấy!".

Ông còn hiểu và nắm chắc khả năng, trình độ chuyên môn của cán bộ nên phân công công tác rất đúng người, đúng việc, phát huy được tài năng, sở trường và sự sáng tạo của từng người. Bà Dương Thị Duyên kể lại: "Do biết rõ trình độ ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Anh) cũng như khả năng diễn thuyết của tôi nên anh đã phân công tôi tiếp các đoàn quần chúng, nhất là phụ nữ Pháp và các nước khác, các phóng viên báo chí đến trụ sở đoàn ta ở thị trấn Choisy le Roi để tìm hiểu quan điểm, lập trường của Việt Nam. Chính tại đây, tôi đã tiếp một số nhân vật nổi tiếng như bà Caselli Dalila, Thư ký Bác Hồ tại Hội nghị Fontainebleau, năm 1946, bác sĩ người Mỹ Benjamin Spock, nữ nghệ sĩ Mỹ Jane Fonda… Nữ diễn viên điện ảnh này đến Paris để nắm thực chất về tình hình Việt Nam, về cuộc chiến do Mỹ gây ra ở Việt Nam mà cô luôn coi là phi nghĩa. Tôi đã phân tích cho cô biết rõ đây là cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam phải tiến hành để bảo vệ nền độc lập, tự do của mình. Nếu Mỹ ngoan cố tiếp tục cuộc chiến tranh thì nhất định họ sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại. Cuối năm 1972, Jane Fonda đã sang Việt Nam. Sau khi về nước cô đã trở thành một trong những nhân vật hoạt động tích cực đòi ký hiệp định, lập lại hòa bình ở Việt Nam".

Còn bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - ghi nhận: "Đồng chí Xuân Thủy là người anh lớn, là người thầy luôn luôn quan tâm, dìu dắt cán bộ trẻ, chỉ bảo một cách tận tình, khoan dung với những khuyết điểm của anh em, giúp cho mọi người tiến bộ và trưởng thành. Nếu không có sự dìu dắt, giúp đỡ trực tiếp và thường xuyên của đồng chí Xuân Thủy, tôi nghĩ mình rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Khi gặp điều gì khó nghĩ hoặc lúng túng, chúng tôi đều được đồng chí góp ý một cách cụ thể".

Trưởng đoàn gentil

Tuy mạnh mẽ, cứng cỏi với đối phương trên bàn đàm phán nhưng Bộ trưởng Xuân Thủy lại rất gần gũi với anh chị em trong phái đoàn. Ông Nguyễn Minh Vỹ nói về vị Trưởng đoàn của mình: "Lời duy nhất để các đồng chí khen Xuân Thủy là: Cấp cao trong Đảng và Nhà nước sao mà gentil thế". Ông Vỹ không dịch chữ gentil ra tiếng Việt vì sợ không hết nghĩa. Theo ông, con người gentil có nghĩa là bản thân người đó dễ thương và còn có nghĩa là con người đó ăn ở dễ thương với người khác.

Bà Vũ Thị Đạt - nguyên cán bộ Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, thành viên của đoàn, nhắc lại kỷ niệm: "Mới sang Paris được vài tháng thì có việc nên đoàn phải cử cán bộ sang công tác với Đại sứ quán ta ở Tiệp Khắc. Biết tôi có con gái đang học tập bên đó, Bộ trưởng Xuân Thủy nói chuyến này cho tôi sang Tiệp Khắc vừa công tác vừa kết hợp thăm con. Tôi vô cùng sung sướng khi được lệnh chuẩn bị sang Tiệp Khắc. Mẹ con tôi xa nhau cũng đã lâu. Con tôi lần đầu tiên xa nhà, sang nước bạn học tập. Chuyến đi này, không những mẹ con tôi được gặp nhau mà còn giúp tôi ổn định tư tưởng cho cháu, để cháu yên tâm học tập. Tôi thầm biết ơn Bộ trưởng Xuân Thủy! Ông sâu sát, thấu hiểu hoàn cảnh cán bộ cấp dưới mình đến thế!".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Trưởng đoàn Xuân Thủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.