Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ thiện ở Hà Nội xưa

Nguyễn Ngọc Tiến| 02/03/2013 05:46

(HNM) - Giúp đỡ người nghèo khó, gặp hoạn nạn là bản tính của người Việt từ xưa đến nay. Và Thăng Long - Hà Nội bao giờ cũng là nơi tập trung đông nhất những người cần giúp đỡ vì ở đây có kho lương của triều đình, có nhiều gia đình khá giả hảo tâm...

Thời vua Tự Đức, có một người phụ nữ Hà Nội thương người như thể thương thân, thường giúp đỡ người nghèo khó, thiếu thốn. Đó là bà Lê Thị Mai. Góa chồng từ khi còn trẻ, không có con nhưng bà không đi bước nữa. Thuộc hàng khá giả ở Hà Nội nhưng bà không ham làm giàu thêm mà đã dùng số tiền đó làm nhiều quán sinh đồ ở đầu phố Hàng Giấy, Hàng Đậu, gần Trường Đại Tập của ông nghè Lê Đình Diên, một nhà Nho có khí phách chống thực dân Pháp. Trò nghèo xin trọ, bà không lấy tiền. Trò nào quá khó khăn, bà cho tiền mua mực, sách và cho ăn. Năm 1873, năm Pháp chiếm thành Hà Nội, Bắc Kỳ lụt lội, mất mùa, dân đói kém. Kho lương của triều đình phát chẩn cũng không đủ nên bà đã đi khắp thành Thăng Long vận động các gia đình khá giả ủng hộ lương và tiền giúp người nghèo khổ qua nạn đói, vì thế nhiều người đã mang ơn bà. Khi bà mất, dân Thăng Long đã lập miếu thờ bên cạnh mộ. Tấm lòng thơm thảo của bà Lê Thị Mai đến tai Tự Đức và vị vua này đã ra sắc phong “Tiết phụ Từ”. Bản đồ Hà Nội năm 1890 vẫn còn ghi rõ địa điểm mộ và miếu thờ ven hồ Trúc Bạch (chỗ giáp với đền Trấn Vũ), nhưng sau đó chính quyền mở mang thành phố nên cả miếu và mộ bị san phẳng, không rõ năm nào.

Phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, người Hà Nội luôn tích cực chia sẻ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.


Cuối thế kỷ XIX, nhiều người Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với lề lối làm ăn của người Pháp và đã khá giả lên nhanh chóng. Trong đó, phải kể đến ông Bạch Thái Bưởi, người về sau trở thành nhà tư sản dân tộc có hãng tàu thủy cạnh tranh với hai hãng tàu chở khách Sauvage của chủ Pháp và hãng của Hoa kiều. Cùng với công việc kinh doanh, ông Bạch Thái Bưởi cũng đã dành một phần tiền cho các hoạt động từ thiện, xã hội giúp đỡ dân nghèo ở Thăng Long và Bắc Kỳ. Trong hai năm 1903 và 1904, Hà Nội đã xảy ra dịch bệnh làm nhiều người chết, trong đó có rất nhiều xác chết vô thừa nhận, không ai chôn cất. Thương cảm với những số phận không may, Bạch Thái Bưởi đã cùng với các ông Vũ Quang Huy, Đỗ Đình Đắc, Phạm Sỹ Hạnh, Long Ngổ góp tiền lập ra Hội Hợp Thiện với mục đích ban đầu là “Phù thi tử lộ” - chôn cất tử tế những người chết vô thừa nhận. Theo thời gian, Hội lo ma chay cho hội viên và người nhà hội viên, rồi tiến tới lo ma chay cho người nghèo ở ngoài hội. Để có đất chôn cất, Hội Hợp Thiện đã mua 300 mẫu ruộng của làng Quỳnh Lôi (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) làm nghĩa địa. Và từ “độ tử”, Hội đã chuyển sang “độ sinh” - giúp đỡ những người khốn cùng trong xã hội. Năm 1935, Hợp Thiện mở một quán cơm giá rẻ gọi là Bình dân phạn điếm ở ngõ Hàng Đũa (nay là Ngô Sỹ Liên), cạnh chùa Phổ Giác. Bình dân phạn điếm bán cơm cho những người không nhà không cửa, túng thiếu lang thang, lấy nơi đây làm chỗ dựa cho hai bữa. Thành phố hỗ trợ gạo, còn lại thức ăn, nấu nướng, phục vụ đều do Bình dân phạn điếm tự lo bằng nguồn kinh phí của Hợp Thiện. Vào những năm 1936, giá một bữa cơm bình dân là ba hào thì Bình dân phạn điếm chỉ lấy một hào. Cùng với mở Bình dân phạn điếm, Hợp Thiện còn đứng ra xin đất ở hai bên chùa Phổ Giác, xây các dãy nhà rẻ tiền cho dân nghèo thuê. Một dãy nhà một tầng gồm 20 gian ở đầu phố Quốc Tử Giám và một dãy 10 gian nay là cuối phố Ngô Sỹ Liên. Năm 1938, Hợp Thiện mở thêm Viện tế bần ở phố Tholance (nay là Đoàn Thị Điểm). Viện tế bần là dãy nhà một tầng có mặt bằng khá rộng, kiến trúc đẹp, thu nạp người thất cơ lỡ vận, sống cầu bơ cầu bất cho họ ngủ qua đêm, sáng ra cho ăn bát cháo trước khi họ ra phố kiếm sống. Tiếp đó, năm 1940, Hợp Thiện đỡ đầu cho bà Cả Mọc, bà Vũ Quang Huy, bà Lê Trung Ngọc mở Dạ lữ viện nằm trên phố Phan Văn Trị (nay là cơ sở y tế) cho người nghèo thuê với giá rẻ. Dạ lữ viện có chăn ấm về mùa đông, nước nóng và chiếu sạch sẽ. Lúc cao điểm, Dạ lữ viện có đến 300 người ngủ qua đêm.

Nói đến làm việc thiện ở Hà Nội thời Pháp thuộc không thể không nói đến một người, đó là bà Cả Mọc. Bà tên thật là Hoàng Thị Uyên, người làng Kim Lũ, trước kia làng thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Bà sinh năm 1870 và mất năm 1947. Bà là con gái cụ Cử Hoàng Đạo Thành, từng làm Tri phủ, nhưng sau đó từ quan về quê, rồi tham gia phong trào Duy Tân. Đến tuổi lấy chồng, bà Cả Mọc nhận lời làm vợ ông Nguyễn Huy Vị, con trai một của cụ tú Nguyễn Đôn, người làng Hạ Đình (nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân). Chung sống được mấy năm nhưng chưa có con thì chồng mất. Không lâu sau, cha chồng cũng qua đời, bà ở vậy để phụng dưỡng mẹ chồng, dù lúc bấy giờ bà chỉ khoảng 20 tuổi. Nhà chồng không có ruộng nên mờ sáng bà cùng với nhiều người làng đi bán hàng thuê ở phố Hàng Đào. Khi mẹ chồng vào ở trong chùa, bà thuê nhà ở ngõ nhỏ phố Hàng Bạc rồi vay vốn bạn bè, chị em, mở một cửa hàng nhỏ bán hàng tơ lụa ở phố Hàng Đào lấy tên là Nghĩa Lợi. Nhờ buôn bán thật thà, không nói thách nhiều, lại sẵn sàng cho chịu nên cửa hàng tơ lụa của bà ngày một đông khách. Năm 1923, Nam Định, Thái Bình bị vỡ đê. Ruộng vườn, nhà cửa lụt lội nên dân đói la liệt trên đường. Xót thương đồng bào, bà lấy tiền nhà ủng hộ. Hết tiền, bà đi quyên chị em, bạn hữu và bà con buôn bán rồi nhờ thanh niên đi phát cùng. Thấy con cái những người làm thuê, chạy xe tay lang thang trên phố vì không có ai chăm nom và buổi trưa cũng không có cơm nên bà đã vận động chị em buôn bán ở phố gom lũ trẻ lại, cho ăn bữa trưa để bố mẹ chúng yên tâm kiếm tiền nuôi gia đình. Nhận thấy không chỉ con cái của những người làm thuê ở Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường... mà rất nhiều nhà có con nhỏ cần chăm sóc, bà nhen nhóm ý tưởng lập nhà Tế Sinh (còn gọi là Viện tế bần). Năm 1938, bà bỏ tiền mua miếng đất hơn 1.000m2 ở ngõ Hàng Đũa để xây nhà Tế Sinh. Khi đấu thầu xây dựng, ông Thanh nhà ở Hàng Đẫy trúng thầu. Ông Thanh chỉ lấy tiền vật liệu mà không lấy một đồng tiền công nào. Trên cổng ra vào, bà cho đắp khẩu hiệu “Ấu nhân chi ấu - Yêu con mình, yêu cả con người”. Bên trong, bà cũng cho kẻ khẩu hiệu: “Tất cả vì trẻ con” trên các bức tường. Nhờ có ông Nguyễn Văn Vĩnh và nhiều nhà báo khác đăng miễn phí liên tục mục đích của nhà Tế Sinh trên nhiều tờ báo nên người ta mới hiểu được hoạt động của lớp mẫu giáo này. Sáng sáng, những người làm thuê, nhà nghèo có con nhỏ không có người trông đã mang con đến gửi, chiều họ đón con về. Không chỉ tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, Tế Sinh còn nuôi ăn mà không thu một đồng nhưng ai có lòng hảo tâm tặng quà hay tiền thì hội nhận. Đốc lý Hà Nội đến thăm và không ngờ “An Nam” lại có nhà trẻ đầy tính nhân ái vì mô hình này ở Châu Âu thời điểm đó cũng chỉ có rất ít. Vua Bảo Đại nghe tin, từ Huế đã ra thăm Tế Sinh. Trở về, Bảo Đại ban cho bà bảng vàng nhưng bà từ chối không nhận. Khoảng năm 1943, bà Cả mua mảnh đất ở Nội Bài (nay thuộc huyện Sóc Sơn) xây dãy nhà để đón các lão ông, lão bà không nơi nương tựa về ở và trong mấy năm, bà nuôi khoảng 3 chục người. Không chỉ nuôi ăn, bà còn cho mời bác sĩ từ Hà Nội lên để khám và chữa bệnh. Tháng 3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời bà lên Bắc Bộ phủ dùng trà và Người khen ngợi những việc bà đã làm khi dân ta còn nhiều người nghèo khổ. Cảm kích trước những lời khen ngợi, bà thưa với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những việc làm đó không có gì to tát so với nhiều người Hà Nội lúc đó đóng góp cho hàng trăm lượng vàng cứu đói. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà đưa các cháu lên ấp này và mất ở đó năm 1947.

Ngoài Hợp Thiện, bà Cả Mọc, Hà Nội còn có Hội Phúc Thiện của công nhân ngành hỏa xa (trụ sở ở phố Lê Trực), Hội Ái hữu tương tế rồi Hội Quảng Thiện (trụ sở ở ngõ Cổng Đục) và đặc biệt khi có lũ lụt, dịch bệnh thì thanh niên, sinh viên hay Hội Công thương Bắc Kỳ đã tổ chức diễn văn nghệ ở Nhà hát Lớn quyên tiền giúp người bị nạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ thiện ở Hà Nội xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.