Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình Lý Hải Châu (tiếp theo)

Lê Văn Ba| 03/02/2013 05:42

(HNM) - Chúng tôi đi bên nhau, mặt hồ Thiền Quang lăn tăn gợn sóng. Cuối thu, trời Hà Nội xanh mênh mông, thoảng làn gió nhẹ rung rinh mấy chiếc lá bàng sớm chuyển sang màu đỏ nổi bật trong vòm cây xanh thẫm. Anh em tôi tay nắm chặt tay, lan truyền tình cảm cho nhau. Anh Châu dí dủm: - Sống được đến hôm nay, ngoài 80 tuổi là “lãi” to rồi.

Tôi hỏi: - Anh còn kỷ niệm sâu sắc nào nữa trong những năm tù Côn Đảo? Anh có còn giữ được kỷ vật nào không? Mắt anh Châu sáng lên: - Có! Và nói nhỏ nhẹ - Cái khăn che mặt chị Sáu, lúc chị hy sinh.

Tôi mở to mắt nhìn anh, tưởng như mình nghe nhầm. Sau lúc đó, hai chúng tôi trở về nhà, pha trà và cứ ngồi im lặng nhìn chén trà bốc khói mà chưa nâng chiếc tách men sứ trắng bóng lên tay. Mãi rồi anh Châu kể:

Sau lúc hy sinh, chị Sáu ngã xuống. Những anh em tù được nhận trách nhiệm đưa chị ra nghĩa địa Hàng Dương cố tình dềnh dàng như muốn chị nằm lâu hơn trên bãi cát, để chị nghe tiếng sóng biển, sưởi ánh nắng mặt trời. Và để nhiều anh em, kiếm cớ, đi qua viếng chị, vĩnh biệt chị. Các anh tìm được miếng vải, phủ lên mặt chị. Trước khi đưa chị nằm trong áo quan, một anh đã lén thu lại mảnh vải ấy. Mảnh vải được truyền qua nhiều banh, như một báu vật, cuối cùng về đến banh tử tù và người bảo vệ nó lâu nhất là Lý Hải Châu. Năm 1954, hòa bình lập lại, anh Châu cùng đoàn tù Côn Đảo trở về trong vòng tay đồng bào đón tiếp trên bãi biển Sầm Sơn. Anh Châu vẫn lặng lẽ giữ cho riêng mình chiếc khăn “của chị Sáu”. Anh chỉ cho tôi thấy bàn làm việc của anh. Bàn gỗ gụ chắc chắn, nâu bóng, trên xếp đầy sách, có ngăn kéo ở giữa, khóa chìm. Chiếc khăn, của báu, vật thiêng đặt trong đó. Như lúc nào cũng có chị Sáu trong trái tim anh.

Nhà tù Côn Đảo, nơi nhiều tử tù đã chuyền tay nhau gìn giữ kỷ vật khi chị Võ Thị Sáu hy sinh.


Biết tính anh Châu kín đáo nên tôi kiên nhẫn chờ đợi. Và anh thong thả hé lộ từng mẩu ngắn cuộc đời. Tôi hỏi: - Anh được giữ chiếc khăn lâu quá nhỉ? Anh Châu: - Có thể vì lúc đó tôi trong ban đại diện tù banh tử hình. Tôi khoét một lỗ sâu dưới chân tường, cuộn nhỏ cái khăn, nhét vô. Phải có nhiều chỗ giấu lắm? Chúng nó khám xét luôn mà, nhưng chiếc khăn an toàn tuyệt đối. Tôi hỏi sang chuyện khác: - Ông Phạm Ngọc Uẩn, cậu anh đó, chỉ nghe anh kể lại một câu nói của ông “muốn giúp người nghèo, phải tìm con đường khác cháu ạ” đủ biết ông có lòng thương dân, chắc là ông tham gia cách mạng sớm lắm.

Anh Châu ngồi lặng yên. Tôi hỏi tiếp: - Sau này cụ làm tới chức vụ gì? - Chẳng quan tước gì cả… Cụ mất rồi. Tôi lại lảng sang chuyện khác: - Những ngày hoạt động trong Sài Gòn anh ở quận mấy? - Quận V, nơi tôi ở đều là đồng bào người Hoa. Anh là người của Cao Đài, lại náu mình trong khu vực người Hoa. Vậy đi lại, hoạt động ra sao? Chờ mãi, vẫn thấy anh Châu ngồi im. Tôi gặng: - Anh phải có giấy chứng minh của Cao Đài? - Có chứ. - Thế anh đi lại như thế nào? - Có một người tên Trần Quang Vinh, nhân vật cao cấp của Cao Đài là Bộ trưởng không bộ nào trong chính quyền Sài Gòn. Nhiều lần ông ấy tự lái xe ô tô đưa tôi vào họp trong Tòa thánh Tây Ninh. - Vì sao anh bị lộ? Có người phản à? - Không có kẻ phản bội, làm sao nó bắt được chúng tôi. Cái tên phản bội ấy…? Nó là thằng Tâm. Từ trong xà lim, tôi thông tin ngay ra ngoài để các đồng chí mình kịp thời đối phó. Bắt được tôi, chúng nó mừng lắm. Sau đó là anh Đáng, chị Trung, là giao thông liên lạc… Nhưng vụ việc dừng ở đấy, chúng nó không khai thác được gì thêm vì thằng Tâm đang đi trên đường thì bị “củng” một cái vào đầu, chết ngay. Chợt anh xuống giọng, buồn buồn: - Anh Lý An Hải, sau ngày tập kết ra miền Bắc lại xin trở lại chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Anh Hải đã hy sinh trong một trận máy bay Mỹ ném bom xuống Sa Đéc. Anh ấy không biết người em ruột mà chúng tôi rất đề phòng, năm 1975 là Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, chỉ huy trưởng sư đoàn thiết giáp của quân đội Cộng hòa miền Nam.

Tôi hỏi tiếp: - Còn chị Thu Trang? Nghe nhắc tới cái tên Thu Trang, anh Châu ngửng đầu nhìn tôi, nét mặt vui hẳn lên: - Chị Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa. Lúc đầu chúng nó giam chị ở bót Catina, sau chuyển về Khám Lớn Sài Gòn, tra tấn hành hạ chị đủ kiểu nhưng không khai thác được gì thêm. Tháng 6-1953, chị ra tòa, nhờ luật sư Nguyễn Hữu Thọ tranh cãi, được tha bổng. Hoa hậu Thu Trang viết báo, làm diễn viên điện ảnh (chị vào vai Kiều Nguyệt Nga trong phim Lục Vân Tiên). Năm 1961, chính quyền Sài Gòn truy bắt những người kháng chiến cũ, lại tống giam “Hoa hậu Việt Minh” vào tù ba tháng.

Nhận được “tờ rơi” khuyên nên tìm cách rời khỏi Việt Nam, năm 1961, Thu Trang sang Pháp du học, trở thành Tiến sĩ sử học. Anh Châu hồ hởi kể tiếp: - Những năm rồi mỗi lần được các trường đại học mời về nước giảng dạy về bộ môn du lịch, có dịp ra Hà Nội chị Thu Trang đều ghé thăm vợ chồng tôi.

Lý Hải Châu qua nhiều công tác ở Bộ Văn hóa, Ban Tuyên huấn Trung ương, đến 1979 về Nhà xuất bản Văn học.

Đất nước ta sau những năm dài khó khăn, công cuộc đổi mới thật sự toàn diện được tính từ năm 1986, đánh dấu bằng Đại hội Đảng VI. Nhưng trước đó và chuẩn bị cho cuộc lột xác đó, trong nông nghiệp đã giương lên ngọn cờ “khoán hộ, khoán chui”, trong sản xuất, phân phối lưu thông có hiện tượng rủ nhau “bung ra, xé rào”. Và trong văn học nghệ thuật từ năm 1976 đã xảy ra “vỡ đê”, cái “đê” định kiến hẹp hòi, bảo thủ và người đầu tiên, dám đứng lên làm cái việc động trời ấy là Lý Hải Châu, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học!

Nhớ lại cả một thời kỳ vật vã, anh Châu nói với tôi: - Khu rừng văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt thời kỳ từ 1920 đến 1945 nhiều năm dài bị nạn “phá rừng”. Còn đâu những Giông tố, Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Bỉ vỏ (Nguyên Hồng)… những khẩu đại bác nã vào thành trì thực dân phong kiến. Còn đâu những truyện ngắn nửa khóc nửa cười của Nguyễn Công Hoan, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, rồi thơ mới của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Hồ Dzếnh… Người ta coi đấy là những cái u độc hại. Nhiều “nhà tư tưởng”, “nhà lý luận” ra tay đốn chặt những cây đại thụ…

Nhưng đã có một sự rục rịch trong một số nhà văn, đòi đánh giá lại.

Nghe tin tôi trở lại Nhà xuất bản Văn học (trước đó mười năm tôi đã ở đây ra đi với “sự nghiệp” một lô bản thảo không in được. Quyển nào ra được thì bị đánh lên đánh xuống vì “có vấn đề”.

Anh Tế Hanh nắm chặt tay tôi: - Đã có quyết định của Ban Tuyên huấn về chức năng nhiệm vụ của Nhà xuất bản Văn học rồi. Cứ sách tinh hoa, các giá trị văn học lớn mà làm cho có hệ thống. Mình tin là bây giờ cậu có thể làm được. Anh ấy nghĩ rằng, tôi nguyên là Vụ phó Vụ Xuất bản Ban Tuyên huấn trung ương thì có đủ uy lực để thực hiện điều bấy lâu mọi người mong ước. Tôi thì nghĩ thầm trong bụng: Vì nhiệm vụ và đạo lý cách mạng, phải liều thôi, như mình đã liều nhiều lần trong đời.

Chúng tôi “trình” lên một kế hoạch xuất bản trong mười năm một bộ tuyển tập các tác giả văn học hiện đại Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chí Minh rồi Tố Hữu, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Huy Tưởng, Anh Thơ… xen vào giữa là Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Bính… Mỗi tác giả đều có phần tác phẩm in trước năm 1945 và phần sau 1945, tác phẩm viết trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa.

Ban đầu, anh Nguyễn Tuân không tin là Nhà xuất bản sẽ in tuyển tập của mình. Anh hỏi tôi: - Thế cậu không sợ à? Lại hỏi: - Cậu không ngại chứ? Mấy ngày sau, anh lập cập chống batoong lên gác: - Này, được đấy, cậu làm được đấy!

Tình hình “Giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc”, “Trả lại giá trị thật cho các tác giả, tác phẩm trước Cách mạng Tháng Tám” mới khó khăn và nguy hiểm làm sao! Nhà xuất bản phải đương đầu với một nhận thức chung xã hội khi ấy đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người, trên báo chí, trong sách vở, nhà trường. Cả một hành trình đổi mới trong văn học. Nhưng cùng đi trong hành trình khó khăn ban đầu ấy là hàng triệu độc giả. Người ta chen nhau mua thơ Nguyễn Bính đông hơn cả mua hàng mậu dịch. Và tiếp đó là Gió đầu mùa của Thạch Lam, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Sống nhờ của Mạnh Phú Tư… Đến Vũ Trọng Phụng thì “gay go” hơn cả, những ba tập với đầy đủ Giông tố, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây… Còn nhớ buổi “ăn mừng” tác phẩm Vỡ đê năm ấy. Tại nhà cháu Vũ Thị Mỵ Hằng, con gái duy nhất của “Ông vua phóng sự đất Bắc”, có đông đủ bạn bè cố nhà văn và Ban biên tập nhà xuất bản tham dự. Cháu Hằng run run thắp mấy nén hương lên ban thờ, giọng nghẹn lại: “- Bố ơi, bố sống lại rồi”.

Còn anh Đồ Phồn thì vỗ vai tôi : Thế là cậu làm vỡ cái “đê” ấy rồi, cái đê của định kiến hẹp hòi và bảo thủ. Vậy mà trong hội nghị xuất bản toàn quốc năm ấy (1987) tôi bị phê bình “Người ta dám cả gan ra Giông tố, Số đỏ và còn định ra Nửa chừng xuân, Gánh hàng hoa nữa!”. Kể với tôi kỷ niệm về những năm tháng “âm thầm, kiên trì và dũng cảm”, giọng anh Châu sôi nổi hẳn lên. Có lẽ vì đây là những sự kiện mới diễn ra trong chặng đường cuối hành trình một đời người, vì đây là những “thắng lợi” mà người trong cuộc không muốn xảy ra.

Từ những ngày đầu mang ước vọng “muốn giúp người nghèo, phải đi tìm một con đường khác”… Lý Hải Châu đã tìm thấy và trọn đời đi theo con đường ấy, cho dù phải tù tội, có lần tưởng thân này ngực bị bắn thủng toang, xương cốt vùi dưới cát lạnh ngoài đảo xa. Cho đến hôm nay, anh còn tồn tại để những năm tháng gần đây tích cực góp phần vào sự nghiệp đổi mới văn học nghệ thuật nước nhà, đổi mới tư duy xã hội…

Thì vẫn là anh, con người ấy, bản chất ấy. Lý Hải Châu đó mà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình Lý Hải Châu (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.