Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Miếng thịt là miếng… bệnh

Đức Trường| 21/02/2013 07:39

(HNM) - Vấn đề đáng lo ngại là nhiều người chăn nuôi vì muốn nhanh chóng thu lợi nhuận nên đã cho vật nuôi ăn thêm nhiều chất kích thích không rõ nguồn gốc. Hậu quả là người tiêu dùng mang bệnh vào người sau khi sử dụng thức ăn từ thịt các vật nuôi ấy!


Cuộc chiến gian khó của gà sạch

Trong suốt năm 2012, gà thải loại, gà yếu, bệnh được nhập lậu ồ ạt đưa về các tỉnh, thành phố để tiêu thụ. Trong khi các lực lượng chức năng căng mình chống đỡ, thì người dân lo lắng, hoang mang vì rất có thể đã ăn phải loại gà chứa đầy hóa chất lạ và có nhiều mầm bệnh. Loại gà này thường được đưa về các thành phố lớn vì nhu cầu cao hơn rất nhiều so với thị trường khác. Hà Nội không thể thoát khỏi tầm ngắm của những kẻ buôn lậu loại gà này.

Không ít người đã trộn chất kích thích vào thức ăn chăn nuôi để kiếm lời.Ảnh: Thái Hiền


Những ngày giáp Tết, chúng tôi quay lại chợ Hà Vĩ (Thường Tín), nơi đã từng là chợ đầu mối của gà nhập lậu. Trước khi các lực lượng chức năng vào cuộc và người tiêu dùng tẩy chay loại gà này, chợ Hà Vĩ có ngày nhập khoảng 25 tấn gà thải loại. Kể từ tháng 8-2012, lượng gà nhập lậu về đây giảm hẳn. Tuy nhiên, gần Tết, gà thải loại lại có chiều hướng được nhập lậu về nhiều hơn. Các đường dây buôn gà lậu ngày càng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi che mắt, qua mặt các lực lượng chức năng để đưa gà thải loại về Hà Nội. Điều đáng sợ là 100% mẫu gà nhập lậu có dư lượng kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép từ 7 đến 19 lần. Không chỉ có vậy. Trong gà nhập lậu còn có những hóa chất chưa được làm rõ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì lợi nhuận, họ đã coi thường luật pháp, bất chấp đạo đức, dù biết là sẽ đầu độc người tiêu dùng.

Sau khi bị ngăn chặn ở những thành phố lớn, gà thải loại được đưa về tận những vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ, thậm chí tới cả nơi đang nổi lên với thương hiệu "gà đồi Yên Thế". Chị Phạm Thị Kim Dung, một người đã có kinh nghiệm nuôi gà ở xã Đồng Hưu, Yên Thế (Bắc Giang) kể, từ giữa năm 2012 đổ về trước, gà thải loại không rõ nguồn gốc còn "mò" về đến tận quê chị. Lực lượng chức năng bắt giữ không xuể. Đêm đêm, từng chiếc xe máy chở những bu gà thải loại không biết từ đâu về xã Đồng Hưu. Rồi họ mang đi thịt ngay để đóng hộp bán cho người dân với giá rẻ bất ngờ. Ở Đồng Hưu, một hộp thịt đùi gà loại này chỉ có giá từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg, tương đương một bát phở sáng của người Hà Nội.

Sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, sự tẩy chay của người tiêu dùng trước loại gà thải loại nhập lậu đã góp phần giúp cho gà đồi Yên Thế thắng thế trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua. Năm rồi, vợ chồng chị Dung nuôi ít hơn năm ngoái nhưng lại lãi to vì được giá. Chỉ riêng trong vườn đồi nhà, anh chị đã nuôi hơn 100 con gà lôi, khoảng 60 con gà lai chọi, hơn 50 con gà sống ta cựa dài. Tất cả số gà này anh chị đều nuôi thả trên đồi và chỉ cho ăn thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, không cho ăn cám công nghiệp. Giáp Tết, giá gà lôi bán ra từ 170.000 đồng đến 180.000 đồng/kg, gà lai chọi giá khoảng 130.000 đồng/kg, giá gà sống ta cựa dài khoảng 150.000 đồng/kg.

Nhà chị Phạm Thị Kim Dung chỉ là một trong số hàng ngàn hộ nuôi gà đồi Yên Thế cung cấp thịt gà sạch cho các thị trường lớn, trong đó có Hà Nội. Ấy là chưa kể đến những hộ chăn nuôi lớn đến hàng nghìn con. Nhưng vụ gà Tết Quý Tỵ vừa rồi mới chỉ là chiến thắng keo đầu của gà đồi Yên Thế. Cuộc chiến còn dài và gian nan phía trước, một mình gà đồi Yên Thế là chưa đủ.

Người nuôi lợn sạch - tìm kim đáy bể

Mùng 6 Tết Quý Tỵ, tôi tìm đến nhà một người từng là điển hình về chăn nuôi lợn của Thủ đô để hỏi về bí quyết chăn nuôi và cũng để ngầm dò xem nguồn cung và cách dùng chất kích thích. Đón tiếp tôi với nụ cười hiền như Phật Di lặc, ông vui vẻ kể lại những ngày ông chăm đàn lợn gần 200 con cả lợn thịt lẫn lợn nái.

Năm 1990, để thoát nghèo, ông xoay sang nuôi lợn. Ban đầu nuôi ít. Sau dần nuôi nhiều lên. Sau nữa, ông đưa cả lợn giống ngoại vào nuôi theo mô hình công nghiệp và thành công. Để có đủ thức ăn cho đàn lợn, ông đích thân tìm đến những khách sạn, nhà hàng lớn trong nội thành để đặt mua thức ăn thừa. Mầy mò rồi ông tìm ra cách thức phối trộn hợp lý giữa thức ăn thừa từ các nhà hàng với bã bia, bã đậu, bã sắn, bột ngô, cám con cò, rau để có được cám lợn giá rẻ, đủ chất và sạch. Đàn lợn nhà ông lớn nhanh, con nào con nấy hồng hào khỏe mạnh. Thịt lợn nhà ông ngon có tiếng trong giới lái lợn Hà Nội. Cũng nhờ thu nhập từ nuôi lợn, kinh tế nhà ông khá giả trông thấy. Không chỉ giúp bản thân, ông đã truyền "bí kíp" nuôi lợn giống ngoại cho nhiều người giúp họ thoát nghèo.

Khi tôi tìm cách dò hỏi về chuyện dùng thức ăn tăng trọng, chất bị cấm dùng, ông cười như biết tỏng bụng dạ của tôi và vẫn tiếp tục mạch chuyện. Ngày đầu mới nuôi, ông toàn tận dụng bã đậu, bèo, rau già, bột ngô… và cũng chưa biết đến thuốc tăng trọng. Rồi khi nuôi công nghiệp, ông lại tìm ra bí kíp phối trộn cám từ những nguồn thức ăn sạch, có nguồn gốc, giá lại rẻ và đàn lợn nhà ông sinh trưởng tốt, bán có lãi nên ông cũng chẳng quan tâm tìm hiểu về thuốc tăng trọng hay chất tạo nạc. Khi trang trại của ông có tiếng, cũng có người mời chào dùng thuốc này, thức ăn nọ để lợn lớn nhanh, nhiều nạc nhưng ông không mua. Ông tự tin vào công thức cám lợn mà ông tìm ra và cách chăm nuôi của mình.

Ngày còn nuôi lợn, ông chỉ ăn thịt lợn do chính tay mình nuôi. Ông đã từng cùng vợ con đãi bạn bè, hàng xóm đủ món từ tiết canh, lòng lợn, cổ hũ, nõn đuôi, chân giò, thủ, thịt gáy… Giờ đây, sau hai năm "rửa tay, gác kiếm", chẳng mấy khi ông đụng vào thịt lợn, kể cả lợn biếu, chứ đừng nói đến lợn mua ngoài chợ. Đơn giản là ông sợ ăn thịt lợn lại chuốc bệnh vào người.

Người nuôi lợn sạch như ông giờ đây có lẽ hiếm. Còn những người sợ ăn thịt lợn như ông lại rất nhiều. Ông nói rằng giờ nhiều người biết lợn nuôi bằng thuốc tăng trọng không rõ nguồn gốc để tạo nạc, tích nước, khi kiểm tra đều tồn dư Beta-Agonists là nhóm các hormone tự nhiên, có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose. Theo tài liệu khoa học, họ Beta-Agonist gồm 2 nhóm. Nhóm Beta1-Agonist: Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine… có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị sốc tim, suy tim cấp tính. Nhóm Beta2-Agonist: Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Epinephrine… làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mạn tính. Trong thú y, chỉ được phép dùng Clebuterol để điều trị bệnh viêm phế quản ở ngựa, bê và trong điều trị sản khoa của bò cái. Bên cạnh các tác dụng trên, Beta-Agonists được chứng minh là chất chuyển đổi khá hiệu quả, làm giảm lượng mỡ của cơ thể, kích thích phát triển cơ ở gia súc (lợn, cừu) và gia cầm, khi đó người ta phải dùng ß-agonists gấp 5-10 lần điều trị. Người tiêu dùng ăn phải sản phẩm động vật có tồn dư Beta-Agonist sẽ bị ngộ độc, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đây là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong thịt động vật ngay cả khi đã chế biến, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Cũng theo các nhà khoa học, Salbutamol và Clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ em. Điều đáng lo ngại là mỗi năm, lượng thịt lợn được tiêu thụ tại Việt Nam chiến tới 75% cơ cấu tiêu dùng thực phẩm.

Thịt gà, thịt lợn là hai loại thực phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết và được dùng phổ biến trong bữa cơm thường ngày của người Việt. Không biết rõ nguồn gốc, chất lượng của những loại thực phẩm thiết yếu hằng ngày, người tiêu dùng rất hoang mang. Thiếu chúng, bữa ăn sẽ mất cân bằng dinh dưỡng. Nếu dùng e lại chuốc bệnh vào người. Mà tìm nguồn thực phẩm thay thế cũng khó. Tôm, cua, ếch, ba ba, vịt, ngỗng, ngan, bò, trâu giờ đây đều đã được nuôi tập trung và không ai chắc là không sử dụng chất cấm. Người tiêu dùng lâm vào cảnh "Thập diện mai phục".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Miếng thịt là miếng… bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.