Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo hai ngôi đình cổ

Thanh Lê| 03/03/2013 08:17

(HNM) - Cách đây hai năm, trong chuyến du khảo cùng những người bạn Nhật Bản, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự say mê tìm hiểu về kiến trúc đình, chùa vùng đất


Không biết có phải từ gợi ý đó mà hiện nay một số doanh nghiệp lữ hành đã dựng tour du lịch về Ba Vì với các điểm dừng chân để du khách tự khám phá hai trong mười kiến trúc cổ độc đáo nhất Việt Nam - đó là đình Chu Quyến và đình Tây Đằng. Chúng tôi tới thăm đình Chu Quyến (xã Chu Minh, Ba Vì) vào một ngày đông nhưng trời lại nắng. Ngôi đình cổ uy nghi mới được trùng tu ánh lên đầy kiêu hãnh dưới nắng lạ thu hút mọi mắt nhìn. 

Đầu đao góc mái - một trong những nét độc đáo của đình Chu Quyến.


Người Chu Quyến vẫn ghi nhớ tên nôm - đình Chàng, nơi thường tổ chức hội làng với nhiều nghi lễ truyền thống vào ba ngày 14, 15, 16 tháng Giêng. Người già trong làng kể rằng, đình Chàng có từ cuối thế kỷ XVII, là biểu tượng cho kiến trúc đình gỗ dân gian của Việt Nam thời Lê Trung hưng. Đình Chàng có tất thảy 42 cột làm bằng gỗ lim, 2 hàng cột cái (đường kính 60-81cm), 2 hàng cột quân (50cm), 2 hàng cột hiên (50cm), đối xứng với nhau qua trục dọc nhà. Đình thờ Lý Nhã Lang (tương truyền là con rể của Triệu Quang Phục) con trai của Lý Phật Tử. Trải qua hơn bốn thế kỷ cùng những biến động thăng trầm của thời gian, ngôi đình gỗ đồ sộ vẫn đứng sừng sững, vẹn nguyên nét cổ kính với không gian kiến trúc mở độc đáo.

Cụ Nguyễn Văn Toàn, 82 tuổi người gốc làng Chàng nói với chúng tôi: Ngôi đình được xem là linh hồn và nơi tập trung ngưỡng vọng của mỗi người dân trong làng. Đình cũng là nơi để người làng hội họp giải quyết mọi chuyện liên quan đến đời sống, văn hóa. Vì thế, đình cũng giống như chùa, được người dân quê tự giác bảo vệ, tu sửa. Những khi đình làng rơi vào cảnh nguy cấp, người làng không ai bảo ai tự giác mang gỗ, ngói ra "cứu" đình. Vì thế mà sau này, năm 2007 khi hạ giải, trùng tu tổng thể đình Chàng chỉ phải thay mới 2 chiếc cột lim và các nhà nghiên cứu đã đếm được hơn 50 loại ngói trên mái đình.

Cụ từ Nguyễn Công Minh tuổi ngoài 70 cho biết thêm: "Từ thời chiến tranh ác liệt hoặc khi mưa bão... dân chúng tôi chạy bom, trú bão mà chỉ lo mất đình. Dứt tiếng bom đạn, dứt mưa gió là người dân trong làng lại gom cây đổ về chống mái đình. Nhiều lần thiếu ngói, dân làng tự nguyện lấy ngói nhà mình ra "cứu" đình. Vì thế tôi tự tin mà nói, dù có khó khăn đến mấy dân chúng tôi vẫn giữ được đình bằng tấm lòng của mình".

Cán bộ văn hóa xã Phùng Văn Viên kể, tháng trước, anh cùng Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện đã làm việc với Sở VH,TT&DL về việc đưa đình Chàng vào tour du lịch. Nếu thành công, đình Chàng quê anh sẽ càng nổi tiếng. Hỏi chuyện về kiến trúc độc đáo của đình, anh Viên "nổ" như pháo. Như hầu hết các ngôi đình cổ xứ Đoài, đình Chu Quyến có mái xòe rộng ra bốn phía, chiếm tới hơn 3/4 thể tích ngôi đình, nhưng lại lan rộng xuống thấp càng làm tăng thêm sự vững chãi, bề thế. Các đầu đao đều uốn cong giúp cho mái đình trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và duyên dáng. Đình có mặt bằng kiểu "chữ Nhất", trên hệ kết cấu khung gỗ kiểu chồng giường trang trí tinh xảo, miêu tả cảnh chọi gà, hát múa dân gian, người cưỡi hổ, các họa tiết linh vật…

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho biết: "Chu Quyến là một trong số ít những ngôi đình còn lưu giữ được các con giống bằng đất nung trên bờ nóc con xô, kìm nóc, đầu đao… Ngoài kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc độc đáo, trong đình Chu Quyến còn lưu giữ những thần tích và các di vật cổ có giá trị lịch sử to lớn, đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn phong thần cho Nhã Lang Vương". Thời trước, bên bờ đầm trước sân đình còn có nhiều cây sung, cây phượng và cây gạo đường kính hơn một mét. Sau vì khó khăn, dân làng đã hạ xuống lấy gỗ đóng bàn cho học sinh. Trong khuôn viên của đình bây giờ vẫn còn ngôi nhà xây từ thời Pháp, đó là trường học đầu tiên của phủ Quảng Oai (1926).

Năm 2010 dự án trùng tu đình Chu Quyến đã đoạt giải thưởng cao nhất về bảo tồn di sản của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. KTS Lê Thành Vinh cho biết, Chu Quyến là ngôi đình cổ hiếm hoi có nhiều tác phẩm trang trí đặc sắc được thể hiện cả trên đất nung và gỗ. Sở dĩ dự án trùng tu được đánh giá cao bởi nó được xây dựng trên cơ sở kết quả khảo sát, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về di tích, được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt. Đồng thời, đây là dự án trùng tu mẫu để thông qua đó xây dựng chuẩn mực trong công tác bảo tồn, trùng tu các di tích khác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn di tích lịch sử văn hóa đang ngày một "biến tướng" tại nước ta hiện nay.

Khác với không gian kiến trúc mở ở đình Chu Quyến, đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) xem ra "kín cổng cao tường" hơn. Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc điêu khắc gỗ cổ thì Tây Đằng được người dân xa gần biết tiếng bởi nơi đây thờ Tản Viên, một vị thánh trong "tứ bất tử", nhân vật hàng đầu của thần thoại Việt Nam.

Cụ từ Trương Danh Sước, tuổi ngoại thất tuần cho rằng, vẻ đẹp của đình Tây Đằng không phải ở khung cảnh thiên nhiên mỹ lệ, cũng không phải ở quy mô đồ sộ mà là ở nghệ thuật điêu khắc chạm trổ, trang trí còn lưu lại trên các cột, vì kèo, xà, đấu, ván long, lá gió… Ngôi đình không có tòa ngang dãy dọc. Ngoài hai ngôi nhà tả mạc, hữu mạc thì đình chỉ có một nếp nhà kiểu "chữ Nhất" với 6 hàng, mỗi hàng 8 cột gỗ lim. Cột ở đình Tây Đằng không to đều như cột đình Chu Quyến mà nhỏ dần từ giữa đình ra 4 phía. Kế bên phải đình, một giếng nước xếp đá núi và đá ong cổ mang nét đặc trưng của vùng núi Ba Vì vẫn mát ngọt quanh năm, dù đã qua nhiều thế kỷ. Nghe đâu, năm 1947, các đồn lính Pháp đóng quanh vùng mang xe téc về hút nước thường xuyên mà chưa bao giờ giếng cạn. Lần gần đây nhất, năm 2004 làng tổ chức cải tạo giếng phải dùng tới ba máy bơm công suất lớn, hút một ngày đêm mới cạn.

Như một hướng dẫn viên du lịch có nghề, cụ Sước nói, những người thợ mộc xưa đã đạt tới trình độ nghệ sĩ khi biến những khúc, mảng gỗ vô giác trở thành một kho tàng sáng tạo điển tích đầy tình người và khát vọng chiến thắng giặc giã, thiên tai. Trên ván gió đình Tây Đằng còn có chú voi tung cả bốn chân, vòi, đuôi và toét miệng cười như thể đang bay trong gió mà quên cả trọng lượng cơ thể đồ sộ của mình. Điểm đặc biệt trên tất cả là hệ thống kẻ bẩy, bánh bẩy của mái đình đều nổi bật những nét hoa văn chạm trổ không đối xứng, không trùng lắp. Cũng giống như các đình cổ khác, đình Tây Đằng có nhiều chạm trổ hình rồng, phượng. Rồng ở đây mang phong cách thời Trần, hầu hết hình vóc nhỏ, có mào, khúc uốn không cong mấy, còn chim phượng ở tư thế múa cánh xòe cả hai bên như hình trăng lưỡi liềm, đầu to, cổ mập, mỏ ngắn và đuôi cũng ngắn. Loại hình điêu khắc này là nét riêng biệt của đình Tây Đằng, rất ít có ở các đình khác. Song có lẽ đặc biệt và độc đáo nhất trong nghệ thuật điêu khắc ở ngôi đình này chính là những hình chạm trên các bức cốn, các ván long… rất thuần Việt. Vì thế, người Tây Đằng vẫn tự hào: Mái đình làng mình là một bảo tàng mỹ thuật dân gian Việt Nam thu nhỏ và cho đến nay vẫn bảo tồn được hầu như nguyên gốc những nét kiến trúc nghệ thuật với các hoa văn chạm khắc đặc trưng từ thế kỷ XVI.

Cũng như xã Chu Minh, thị trấn Tây Đằng đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới với nhiều tiêu chí hiện đại, văn minh. Hiện nay thị trấn đã có đầy đủ các thiết chế văn hóa cơ sở, thuận tiện cho những sinh hoạt văn hóa mang tính chất cộng đồng. Nhưng không vì thế mà người Tây Đằng vội quên những nét đẹp truyền thống trong sinh hoạt văn hóa bên mái đình làng. Ngoài tổ chức ba lần lễ tiệc: Lễ Hạ Điền (1-5 âm lịch), Thượng Điền (1-8 âm lịch), Lễ Nhập hội (10 tháng Giêng), cứ mỗi khi làng có việc lớn các cụ lại ra đình làng bàn bạc. Lễ mừng thọ các cụ cao niên cũng được tổ chức trang trọng tại đình vào mùng 6 Tết, sau đó mới về trụ sở UBND xã liên hoan. Chỉ có điều… nói như cụ từ: "Đình to là vậy, đẹp, độc đáo là vậy mà vẫn thưa khách tham quan lắm, thật tiếc quá!".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo hai ngôi đình cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.