Theo dõi Báo Hànộimới trên

Palestine - Khát vọng hòa bình: Ngột ngạt A, B, C (bài 2)

Vân Khanh| 26/02/2013 06:53

(HNM) - Cửa ngõ vào Ramallah là con đường hẹp và không bằng phẳng. Những hàng dài ô tô nối đuôi nhau nhích từng mét trên đường khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh tắc đường giờ cao điểm tại một thành phố đông đúc dân cư nào đó.


Rất lạ là, chỉ ra khỏi "nút cổ chai" dài chừng 500m ấy là một không gian khác hẳn. Ramallah hiền hòa hiện ra với những con phố rộng thênh thang. Công bằng mà nói, chất lượng đường sá ở Palestine cực tốt, được trải nhựa phẳng lỳ và không có dấu hiệu của sự chắp vá. Một nhân viên phụ trách đoàn, người Palestine giải thích, sở dĩ có sự ùn tắc là bởi lẽ khu vực này nằm trong khu C, hoàn toàn do Israel kiểm soát. Người Palestine không được phép làm bất kỳ điều gì tại con đường này, từ việc nâng cấp, sửa chữa, mở rộng cho đến điều khiển giao thông. Vậy là chúng tôi lại được làm quen với một khái niệm mới mà người Palestine đã phải sống chung với nó gần hai thập kỷ nay.

Bức tường an ninh, được người Palestine gọi là Bức tường chiếm đóng đang chia cắt các vùng lãnh thổ Palestine. Ảnh: Jamal Aruri, Nhật báo Alayaam, Palestine.


Theo tinh thần của Hiệp định Oslo năm 1993 (được xem là một trong những cột mốc quan trọng nhất của tiến trình hòa bình Trung Đông), tất cả vùng lãnh thổ của người Palestine được chia thành ba khu vực A, B và C. Khu A, là nơi đông dân cư nhất, được giao cho người Palestine quản lý cả về hành chính và an ninh. Khu B sẽ do phía Palestine phụ trách về các vấn đề dân sự và Israel kiểm soát an ninh. Khu C, chủ yếu là những nơi nhiều đất đai nhưng thưa người ở, nằm dưới sự kiểm soát toàn diện của Israel. Cũng theo bản hiệp định này, trong vòng 5 năm, hai bên phải ký kết một hiệp định toàn diện để kết thúc sự phân chia A, B, C. Song, 20 năm đã trôi qua, điều khoản này đã trở thành một "món nợ" quá hạn. Nhìn tấm bản đồ khu vực, có thể thấy những lằn ranh phân định khá rõ ràng đan xen khắp các vùng đất của Palestine. Thế nhưng, có đến đây mới cảm nhận được phần nào sự phức tạp ẩn sau những chữ cái A, B, C đơn giản ấy.

Tôi không thể quên được hình ảnh những đứa trẻ ngơ ngác trong cái lạnh của một buổi chiều tà tại làng Yatta, ngoại ô Hebron. Vượt qua nhiều con dốc ngoằn nghèo, những đoạn đường đá dăm lởm chởm, chúng tôi mới tới được khu Alfajara. Theo thông tin từ một số đồng nghiệp Palestine, tại khu vực này có những gia đình phải sống dưới hang đá như thời nguyên thủy để bám trụ, giữ đất đai của tổ tiên. Câu chuyện tưởng đùa mà hóa thật. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của một người địa phương, chúng tôi tới "ngôi nhà hang" của gia đình anh Fadhil Hammaden. Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn leo lét, căn nhà khác thường dần hiện lên trong lộn xộn và nhiều thứ mùi trộn lẫn vào nhau. Không bàn ghế, giường, tủ... nền hang rộng chừng hơn 60m2 được chia làm đôi, một bên là nơi ở của gia đình 8 nhân khẩu và phần kia là chỗ giữ gia súc. "Chúng tôi cũng muốn dựng một căn nhà nhỏ trên phần đất này nhưng không được phép vì đây thuộc khu C. Nhưng chúng tôi cũng không thể chuyển đi vì đây là đất đai của cha ông để lại và cũng là nơi chúng tôi có thể chăn thả gia súc để kiếm sống", anh Hammaden cho biết. Tại đây, có 16 gia đình như nhà Hammaden đang phải bám đất mưu sinh dù gặp không ít khó khăn, vì mọi sinh hoạt tối thiểu cho một cuộc sống bình thường đều diễn ra ở dưới hang. Theo người đứng đầu khu vực này, mọi công trình xây dựng "lộ thiên" đều bị chính quyền Israel cấm. "Chúng tôi muốn xây một ngôi nhà nhỏ để làm nơi cầu nguyện cho mọi người ở đây nhưng đã bị ủi đổ". Người đàn ông khắc khổ vừa nói vừa chỉ vào ngôi nhà cấp 4 đã bị phá tan hoang.

Cách đó không xa, đối lập với sự tiêu điều của "xóm nhà hang" xơ xác là khu định cư khang trang của Israel. Mái ngói đỏ, quy hoạch đều tăm tắp, rộng rãi, có đường đi riêng và được bao quanh bởi nhiều hàng rào dây thép gai, những đặc điểm này khiến các khu định cư Do Thái rất dễ nhận biết. Là một trong những vấn đề gây cản trở lớn nhất cho tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng ở bất kỳ thành phố nào của Palestine cũng tồn tại những khu định cư như vậy. Với 61% lãnh thổ Bờ Tây thuộc khu C, những khu định cư Israel xen cài, chồng lấn với các làng mạc, công trình, nhà ở… của người Palestine bản địa, tạo nên một bức tranh địa lý và xã hội cực kỳ phức tạp, có một không hai trên thế giới.

Chưa từng nhận được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế và cũng đi ngược lại tinh thần của Hiệp định Oslo, quy định cả hai phía Israel và Palestine không được có bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng lãnh thổ trước khi có một thỏa thuận cuối cùng, thế nhưng các khu định cư Israel vẫn mọc lên với tốc độ chóng mặt. Sau năm 1993, khi Hiệp định Oslo được ký kết, số lượng khu nhà của Israel đã tăng từ xấp xỉ 250.000 lên hơn 500.000 vào năm 2011. Tính trung bình từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ gia tăng các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ của người Palestine là từ 5 đến 5,7% mỗi năm, gấp ba lần tỷ lệ tăng dân số bình quân của Israel. Do đó, sẽ chẳng hiếm hoi nếu như bắt gặp những khu định cư hoành tráng và đầy đủ hạ tầng nhưng tuyệt nhiên không có một bóng người. Sức ép của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Mỹ cũng không làm kế hoạch mở rộng các khu định cư của Israel chậm lại. Thậm chí Liên minh Châu Âu (EU), một đối tác trong nhóm Bộ Tứ về tiến trình hòa bình Trung Đông, cũng đã thể hiện lập trường kiên quyết bằng cách cấm nhập khẩu những hàng hóa của Israel được sản xuất tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.

Để bảo vệ cho các công dân của mình trên những vùng đất này, Tel Aviv đã huy động lực lượng an ninh bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Thậm chí, một số nơi như Hebron có tới 5.000 lính được triển khai chỉ để bảo vệ cho 200 người định cư Israel. Một hàng rào bê tông cao tới 8m, đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người Palestine và cộng đồng quốc tế, được dựng lên và mang một cái tên rất thuyết phục: Hàng rào an ninh. Song, đối với người Palestine, họ gọi sản phẩm này là "hàng rào Apartheid" (tên của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Nam Phi) hay đơn giản hơn là "hàng rào chia cắt". Những miếng bê tông xám xịt cao ngút chạy ngoằn ngoèo, không theo một quy tắc nào, không những làm thay đổi không gian tự nhiên của lãnh thổ Palestine mà còn chia lìa khoảng 12,4% dân số Bờ Tây và cô lập 10,6% số dân Palestine ở phía Tây bức tường. Tôi chợt nhớ đến nhận xét của nhà báo kỳ cựu người Pháp về Trung Đông, Anton La Guardia, trong cuốn "Cuộc chiến không kết thúc". Ông viết thế này, chừng nào người Palestine chưa có hòa bình thì người Israel sẽ chẳng có an ninh. Tôi bỗng liên tưởng đến hình ảnh hai thanh niên Israel khoác súng trường trên vai trong khi đang chạy bộ tập thể dục bên ngoài một khu định cư Do Thái ở ngoại ô Hebron…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Palestine - Khát vọng hòa bình: Ngột ngạt A, B, C (bài 2)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.